“Trên từng cây số” là tên một bộ phim truyền hình nhiều tập của Bun-ga-ri vốn quen thuộc với khán giả Việt Nam đầu những năm 80 của thế kỷ trước. Nhưng chưa tới một thập niên sau, “Trên từng cây số” của màn ảnh xứ hoa hồng đã biến thành nỗi ám ảnh đậm nước mắt, và cả máu nữa của nhiều người Việt đi xuất khẩu lao động tại các nước Đông Âu. Đây chỉ là vài mẩu chuyện do em trai tôi- một họa sĩ kể lại sau khi đã trải nghiệm trên từng cây số cuối cùng của con đường khổ ải này…
(Nguyễn Anh Tuấn)
1. Đóa hồng trên ngọn núi Vitôsa
– Lăng! Popturete (Lăng, nhắc lại!)
Cô giáo vẫn ngồi ngay ngắn, nói giọng nhỏ nhẹ. Đôi mắt màu xanh nhạt, ẩn dấu một nụ cười kín đáo. Tôi cúi xuống tìm từ đã quên.
Không thể nghĩ được gì. Đôi mắt ấy cứ gợi cho tôi hình ảnh đại dương đầy nắng gió.
“Nếu anh muốn tỏ tình với một cô gái Bun, anh sẽ dùng từ, đặt câu như thế nào?” – Cô vừa nhắc nhẹ vừa nhìn vào đôi môi mấp máy của tôi.
Chịu, chia động từ rắc rối quá! Tôi đỏ mặt thay cho câu trả lời. Chợt thoáng hiện ra trong óc tôi từ “cửa hàng giày dép”, tôi đáp bừa: “Tôi sẽ mời cô ấy đến cửa hàng giày dép”. Cả lớp cười ồ. Còn tôi lại càng đỏ mặt hơn. Tôi tự biết là đã chia động từ sai, nhưng đấy không phải là lý do để mọi người cười.
“Có thể lắm chứ” Cô giáo cười thật ngọt và duyên. Sau khi chữa lại cách chia động từ, cô lại mỉm cười. “Chắc đó sẽ là món quà tặng cho ngày sinh nhật bạn gái, phải không?”. Tôi gật đầu. Cô hơi ngạc nhiên: “Tại sao?”. Đội trưởng ngồi sau tôi nhắc bằng tiếng Việt: “Quên rồi à, ở đây gật đầu có nghĩa là không phải”. Tôi vội vàng lắc đầu và nói “Đa” (có, vâng). “Rồi sau đó?” – Cô hỏi tiếp, đôi mắt trở lại nghiêm nghị và theo dõi tôi như rađa dò tìm sóng lạ.
May quá, chuông giải lao đã reo lên. Cô giáo đã đến gần tôi và hỏi nhỏ: “Tôi có thể xem cuốn vở của Lăng được không?”
Tôi mở chỗ ghi bài học rồi đưa cho cô, nhưng cô lại lật nhanh mặt sau vở. “Có phải anh đã vẽ tôi đây?” – Cô chỉ tay vào những hình vẽ mà tôi đã nghí ngoáy trong các giờ học. Những món tóc mềm xõa xuống. Những sống mũi cao và thanh tú lúc nghiêng, lúc chếch, lúc thẳng. Và có cả một đôi mắt đặc tả. Đôi mắt “đại dương” xuất hiện những đợt sóng xanh xô tới gần và tan biến thành những bọt trắng tinh nghịch, trước sự chứng kiến của một cánh buồm nhỏ xíu, đơn độc và bất lực… Cô chăm chú nhìn tôi dường như nôn nóng chờ đợi sự thú nhận. Tôi lúng túng và buột nói: “Tôi đã là một họa sĩ ở Việt Nam”. Không hiểu sao tôi lại chia động từ thời quá khứ trôi chảy đến thế!
“Thật ư?” – Cô duyên dáng vuốt mái tóc lên. Cái mũi nhọn như dài thêm ra bởi đôi môi hình trái tim chụm lại. Không hiểu anh chàng Việt Nam nhỏ bé, đầu đen bù xù tự xưng là họa sĩ ngày thu hút sự tò mò hay sự thán phục của cô? Thay một lời khen xã giao theo phép lịch sự, cô ngồi xuống cạnh tôi, giở hết trang này đến trang khác mải mê xem. Đôi mắt cô hơi nheo lại. Khuôn mặt nhìn nghiêng tuyệt đẹp như của người Hy Lạp cổ đại. Thấy cô dừng lại hơi lâu ở một bức ký họa bút bi, tôi giải thích: “Đó là đường dẫn lên núi Vitôsa”. “Vào mùa thu – cô tiếp luôn, không nhìn tôi – Lăng biết không, từ bé tôi đã được nghe kể: trên đỉnh núi Vitôsa có một bông hồng kỳ diệu. Ai tìm được nó, sẽ được hạnh phúc suốt đời…”. Sau phút mơ màng, cô trở lại vui vẻ:
– Hôm nào tôi dẫn đứa con gái nhỏ của tôi đến, nhờ Lăng vẽ giúp nó một bức chân dung, được không?
Xuýt nữa tôi lại gật đầu. Nhưng tôi không quen lắc đầu theo đúng như tập quán của người Bun để tỏ ý nhận lời. Tôi nói, cố mỉm một nụ cười lịch sự:
– Được chứ! Tôi rất lấy làm vinh dự…
Nhưng bẵng đi hai tuần sau đó, cô không đến lớp. Lớp tôi có thầy giáo khác dạy thay. Các buổi sáng học tiếng rồi cứ thế trôi qua… Khi gác chuông tu viện ngân lên, cũng là lúc mấy chiếc ô tô bus đỗ xịch ngoài cổng. Từng tốp giáo viên bước xuống. Các cô giáo ăn vận trang nhã, son phấn và nước hoa như những bà khách du lịch. Các thầy giáo thì cao lớn, bệ vệ, chải chuốt như những nhà ngoại giao. Họ thong thả bước xuống con đường rải nhựa sạch bong và tương phản rõ rệt với bọn chúng tôi trong bộ quần áo thể thao đồng phục sọc trắng, sọc đỏ lố nhố mà chúng tôi vẫn gọi đùa là bộ “tẩy giun” (vì khi mới nhật trường tiếng, học sinh nào cũng được phát bộ đồ này sau lúc tắm truồng, khám bệnh, trích máu và uống thuốc tẩy). Cả lũ ai nấy đều tay cầm đĩa, thìa, rồng rắn và ồn ào kéo nhau từ phía nhà ăn trở về nhà, có nhóm đến thẳng lớp học. Riêng tôi lách ra một lùm cây, ngồi xuống chiếc ghế gỗ chôn liền vào thảm cỏ. Lúc ấy, hàng thùy dương như vừa dạo một hòa âm đàn mát lạnh, cuốn theo những chiếc lá to bằng bàn tay… Tôi dõi nhìn theo đoàn người đang đi về phía các lớp học, cố tìm hình bóng cô giáo. Đã hơn mười ngày nay, cái vóc dáng kiêu sa và điềm đạm như vòm lá mùa xuân ẩm ướt trong biệt thự đó không hề xuất hiện. Một nỗi buồn vô cớ dâng lên… Trong giây lát, tôi cảm thấy ấm áp và thân thuộc quá chừng cái buổi học đề tài “Ở cửa hàng thực phẩm”. Cô giáo mang đến một lô các loại bánh kẹo, hoa quả để “minh họa”, cả lớp vừa ăn vừa học tự nhiên như ở nhà; còn trong giờ giải lao, cô cắn một quả táo to mọng bước về phòng nghỉ giáo viên… Nỗi buồn khó hiểu lại se thắt trái tim tôi, như một lời thú tội. Cô là một thế giới mà ánh sáng lung linh tràn ngập ở phía bên kia lớp kính dày. Ở đó mùa quả chín mọng đung đưa, quệt đôi lần vào mặt kính để tôi tưởng chừng như cái trán nóng hầm hập của tôi vừa chạm phải. Dãy nhà cao tầng với những khung cửa giống nhau, với những khuôn mặt tươi trẻ, mắt xanh, tóc vàng, cùng những bài hát của niềm vui bất tận hiện lên rồi vụt qua tôi – người lữ khách trên một chuyến tàu tốc hành bất đắc dĩ, mang theo một chuỗi ngày gian khổ, đầy nước mắt…
Buổi học sáng lại bắt đầu. Chúng tôi ngay ngắn ngồi trong lớp theo lệ chờ giáo viên vài phút… Chỉ còn hai ngày nữa là thi mãn khóa, chúng tôi sẽ trở thành những Rabốt nhisi (công nhân). Đội trưởng đã kêu gọi anh em đóng góp tặng phẩm cho thầy cô giáo. Học sinh Việt Nam vốn “tôn sư trọng đạo” thường giữ nếp như vậy mỗi khi ra trường. Hôm nay trên mặt bàn giáo viên có một gói quà buộc bằng những sợi dây lụa điều, một lọ hoa thập cẩm. Cô giáo đột ngột mở cửa bước vào. “Các anh thế nào, khỏe chứ?” Cô ngồi xuống ghế sau một lúc dừng lại trước những khuôn mặt nghiêm trang của chúng tôi và chiếc bàn khác lạ. Tôi bước vội lên lau bảng. Mùi nước hoa dìu dịu lan rộng khắp phòng. Cô giáo ăn vận rất mô-đen: chiếc áo hở ngực, cổ áo trắng bẻ rộng ra bằng hai dải đăng-ten bắt đầu từ vai và kết thúc ở eo lưng, bó thắt lấy chiếc váy nếp mấy tầng màu hồng nhạt. Tai cô xâu hai vòng lấp lánh, cổ đeo chùm vỏ ốc tuyệt đẹp đung đưa trên ngực. Qua làn da rám nắng không đánh phấn của cô, chúng tôi đoán dễ dàng cô vừa đi vừa nghỉ mát ở Biển Đen về. Hình như hiểu được sự phỏng đoán đó, cô liền kể chuyện cô phải xin nghỉ để đưa con gái đi tắm nắng chữa bệnh. Mấy tuần trước cô đã chạy lùng khắp Xôphia nhưng không mua nổi một vỉ thuốc Anazin. Người lao động Việt Nam đã vét mua sạch các loại thuốc quý ở mọi cửa hiệu Aptêka. Cô nói điều đó không hề tỏ một chút thái độ bực giận hay châm chọc nào, vì chắc là cô nghĩ Việt Nam đang cần thuốc lắm, hậu quả của chiến tranh mà! (Có lần cô đã tâm sự trước lớp như vậy). Đôi mắt hiền dịu và độ lượng của cô dừng lại ở chỗ bàn tôi ngồi… Một vị dâu tây chợt thoảng qua cánh cửa kính to rộng mở. Khung cảnh bỗng rung lên nhè nhẹ bởi những lần gió vô tư thổi từ thảo nguyên, đồng nội. Ở ngoài kia, những chấm nắng kỳ ảo đang bị nhòe đi trên tấm thảm bạch dương và biến thành một màu vàng rực. Đây đó lộ ra vài mảng trắng nõn nà của thân cây tựa như cô gái tóc vàng đương tắm dở. Dưới những bãi cỏ xanh rờn, muôn vàn cánh hoa dại nhỏ, trắng li ti, tựa những đồng tiền rơi vãi xuống của bà tiên cưỡi chổi vừa bay qua. Vậy đó, mùa thu đầu tiên trên đất bạn sắp qua rồi…
– Anh có thường hay vẽ phong cảnh không?
ôi giật mình quay lại. Một tia sáng chợt soi thẳng vào cõi lòng bối rối, không hình thù rõ rệt mà tôi đang hướng về cõi vô định. Sự khắc khoải cuối cùng để tự nâng đôi cánh xúc cảm lên ngang với tia nắng dập dờn trên rặng thông non mới nhú kia giờ đã biến thành nỗi lo âu vô cớ về một sự yếm thế, cô độc khó lòng tránh khỏi. Tôi bất giác đau khổ nhún vai. Cô mở to đôi mắt chuyển sang màu hạt dẻ, nhìn tôi như nhìn một con chim bay lạc bị trúng tên. “Sao, anh không có màu và giấy bút ư?” Tôi im lặng, chưa biết trả lời sao. Cô lại nói tiếp, như trong hơi thở của sự thương cảm dịu dàng: “Mà sao anh lại chọn nghề của sự thương cảm dịu dàng: “Mà sao anh lại chọn nghề xây dựng vất vả này ở Bun? Nghề họa ở nước anh chẳng lẽ không được dùng đến ư?” Cô nói một tràng rất dài, cũng may là tôi hiểu gần hết, không cần tới đội trưởng phiên dịch. “Tôi muốn đi du lịch. Chuyến đi Bun này của tôi coi như là một chuyến đi thực tế”. Tôi trả lời thành thực, nhưng rồi ngay sau đó chợt ý thức được hết về thân phận của mình. Tôi có cảm giác là mình đã hiện nguyên hình trước mắt cô: một công nhân tương lai, không, đúng hơn là một kẻ đi bán sức lao động giản đơn. Liệu tôi có đủ điều kiện và thời gian để giải thích cho cô rõ: tôi đã cầm cọ từ lúc còn bé tí, được khá nhiều giải thưởng vẽ thiếu nhi trong nước và quốc tế; khi đi lính hải quân vẫn vẽ nhiều. Xuất ngũ, thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật mấy lần mới đỗ. Nhưng tốt nghiệp xong được phân về một trường đại học thì thời gian sáng tác không còn nữa, chỉ vùi đầu vào chuyện kẻ chữ, vẽ panô, trang trí phông màn phục vụ cho các cuộc hội nghị, họp hành liên miên từ đầu năm tới cuối năm. Có lần vẽ giấu diếm được vài bức tranh thì bị tổ chức phát hiện, phải kiểm điểm lên kiểm điểm xuống, thậm chí còn bị chụp cho cái “mũ” là vẽ tranh theo trường phái suy đồi (!) gây ảnh hưởng tác hại tới sinh viên! Ngán ngẩm với đồng lương bố thí trả cho những công việc khổ sai thì ít mà chán nản với cuộc sống vô vị của mình thì nhiều, tôi đã liều đăng ký xin đi xuất khẩu lao động khi có dịp. May mắn là tổ chức đã sáng suốt ghi nhận rằng tôi có một quá trình phấn đấu tốt – từ trong quân đội tới cơ quan, nên việc đi nước ngoài được xét duyệt nhanh chóng. Hơn nữa, công việc của tôi đang làm ở cơ quan cũng đã được “nhấm nháy” dành cho con cháu mấy vị lãnh đạo. Thế là, như một giấc mơ, tôi đã có mặt ở xứ sở này… Dải đất Ban-căng có thung lũng hoa hồng, văng vẳng tiếng vó ngựa tiếng sừng dê, có điệu nhảy xoay tròn tay nắm tay hân hoan trong men rượu nồng say, có mùa đông cũng ngập tràn ánh nắng cho những trò đua tài trên tuyết, có đàn hải âu lượn lờ quanh những chiếc phao bơi, có thuyền buồm nhọn mũi lướt nghiêng và bãi cát hoàng hôn trần truồng nâu bóng… Biết bao điều hấp dẫn du khách từ mọi miền tới đây dể tìm lạc thú và để sống cho ra con người… Tôi nhớn nhác, rối bời trong mớ hành trang tinh thần tuy cọc còi, bé nhỏ nhưng làm lòng tôi trĩu nặng. Tất cả đối với tôi giờ chỉ là những mụn vá xinh xẻo trên một tấm áo phong sương và mục nát. Cô giáo ơi, em chỉ là một cô gái hoàn toàn khác biệt về ngôn ngữ, tập quán, và cả đẳng cấp đối với những kẻ như tôi… Chính ý nghĩ này chợt đến với tôi như một tứ thơ, đúng hơn, như những tàn lửa bốc lên, bay vào đêm tối không trăng sao.
Cô giáo dành cả mấy tiết cuối để trò chuyện cùng lớp và sinh hoạt văn nghệ. Lúc này, ở lớp bên cạnh vẳng sang một giọng hát dân ca luyến láy nghiệp dư cất lên trước sự ngạc nhiên và cảm phục của cô giáo. Đến lượt tôi… Cô giáo và cả lớp chờ đợi. Tôi lưỡng lự. Biết hát gì? Trong tôi lúc này tràn ngập một nỗi niềm thầm kín và vô vọng. Bất giác, tôi quay ra nhìn mỏm đồi thoai thoải, có con đường dẫn lên đỉnh núi Vitôsa nổi tiếng. Một đàn cừu mải mê gặm cỏ, không có người chăn thả. Đâu rồi chàng chăn cừu Ac-lơ-canh? Có phải chàng đang vượt qua dãy núi cao vời kia để tìm vùng đất mới, hay đương khua mái chèo đưa cô chủ sang sông? Giai điệu bị lãng quên của thời thơ ấu nghèo nàn và đắng cay chợt hiện về trong tiếng đàn cùng giọng hát của mẹ tôi, một cô giáo dạy nhạc – bài dân ca Ý “Giấc mơ triệu phú”. Và tôi hát tặng cô giáo: “Đến bao giờ em mới sang sông tìm anh. Đến bao giờ cây lá bên sông lại xanh…” Trong khi hát, tôi thoáng nhìn thấy cặp mắt cô trở nên xa vắng, buồn rượi, ướt lấp loáng và thẫm màu của hoàng hôn trên Biển Đen…
Mùi sữa chua từ phía nhà ăn tỏa đến. Đã vào tiết thứ tư từ lâu. Đội trưởng thay mặt lớp đứng lên, anh nói lẫn lộn tiếng Bun với vốn tiếng Nga sẵn có, rồi trao cho cô giáo gói tặng phẩm. Cô chúc chúng tôi mọi điều thoải mái, dễ chịu, may mắn trong những ngày tháng sắp tới ở đất này. “Để thành đạt mọi mơ ước” – câu cuối cùng này cô nói hướng nhìn về phía tôi. Ánh mắt trở lại màu của đại dương buổi sớm mai, những đợt sóng êm dịu và cồn cào… Trước khi tan lớp, cô rút từ trong ngăn bàn giáo viên một hộp nhỏ đưa cho tôi. “Cho Lăng đấy. Hãy vẽ thật nhiều, và đừng quên tôi, Lăng nhé!”. Trước mắt tôi là hộp màu chì sáp thiếu nhi, chắc là con gái cô thường tập vẽ bằng loại này. “Mnôgô Blagôđaria” – Tôi ấp úng nói lời cảm ơn. Giây phút ngạc nhiên mau chóng biến thành nỗi xúc động nghẹn ngào… Tôi là người học sinh Việt Nam đầu tiên ở đây được nhận quà tặng của giáo viên, mà lại của một giáo viên trẻ hơn tôi. Những người bạn cùng lớp cũng sững sờ, rồi tỏ niềm vinh dự thay cho tôi. Đối với họ, đó quả là một động viên tinh thần giàu ý nghĩa trước khi lao vào “cuộc chiến đấu” mới, trên từng cây số mới nhầy nhụa mồ hôi và nước mắt…
Chuông réo vang hết giờ. Chúng tôi ùa chạy thật nhanh như ong vỡ tổ đến thẳng nhà ăn, khi đó đã có một dãy dài xếp hàng. Phải thật tranh thủ, nếu không thì hết trưa mới được ăn. Tôi đứng vào chỗ mà thằng bạn đã “xí” hộ ở gần đầu hàng. Nó đã cầm luôn thìa, đĩa của tôi, còn tôi thì cầm cuốn vở của nó từ trong lớp. Trong lúc nhích dần tới chỗ cửa lấy đồ ăn, tôi nhìn lên phía rặng mận um tùm, nơi có ki-ốt bán đồ giải khát. Cô giáo trẻ của tôi đứng tựa lưng vào quầy hàng, nhìn quanh như có ý tìm kiếm một ai đó, những món tóc mềm của cô bay bay. Cô không thể nhìn thấy tôi trong biển áo sọc – biển áo của những người sẽ hoàn thiện cho Tổ quốc của cô vô vàn những căn hộ mới xây. Mai đây, ở một nhà ăn công cộng của một công trường nào đó, vẫn những con người này xếp hàng, nhưng khác ở chỗ họ đã chui mình trong bộ quần áo bông bảo hộ to xù, lấm láp… Còn cô sẽ lại tiếp tục dạy tiếng nói của cô cho những toán lao động nước ngoài mới.
Phải, thế là chúng ta đã xa nhau rồi. Những ngày sắp tới là mùa đông tuyết phủ. Tôi sẽ cố gắng tìm gặp lại em, với vốn từ chắc sẽ nhiều hơn, để giúp em hiểu thêm về Tổ quốc tôi, về con người Việt Nam, về nỗi lòng của một “kẻ sĩ” nghèo phải tha hương làm thuê kiếm sống, về tất cả mọi điều, nếu cần sẽ dùng thêm cả bảng màu, cây cọ – thứ “ngôn ngữ mẹ đẻ” của loài người – nếu như điều đó chỉ đem thêm cho em niềm vui và sự yên lành.
Cầm trên tay hộp màu chì sáp, tôi bồi hồi nghĩ đến một đóa hồng thơm ngát, hiếm hoi mọc trên đỉnh ngọn núi Vitôsa trắng toát, cao mờ…
2. Đĩa nho tươi
Khu phố sang trọng hiện ra ở cuối khu rừng phong ngập lá đỏ. Những tòa nhà duyên dáng lịch sự ghép bằng đã trắng thấp thoáng trong màu xanh lá thông. Đó là khu công sở, sứ quán, lãnh sự ngoại giao. Những biệt thự kiên cố và thơ mộng thật hài hòa với cây cỏ. Hưng vừa đi vừa ngắm nghía thán phục vẻ thanh cao và trang nhã của kiến trúc… Bên cạnh tòa nhà to lớn đắp bằng kính màu lấp lóa – đại sứ quán Đức, là một ngôi nhà khiêm tốn, sơ sài thụt vào phía trong. Trên nóc nhà không thấy cắm cờ như các đại sứ quán khác. Phía ngoài chấn song sắt thấp lè tè là một tủ ảnh, không có người gác cổng. Liếc nhìn qua tủ ảnh, Hưng thấy lác đác vài tấm ảnh phụ nữ Việt Nam đang cấy, con trâu cày ruộng. “Thì ra đây là đại sứ quán Việt Nam. Thế mà thằng nào bảo khó tìm” – Hưng thầm nghĩ nhanh.
Khung cảnh vắng vẻ quá, nó như bị lãng quên ở nẻo phố yên tĩnh này. Hưng thận trọng và e dè bước tới. Ngó vào căn phòng trải thảm, chỉ thấy một lô trẻ con Việt Nam đang ngồi xem băng phim chưởng. “Ríu… Huỵch… Huỵch”. Rồi tiếng kêu ré lên của một đứa trẻ. Căn phòng lúc im lặng lúc ồn lên.
– Chú gặp ai ạ? – Một đứa bé trai hỏi. Hưng đang ngơ ngác tìm cách trả lời thì thấy một cô gái dáng thanh tú bước ra. Hưng ngẩn người giây lát. Cô ta không nhận ra Hưng, nhưng anh lại biết rất rõ con đường “thẳng tiến vu quy” thực dụng và may mắn của cô. Ngước cặp mắt “con nai vàng” ướt lẳng, cô nhìn Hưng và nở nụ cười lịch thiệp không chê vào đâu được. Cô con dâu tương lại của một trong những vị lãnh đạo sứ quán có khác! Hưng trình bày với “người sứ quán” nguyện vọng muốn gặp người chức trách để xin mua một chỗ trên chuyến bay về nước tháng tới. Nụ cười của cô lập tức chuyển thành cái nhếch mép đanh đá, khinh thị. Nỗi tủi nhục ập vào Hưng – mặc dù mục đích nhờ vả của anh là chính đáng.
– Bác ấy đi vắng. Nhưng… Anh định xin về ư? Hiện giờ đơn xin về đương xếp hàng chồng ở ban quản lý lao động. Như em đây còn phải chờ chực nữa là, từ trước Tết kia! Còn vé bây giờ căng lắm – cô nói trơn tru như thuộc lòng. Thấy vẻ mặt Hưng thất vọng nhưng vẫn nở nụ cười buồn “chấp nhận”, cô hơi nhíu mày khó chịu… Bọn “dặt dẹo” chúng mày buôn bán, làm ngoài tiền như nước, thì mua quách cái vé ở tụi “chạy cầu” ấy. Đắt hơn vài trăm lê-va, mấy trăm nữa làm vi-sa là xong chứ gì!… Có vẻ cô nghĩ như vậy lúc quay ngoắt đi. Theo một nguồn tin có độ chính xác cao, cuối tháng nay, cô và “gia đình chồng” sẽ bay về nước bằng hộ chiếu đỏ công vụ ngoại giao. Dĩ nhiên, chẳng có ai quyền khám xét khối hành lý vĩ đại – trong đó có thuốc tây của cô (tức là của cả nhà) tại Hải quan. Chưa kể những kiện hàng quan trọng họ đã đóng tàu biển về trước từ đầu năm (tàu biển phải sáu tháng lênh đênh – sự tính toán thật kỹ lưỡng). Số Đô-la mà cô có phải lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn – điều mà người lao động Việt Nam ở đây nằm mơ cũng không thấy. Cô chưa từng làm ở bất cứ công trường, nhà máy một ngày nào. Cô đã từng là quân “dặt dẹo”. Nhưng giờ đây ai dám kiếm soát những hòm xiểng va-li “thiêng liêng” ấy?
Vừa lúc đó, một chiếc xe hơi đen bóng đằng trước cắm cờ đỏ sao vàng tiến vào rồi đỗ xịch trước cửa gara. Cửa xe mở vội vàng. Hai người đàn ông khệ nệ bê ra một thùng đồ khá nặng, ở ngoài dán mấy chữ tiếng Đức – chứng tỏ bố con ông ta vừa đi công cán đặc biệt ở bên đó về.
– Ai cần gặp tôi đấy? – ông hốt hoảng bước tới chân cầu thang, giọng hơi mất bình tĩnh song vẫn không mất đi cái vẻ đầy uy quyền. Ngón tay “chuối mắn” đưa lên cái mũi “túi mật” đẩy cặp kính biến màu điện tử. Vừa trông thấy Hưng, nhìn vẻ bệ rạc của kẻ đi cầu cạnh, ông hơi thở phào, cặp mắt tròn vo dịu lại… Sau khi biết rõ nội dung sự cầu cạnh, đôi mắt ấy trở nên quắc thước và lóe lên như mỗi lần ngồi sau bàn giấy.
– Anh biết tôi là ai không? Phó thường dân! – Ông nhướn đôi lông mày có nốt ruồi lên, nói gằn giọng – Tôi vừa thôi giữ chức, đang bàn giao cho ông V. Cậu hãy tìm gặp ông ấy hỏi, nhá! Tôi cũng đang lo chạy mua vé như cậu đây – Ông xòe hai bàn tay, trợn mắt sau cặp kính để kết thúc câu chuyện. Ông có vẻ thực sự đau đầu về những xì xào, những vụ việc xảy ra mới đây trong cộng đồng người Việt Nam – cái giang sơn mà ông điều khiển và thao túng bấy lâu nay. Điều này hiện rõ qua những nếp nhăn thường trực ở phía dưới cằm mỗi khi ông rụt cổ lại. Tất cả những rắc rối phiến toái đó chẳng khác nào “tác phẩm” cuối cùng của ông mà ông sẽ vứt bỏ lại không hề thương tiếc. Dẫu sao, nó cũng làm ông day dứt cho đến khi ông thật sự bước lên máy bay cùng toàn bộ gia sản tích cóp được, “sư bô gôm” (vĩnh biệt) đất này.
Hưng mệt mỏi bước ra. Một toán thợ Việt Nam ngần ngừ bước vào sau khi nhìn thấy bộ dạng của anh. Chắc là họ cũng ở trong tâm trạng tự nóng ruột một tấm vé trở về như anh. Nhưng họ tự tin hơn nhiều – cứ trông cách ăn mặc chải chuốt, giày lười, quần thụng trên bó dưới thì biết. Hưng bất giác nắn túi mình. Chỉ còn mấy đồng lê-va cuối cùng của tháng này. Mùa đông sắp tới, anh đã nghỉ việc công trường, còn làm ngoài thì không ai có việc để thuê nữa. Nếu không về ngay được thì sẽ ăn bằng gì đây? Chẳng lẽ lại xâm phạm vào khoản tiền vé máy bay – niềm hy vọng cuối cùng để trở về Tổ quốc? Giấy tờ đã cắt hết, tài sản nơi ăn ở đã bàn giao lại xong xuôi… “Hay là trước mắt hãy tạm làm “bộ đội”, sống nhờ mấy thằng “thợ lớn” ở Lâm Đồng (tên gọi làng người Việt ở Xôphia) – chúng nó phần nhiều quê Sài Gòn chuyên chạy những mánh lớn, chắc sẽ “bao” mình thôi. Có mình, chúng nó chỉ thêm “lộc” trong những canh bạc xóc đĩa hàng cây vàng…” Hưng vừa lê bước vừa miên man nghĩ đến các chuyên đề, hạng mục làm ăn cực kỳ phong phú trong thế giới người Việt ở đây. Thị trường thuốc A, quần bò, đồng hồ điện tử, Đô-la, Mác, Rúp, thậm chí cả núi tim gan, thịt cá, dạ con, bia, gạo, thuốc lá Mallbro… Tất cả đã có địa chỉ ngầm, muốn lấy bao nhiều cũng có, mà chỉ ở đấy mới sẵn. Dân Tây vẫn thường xuyên đến đó để mua bia chai, rượu, váy bò hoặc đổi Đô-la, Mác thậm thụt. Cảnh sát Bun cũng nhiều lần phải bó tay – mặc dù họ được tiếng là “gai góc” nhất so với cảnh sát các nước Đông Âu. Nhiều người Việt Nam sang sau như Hưng thì khổ, bởi đúng vào thời kỳ “cứng rắn” nhất, nội các thay đổi, biểu tình bầu cử liên miên… “Bọn ấy lại có ô dù ở Ban quản lý lao động. Mấy ông lớn thường nhập thuốc A ở lò ấy mà. Thôi được, trước mắt phải đến với bọn Lâm Đồng…” – Hưng tự nhủ.
Một bàn tay bỗng đập mạnh vào vai Hưng.
– Sao mặt mũi trông như bị “đập hộp” thế kia?
Hóa ra là Hùng, thằng bạn cùng đoàn. Nó đã bỏ công trường đi “dặt dẹo” chạy mánh vài tháng nay. Hưng mừng rỡ ra mặt, kêu lên một tiếng “Ơ, Hùng đấy à!” Nhưng rồi anh chợt trở lại mặt ủ mày chau.
– Vậy chắc là mày mới bị “ra hết” tối qua (thua bạc) chứ gì? – Hùng xoắn lấy Hưng hỏi.
Hưng nhìn thẳng vào đôi mắt linh động của nó, chậm rãi:
– Hôm qua là ngày làm cuối cùng của bọn tao ở Sế lô (làng). Bọn Bun nó quỵt tiền công trát ngoài. Làm như trâu lăn, vậy mà thằng chủ nhà định “tháo cáy”. Nó lấy thước hai mét đặt lên tường rồi xét nét, phê phán, chê bai, đòi hỏi phải thẳng tuyệt đối. Sau đó định phạt, không trả tiền đủ số công cả tháng. Bọn tao cự mãi, nó liền cầm tê-lê-phôn , định gọi cảnh sát tới. Mày biết không? Tao thách nó: “Người Việt Nam chúng tao chỉ biết sống lương thiện, hòa bình. Đến Mỹ tụi tao còn không sợ, huống chi mày!” Vừa nói, tao vừa nắm thành ghế, sẵn sàng lao vào xử luật “giang hồ”. Nó hoảng lên, đấu dịu… Hóa ra nó cũng bị kẹt tiền. Vì chi ăn uống cho thợ quá tốn, chưa kể tiền xăng mới lên giá chở đưa đón tụi này đến làm. Chúng tao đành thí cho nó!
Hùng cười lớn.
– Chuyện ấy giờ là thường. Nói về lương thiện, bọn Bun nó lành, thật thà hơn mình nhiều. Trước khi có người Việt Nam sang, tụi nó có biết buôn lậu là gì đâu. Chúng yêu, ghét cũng rõ ràng, phân minh lắm.
– Bây giờ lẽ phải thuộc về kẻ mạnh, tiền nhiều hơn – Hưng thẫn thờ hướng mặt về chỗ mình vừa đi ra.
Hùng trỏ tay theo đó hỏi – Mày vừa ở đấy làm gì thế?
– Hỏi nhờ họ xếp chỗ cho chuyến bay chuyên cơ về nước đợt này – Hưng đáp, sờ tay lên gáy, tóc dài phủ kín cổ áo vét tông cáu bẩn.
– Mua vé hả – Hùng nhìn vào cổ Hưng còn bám ít vữa ghíp (thạch cao). Nó cười – Cố ở thêm mà “xúc” cho nặng rồi hẵng chuồn. Phải tự cứu lấy mình thôi, cậu cả ạ. Khi nào mày “rủng rỉnh”, thì sẽ có hết, từ giấy tờ hoàn thành nghĩa vụ lao động, Visa, đến vé máy bay, chả cần phải chạy chọt gì ở cái bộn “xôi thịt” này làm gì. Vì xét ra, bọn bọ với mấy cha ở ban quản lý lao động cũng cùng một dây “Mafia” với nhau cả ấy mà! – Nó chán nản nói, khạc nhổ xuống lòng đường hết vẻ hy vọng.
– Nhân danh những người trả nợ – Hùng nói – Mà chúng ta là những con nợ. Nước mình nợ Bungaria từ hồi chiến tranh nhiều lắm.
– Thế thì chúng ta phải gánh hai cái nợ liền: món nợ quốc gia và cái đại diện “của nợ” kia ư? – Hưng nói hậm hực. Anh chìa nốt điếu Fenik trong hộp mời Hùng. Nó nhếch mép, gạt nhẹ và rút trong túi ngực áo Nato căng phồng ra bao thuốc Mallbro loại xịn:
– Tao chỉ quen hút loại này… Mày vô “cửa quan” mà rách vậy sao đặng? Người ta sẽ không thương hại mà còn chửi cho: “cứ thích đi Tây mãi đi” – Nó nói và giơ hai tay lên trời, giọng tỉnh khô.
– Tao thật không còn biết “xúc” gì ở đất này nữa… Buôn bán tao không biết, lại sợ công an nó tóm. Lao động thì mày thấy đó: tao có làm biếng đâu? Chỉ mong sống đàng hoàng với sức lao động mình có. Nếu kiếm đủ bỏ mồm tao thì tính chuyện đi Tây làm gì? Sắp tới là mùa đông, chẳng ai nhận làm ngoài nữa thì chỉ còn nước xúc tuyết mà ăn thôi… Chưa bao giờ tao phải lo sống từng bữa như hiện giờ. Hồi ở bộ đội hay sinh viên trong nước, tao cũng đâu có khổ như vậy?!
– Hay là giờ tao với mày thử lên hỏi ông V mới nhậm chức ở sứ quán xem sao. Tao có địa chỉ đây. May ra người mới đề bạt tỏ ra liêm khiết và từ bi hơn chăng? – Hùng nói, thọc tay vào một ngăn túi khác tìm cuốn sổ tay, trong đó ghi chi chít tiếng Tây, tiếng ta những địa chỉ, con số, lượng hàng…
– Tao chỉ sợ không gặp “sứ thiệt” mà tiếp tục gặp phải “sứ giả”!… Thôi, đành liều lần chót! Chằng còn gì để mất nữa… Mày gõ cửa giúp tao nhé… Tao hơi run. Lần này không được thì “Krai” (hết)
Hưng buồn rầu khoác tay bạn ra bến đỗ sơn vàng. Chuyến xe bus thấy người Việt nam liền đóng sập cửa, chạy luôn. Hùng đặt cái xắc cốt xuống đất, ở trong đó có mấy bộ quần áo bò Ba Lan. Từ tháng trước, nó đã chạy món này về tận các tỉnh cách Xôphia hàng trăm cây số chứ không “thổi còi”, chỉ chỏ ở ký túc xá nữa. Nó đã chai lỳ trước dùi cui cảnh sát Bun. Hùng kể:
– Tao bị tóm vài bận, dúi vào tay nó mấy trăm lê-va, nó thả ngay. Có “cộng” tiếc của, bị nó thu sạch cả tiền lẫn hàng, tống vô đồn và đánh xưng tím cả mặt mày – Hùng cười hỉ hả – Tao có duyên xuống Sế lô lắm. “Gặm” được mấy “tờ” rồi. Vợ tao muốn tao gửi về thuốc A, trúng hơn. Nhưng chuyến này, có lẽ phải chạy “cầu nhanh” mới ăn thua – Rồi nó giải thích cho Hưng cách thức “che chắn” qua Hải quan, ban quản lý người Việt để trót lọt mỗi một valy to nhét đầy thuốc và cài Đô-la trong mỗi xúc vải – Nếu thuốc A về kịp Việt Nam theo thời giá, ở nhà lại gửi Đô sang và cứ thế quay vòng, chẳng mấy chốc.
Hùng nháy mắt vỗ túi sau quần.
– Tại sao không gửi tàu biển, chẳng ai kiểm soát kiện, họ chỉ cần tính tiền cước vận chuyển? – Hưng ngây thơ hỏi.
– Lênh đênh trên biển những mấy tháng trời, đồng tiền nằm chết không sinh lợi, hơn nữa, mặc dù có người nhét thuốc vô tủ lạnh, gói vào mấy vỏ chăn dày mà vẫn mốc, chảy nước. Hơi mặn xâm nhập lẹ lắm. Chẳng thà cứ hàng không mà “qua cầu”. Ít khi bị gió bay, cầu sập, mà chỉ bị “túi lật” ra chút xíu. Những người buôn sỉ họ không có “ngán” cách này – Nó thương hại nhìn Hưng nói tiếp – Thế thời phải thế… Bé thì ăn bé, lớn ăn lớn. Thằng nào sống bằng sức thì khổ. Làm thợ ráo mồ hôi là hết tiền à!
Cứ thế, vừa đi nhẩn nha vừa nói chuyện bao đồng, hai người đã tới một blốc của khu nhà tập thể cao tầng. Trước cửa vào là mấy bà Đômakin (người quản lý nhà) ngồi thêu, móc. Nắng thu nhàn nhạt rắc lên mái tóc dương liễu những vảy bạc mỏng tang. Một đám cưới người Bun vừa đi nhà thờ về, trên hai chiếc ô tô kết hoa sóng đôi. Hàng thông, tùng, trắc bá nhô lên từ phía đường vòng cung trải nhựa, dẫn thẳng đến một vườn hoa có những vòng sắt, cột treo ngộ nghĩnh thường có ở các khu dân cư. Trên lối đi râm mát, bóng ngả từ những khóm cây du lòa xòa, một phụ nữ cầm cuốn sách vừa đọc vừa đẩy một tay chiếc xe nôi bóng lộn. Nơi đây, chỗ nào Hưng cũng thấy cái công thức sạch sẽ bình yên này như một lối sống “mô-đuyn” hóa. Còn cuộc sống của bọn anh thì toan tính, ngầu đục biết bao!… Một em bé tóc bạch kim, khuôn mặt tàn nhang, nhưng không kém vẻ quý phái, dĩnh ngộ, tò mò nhìn bọn anh bằng đôi mắt xanh da trời. Hưng đang bối rối vì cái nhìn đó thì những tiếng cười rộ lên từ sau ghế đá. Ở đó có mấy em gái xinh xẻo như đồ sứ và thủy tinh dễ vỡ bày trong một kiốt thiên nhiên. “Maymun!” (con khỉ). Giọng nói giễu cợt, kéo dài đuổi theo… Đúng, so với những người Âu thì bọn Hưng bé nhỏ thật, khắc khổ, mặt mũi lơ láo như đánh mất một cái gì.
Họ bước vào cầu thang máy. Phòng của đồng chí lãnh đạo người Việt Nam ở lầu chót. Hùng bấm chuông ba đợt. Không có ai ra mở cửa. Trong nhà, máy cassete vẫn réo rắt bản nhạc “Mối tình sơn cước”… Một nỗi buồn cố quốc dâng lên. Họ lặng lẽ quay bước thì cánh cửa lỗ khóa bé con chợt rút đánh “xoạch”.
– Các cậu tìm ai? – Đôi mắt thiếu phụ còn trẻ, tựa diễn viên sân khấu dòm qua, hỏi – Ông V ư? Nhà tôi đương ngủ… Chờ một lát nhá – Hưng đoán cô chỉ trạc tuổi con gái ông ta. Hưng trả lời:
– Không sao ạ, chúng tôi cũng chỉ muốn gặp ông chút xíu thôi mà! – Rồi Hùng kéo anh ra cầu thang đợi. Nhìn từ trên cao, qua khung cửa kính to, toàn cảnh Sôphia hiện ra. Lúc này là 5 giờ chiều chủ nhật. Chắc dưới chân các Blốc kia, mọi cửa hiệu quầy hàng đang đóng cửa im lìm. Thành phố của cây xanh tuyệt đẹp này đang lười biếng nằm ườn dưới ngọn núi Vitôsa, để mặc làn gió cuồn cuộn thổi và xoáy bốc lên. Muôn chiếc lá vàng tròn xoe như bóc ra từ những vòm áo váy của bạch dương trinh trắng. Thỉnh thoảng, có vài khóm cây hình bó chổi đâm vút lên những vệt sáng lóe, lẫn với mái cong của nhà thờ, tu viện. Những cánh rừng bao phủ chân núi loang tới tận công viên trung tâm một tấm lưới màu da cam. Dãy nhà hộp cao tầng như những toa tàu nối đuôi nhau, chở chúng qua mùa thu… Chỉ một tuần nữa, những súc vải vàng óng đó sẽ được thay bằng muôn vạn tấm mền bông tuyết.
Hùng bỗng phát hiện thấy người quen: một cô gái Bun bán báo đứng ở bậc lên xuống lối ngầm. Nó quay lại bảo Hùng:
– Tao phải đi có chút việc. Mày thấy con nhỏ kia không? Nó là “dây” lấy thuốc A cho tao đó! Tao bắt mối thẳng với “thổ dân”. Chúng chỉ khoái son Nhật, quần áo, váy bò… Mày vào một mình nhé, tao sẽ có “cầu” riêng, phù hợp với mội trường mới của tao. Đô-vi-zđanhe! Tạm biệt, chúc mày bình an – Nó chúc Hưng rồi chạy biến xuống gác, không vào thang máy.
Hưng vào ngồi tạm trong nhà bếp. Ở đó, chiếc vô tuyến màu đại với bộ đầu video đang yên nghỉ sau một đêm dài phục vụ các cuốn băng chưởng, phim “chiến đấu của Liên xô” (tức là phim Sex theo cách nói của người Việt Nam ở đây) mà khán giả chỉ có hai người, một già, một trẻ. Vị “cứu tinh” mà Hưng mong gặp đã xuất hiện trong bộ pizama xuề xòa. Màn hài kịch mở ra, nhưng bộ mặt diễn viên chính lại đường bệ, quan cách. Ông ta dướn con mắt ngái ngủ nhìn anh, vẻ phì nộn, chán chường. Té ra, ông vốn là một nhân vật VIP của một cơ quan mới được điều sang đây. Cô gái vừa rồi là “vợ bé” của ông. Cô vừa đi cán sự ở Algiêri về. Trước đây, cô là một ca sĩ tên tuổi trên vô tuyến truyền hình. Vớ được ông chồng cỡ thế này, cuộc đời son phấn của cô chắc không phải tủi hổ nhiều cho lắm…. Vẻ mệt mỏi của ông V đã biến mất sau khi biết sự nhờ vả của hưng. Ông hăng hái xắn tay áo lên, ngồi xuống chắn ngang vô tuyến:
– Cậu định về bằng “chuyên cơ” ư? Ý hay đấy… có tiền chưa” – Hưng trình bày hoàn cảnh và tỏ ý muốn đăng ký và mùa vé theo giá gốc. Ông “ồ” một tiếng dài, ngả tấm thân được vỗ béo ra đằng sau làm chiếc ghế mút kêu răng rắc. Tảng thịt bên má ông xệ xuống kéo theo hai nếp hằn đầy uy lực, bao bọc lấy vành môi con đỉa nhợt nhạt. Ông bĩu một vành lên, nó như rít ra:
– Sao, cậu mới sang đây ư? – Nước da bàn đèn của ông ánh lên nước thép làm những khối mỡ thêm lì lợm. May quá, tiếng rít chuyển hóa ngay thành tiếng cười trong họng và kết thúc bằng mấy cái ho húng hắng. Ông đúng là một sĩ quan kỳ cựu trước chú binh nhì non choẹt của mình – Các cậu phải gặp ban quản lý chứ! Bao nhiêu việc rắc rối, vụ án, hiện trạng còn chưa đủ sao? Tôi có gây ra đâu chứ. Vả lại, tôi cũng không phải là “thánh”. Mặc dầu Tây họ giao lãnh địa làng Việt Nam cho tôi quản lý, nhưng chỉ là những công văn đánh xuống chùi toa-lét! Bây giờ mọi thứ lại trút lên đầu đại sứ quán chắc!?… Mà này. Chạy chọt làm đếch gì, sang năm là cho về hết, cả tôi nữa. Chúng tôi đang họp bàn thương thuyết về một cuộc rút lui thầm lặng, không kèn không trống của người Việt Nam. Nếu khó khăn tài chính, có thể đáp tàu hỏa sang Nga, sau đó thì tàu thủy – Mắt ông lồi to như tranh biếm họa, hai tay giơ lên, vỗ đánh đốp – Đóng thành kiện, cậu hiểu chứ? Chúng ta và hàng hóa…
Hưng không thấy gì là hài hước trong điệu bộ của ông. Ông là trái quả già móp, bủng beo những nước. Tuy vậy nó vẫn được nằm trong hộp và được dán mác mĩ thuật.
– Các cậu biết không? – ông ta hằn học, cay cú – người ta đã quẳng cho tôi cái “sọt rác” này. “Quýt làm cam chịu” – Bụng ông như đang tấm tức. Nhưng ông lại cười, nụ cười “ba cùng” vút ngược lên, thâm nhập vào nỗi cùng cực của anh:
– Các cậu phải thương thằng này chớ! Mới leo lên vị trí này như nhẩy xuống một hố ngập sổ sách, công hàm… Bọn Bun coi mình rẻ quá… Ở trong nước thì ông này, bà nọ lắng nghe ý kiến của tôi, nhưng ở đây thì tôi cũng như cậu. Mà các cậu khỏe hơn tôi, “lương” còn cao hơn cả tôi ấy chứ?!
Trán ông nhăn lại như muốn hạch toán sự cống hiến của mình trong quá khứ. Thực ra Hưng chỉ là một trong những nạn nhân của trò chơi tung hứng, lừa gạt trong nghệ thuật thôi miên của ông. Nghệ thuật biến hóa tinh thông cái định đề “trên không chê, dưới không trách” cứ liên tục tạo cho ông vầng hào quang “vừa hồng vừa chuyên”. Bề dày của thành tích cứ tăng lên như đống hồ sơ trong văn phòng khép kín. Chẳng khác gì đọc xã luận, ông hùng hồn thuyết lý, biện giảng trơn tru về nhân tình, thế thái, về nỗi khó khăn của đất nước .v.v. Rồi chợt sợ hố điều gì ông vội kết thúc:
– Cháu ạ, cuộc đời này, mọi thứ đều phải trả giá… Như bác đây này! Thôi nhé! Mua vé bây giờ là ảo tưởng…
Hưng lặng lẽ ngắm ông nói, nhưng không nghe thấy gì nữa… “Trời ơi! Ta đã phải nếm trải bao nhục nhã, phải vất vả ngược xuôi để được “đi Tây”, cốt để sơ tán khỏi những kẻ như vậy nhung nhúc ở trong nước. Vậy mà ở đây, tận bên này quả đất… Chỉ khác một điều là sự đểu cáng và thô bỉ không cần được che giấu một cách kỹ lưỡng”.
Hình như hiểu được phần nào thái độ của anh, ông biết phải dùng bộ mặt khác… Đang lúc lục tìm nó trong cái đai sọ lun phún sợi cước trắng, ông bỗng ợ lên rồi thở phào. Té ra cô vợ trẻ đã hiện ra đúng lúc ở ngưỡng cửa bếp, trong bộ “đào kép mới”. Ông vội kéo ghế, nói ngọt xớt:
– Em ngồi tiếp hộ anh nha!… À, mang đĩa nho dở lúc nãy ra mời cậu đây – Rồi ông quay sang Hưng – Cô ấy biết rõ hơn cả bác về mọi “thủ tục” để mua vé, xí chỗ đấy. Để cô hướng dẫn, cậu hiểu ngay thôi mà! – Đoạn ông bước sang phòng ngủ, nhường lại cho “cố vấn trung thành”. Chắc đó là một “vở” đã cũ. Rõ rồi: Cô ta nắm trong tay nhiều “đường dây” của sứ quán chằng chịt xuống các cơ sở “chạy chợ”, “cầu ăn chặn” vé máy bay của người Việt ở Sôphia này.
Cố nén tiếng thở dài. Hưng cáo lỗi và đứng lên. Cô vợ nhanh tay đậy kín đĩa nho lại. Ngờ đâu, đĩa nho ăn dở ấy thật sự đã đi vào tiềm thức của anh, mặc dù anh chưa hề mó vào một quả.
3. Hộp đựng tro người
Chiếc tắc xi dừng lại ở cổng bệnh viện trung tâm. Hưng và các bạn nóng ruột xộc thẳng vào thì bất ngờ bị một cánh tay to lông lá hất ra một cách láo xược: “Begây” (cút đi). Một người đàn ông Bun say rượu ngáng cửa căn phòng dẫn tới hành lang phía sân trong và quát lên. Thái độ ngỗ ngược của ông ta càng tăng lên khi đôi mắt lợn luộc gườm gườm hướng về phía đoàn trưởng và đoàn phó.
– Nó là thằng xui xẻo nhất đoàn!
– Ừ, mày biết không? Hôm mới đặt chân đến sân bay Sôphia, riêng hòm đồ của nó bị bung ra trên băng chuyền để lộ những hộp son Thái trước mặt Hải quan. Họ đã tịch thu tất cả! Khổ, vốn liếng của vợ nó… Thằng này ở hiền mà không gặp lành.
Hưng cắn môi lại.
– Ngay chiều nay, tao sẽ phôn cho bà giáo tiếng Bun của nó, thế nào bà ấy cũng tới thăm nó!
Đông đảo người Việt Nam và thân nhân người bị nạn đang mong mỏi gặp lại Sơn trong tình cảnh máu me, dập nát. Nhưng phòng Sơn nằm đã bị cửa chốt, then cài. Đây là nơi thứ hai chở nó đến sau khi bệnh viện Bộ X Bun không nhận đêm hôm qua. Mọi cố gắng để chụp một tấm hình nó lúc này đều bị ngăn lại. Theo đoàn trưởng, mọi người nín lặng quay ra. Lập tức, khóe mắt chân chim kẻ say rượu rạn nứt ra một nụ cười ác độc. Những lạch máu đỏ tỏa xuống cằm và ngấn cổ béo nung núc. Có khá đông bệnh nhân Bun và người nhà ở phòng đợi. Họ đều nhìn bọn Hưng khinh khỉnh và đố kị như mỗi lần gặp người Việt Nam tại quầy thực phẩm, cửa hàng dược… Lòng Hưng ngập tràn tủi hổ, đau đớn. Anh nhớ lại những điều mà người cô từng học ở Nhạc viện Sôphia vẫn kể cho anh nghe… Thời đó, người mình mỗi khi ra đường, trẻ con trông thấy cũng đứng lên, giơ tay chào “Khô Si Minh!” Ai cũng kính nể một dân tộc đánh Mỹ, thắng Mỹ. Rồi biểu tượng đứa con gái nuôi Việt Nam trong lòng dân tộc Bungaria dưới sự bảo trợ của một bà mẹ – nữ nhà thơ Blaga Dimitrôva. Những bài thơ và những cuốn sách của bà ta đã bắc nhịp cầu hữu ái cho Việt Nam và loài người tiến bộ. Vậy mà…
Một cô gái Việt Nam ôm con ngồi cuối dẫy ghế dài bật khóc nức nở. Sau mọi người biết đó là chị họ Sơn. Bất giác, hầu hết bọn Hưng đều ứa nước mắt. Mới sáng nay, bác sĩ trao đổi về tình trạng Sơn và nói rằng đã chụp phim X quang chẩn đoán thương tích. Họ kết luận không có dấu hiệu chấn thương sọ não. Vậy mà cách đây hai giờ, họ lại báo rằng nếu Sơn được chăm sóc chu đáo, cứu chữa tận tình để sống sót thì cũng thành người tàn phế, ngớ ngẩn.
Bọn côn đồ người Bun đã “mần” một đòn chí mạng vào đối tượng người Việt Nam nhỏ bé để trả thù cho lòng ganh ghét, tị hiềm: bọn “đầu đen” – những người mà chúng cho rằng thằng nào cũng buôn lậu hết ráo! Lần này đòn lại trúng vào một kiến trúc sư trẻ, sang đây hợp tác lao động theo ký kết giữa hai bộ của hai nước.
… Trên con đường vắng ở bìa trung tâm Sô phia. Bầu không khí dịu ướt của vùng ngoại ô sau một trận mưa tháng năm. Buổi tối mọi ngày vào lúc 9h đến 10h, trời vẫn sáng mờ mờ. Chuyến tàu điện cuối cùng dừng lại ở trạm chót. Khách vắng teo. Hôm đó chỉ còn Sơn và Hùng là hai người Việt Nam xuống tàu rồi đi bộ về nơi ở cách bến một cây số. Cả hai cùng mới ra trường đại học Kiến trúc và sang đây cùng đợt. Sơn đã có vợ và một con gái. Nó thường khoe ảnh và thư của vợ nó cho Hưng xem. Dạo này Hưng đi làm ngoài về muộn, nên tối hôm đó Sơn rủ Hùng đi xem ca nhạc. Ban nhạc C.C.Catch biểu diễn ngoài trời ở công viên Tự do, phải đi mấy chặng tàu điện. Rất tiếc, đang xem thì trời đổ mưa, Sơn đòi về luôn. Giá mà họ vẫy taxi về thẳng nhà như mọi lần thì không có chuyện… Sơn là người trầm tính, sống nội tâm, có phần hơi nhu mì. Trông nó không ai ngờ đó là một cao thủ về môn phái võ Nhất Nam, đã từng đấu biểu diễn nhiều lần ở trong nước. Tính cách Hùng thì ngược lại: láu cá, xông xáo, “anh hùng rơm”. Điều này giúp Hùng thoát được bọn côn đồ chặn đường ở lối rẽ vào Blốc người Việt… Thằng đầu tiên hỏi xin Hùng thuốc Mallbrô, Hùng nói không có. Hắn liền giơ gậy gỗ phang luôn. Hùng né người, chỉ xượt nhẹ vai, nó quay đầu chạy thục mạng, bỏ lại mình Sơn cắm cúi đi trước. Sơn không nghĩ rằng còn có mấy tên lực lưỡng nấp trong bóng tối phía hàng rào tu viện.
– Tao gào lên: Sơn ơi, chạy đi! – Hùng trợn mắt, méo miệng kể lại – Tao vẫn thấy nó đứng gù lưng thủ một thế võ bình thản như trên đấu trường, mặc dù đã bị mấy gậy bất ngờ…
Đó là hình ảnh lành lặn cuối cùng của thằng Sơn mà nó thấy, trước khi bỏ chạy ra đường cái. Hùng chạy vòng ra lối cửa chính Blốc rồi hô hoán trong tâm trạng hoảng loạn, miệng phều phào, mặt xanh lợt: “Chúng mày ơi! Chúng cướp người Việt Nam, thằng Sơn bị đánh… Mau lên!” Sau đó người Việt Nam kéo ra…
Trong bóng đêm đã trở lại yên tĩnh, trên bãi cỏ nhàu nát, Sơn đã được bọn Hưng dìu về chỗ cửa sáng dưới chân Blốc. Nó cố gượng nói mấy câu: “Chúng có bốn thằng”, rồi ngất lịm. Mắt nó lòi ra, mặt mũi chẳng ra hình thù gì, chỉ thấy cát, bụi bám bê bết vào máu, lộ ra mảng cổ trắng nõn như cổ con gái. Thân hình cầu thủ bóng đá của Sơn như còn giần giật. Sơn bỏ lại đôi giày và cái túi xách ở trong có hai trăm lê-va mới lĩnh lương thì bị lột mất…
Những ngày này, báo chí của bọn người xấu đăng tin, bài nói xấu người Việt đủ điều. Nước bạn đang trở nên hỗn loạn, kéo theo sự thất nghiệp hàng loạt ở nhiều công trình, nhà máy điện nguyên tử, tàu điện ngầm .v.v. Nơi có đông công nhân Việt Nam cũng vậy. Lương không đủ sống, họ phải bỏ đi làm thêm ở bên ngoài. Đã thế, trong nước lại tiếp tục gửi hết toán này đến toán kia sang, làm hợp đồng đơn lẻ. Tình trạng này, ai muốn về nước đều phải tự túc, chẳng ai dám cáng đáng tiền vé máy bay. Nước bạn giao phó hết việc ra về cho Ban quản lý lao động người mình quản lý, điều hành. Họ phân phối cả năm từng ấy chuyến bay, mạnh ai người ấy chạy. Nếu bên nào tự ý phá vỡ hợp đồng, bên ấy chịu nộp phạt theo hiệp định. Cái hiệp định được ký kết với một chủ nông sắp sửa phải bán nốt con bò cái của mình để đổi sang nghề buôn tạp hóa.
Hưng thầm nói với bạn: “Sơn ơi, nếu mày chết thì thật là oan nghiệt. Thằng bạn rất đỗi nhân từ mà gặp chuyện chẳng lành. Mày không buôn bán, cờ bạc, đĩ điếm. Một lòng chung thủy với vợ con, chân thành với bè bạn, yêu nghệ thuật, đàn hát tài hoa như mày mà gặp phải tai ương ở nơi đất khách… Sống trong một tập thể đứng trơ trọi như ốc đảo giữa sự hằn thù đầy bí ẩn này, mày còn biết kêu ai? Trước mắt, mày hãy nằm tại nhà thương kín mít này như chính sự bế tắc của chúng tao…” Hưng lủi thủi ra về cùng đội của Sơn.
“Mới hôm trước, mày còn cho tao xem lá thư của mẹ gửi và cho biết vợ đang ốm. Sau đó, cùng uống với nhau chai bia mày mua ở “Kôm” (phòng) bên cạnh – Em luôn không gặp may mắn trong mọi chuyện – Mày nói rồi cười buồn, nếp nhăn giữa hai lông mày rậm tạo thêm vẻ u ám cho cặp mắt to và hơi lồi. Tao thấy mày là thằng bạn tốt chưa từng thấy. Trong rất nhiều tốp thợ Việt Nam chỉ biết lo hầu bao, bia nhậu, bán Kôm và cờ bạc này, mày đã sống thật đẹp”.
Hưng bắt gặp đôi mắt xám đẫm lệ của bà lao công bên phòng của Sơn. Bà phân bua trong một cử chỉ lúng búng. Bộ ngực đồ sộ, phập phồng như muốn ôm ấp lấy Hưng mà xin lỗi hộ cho một dân tộc vốn dĩ thật thà nhân hậu. Điều xảy ra hoàn toàn bất ngờ đối với người phụ nữ may mắn, đôn hậu này. “Ôi, chúng nó thật là độc ác! Bưgarkata!” (cái bọn người Bun này). Bà vốn yêu quý Sơn hơn những người khác trong phòng. Qua tròng mắt già nua sợ sệt và thương xót của bà, Hưng cảm thấy linh hồn Sơn đã thật sự nằm lại ở đất nước của một loài hoa định mệnh mà nó đã chọn và yêu: Hoa hồng. Nhưng thật là trớ trêu, nó được nhận lại gậy sắt côn đồ.
Hai hôm sau Hưng và các bạn nhận được tin Sơn đã chết (thực ra nó đã chết từ khi người ta chụp X quang, nhưng họ đặt máy co bóp tim nhân tạo để giữ cơ thể phía dưới còn ấm, phần từ cổ trở lên đã chết lạnh hẳn).
Một chiếc xe điều tra pháp y của Công an tới, đỗ trước bãi cỏ còn vương máu nạn nhân. Mấy người ăn mặc thường phục xuống xe. Một người trâng tráo hất cằm hỏi bọn Hưng:
– Thế nào. Chúng mày đánh nhau ra sao? Kể lại đi!
Đoàn phó cố nén, ôn tồn trình bày sự việc vụ hành hung có tổ chức của bọn thanh niên người Bun…Từ chiều hôm trước lúc xảy ra vụ án, một bà lão người Bun đã trông thấy cạnh hàng rào nhà bà một đống gạch đá chất sẵn… Người công an ngồi trên xe ghi chép mà không thèm xuống, rồi đòi thu lại chứng minh thư của những người làm chứng Việt Nam. Còn người đàn ông kia cúi mình ngó xuống vũng máu, khóe miệng luôn có nụ cười nhạo. Lát sau, ông ta tạm kết luận:
– Bây giờ chúng tao phải đem ít máu này về thử nghiệm xem có phải là máu chó hay lợn mà bọn mày đổ ra đây, rồi vu vạ cho người Bun hay không. Vì Việt Nam bọn mày thường chém giết nhau ở đây là chủ yếu mà!
Rồi ông ta ngồi tót lên cabin và nói với lại:
– Trên áo thằng nạn nhân mà bọn tao giữ có dính cả máu người lạ. Chay kây (hãy đợi đấy). Bảo nhân chứng là thằng Hùng, ngày mai gặp tao tại đồn công an quận!
Mãi đến ngày thứ năm khi đám tang Sơn tổ chức ngoài trời, chiếc xe đen bóng của đồng chí lãnh đạo sứ quán mới xuất hiện. Nhưng không thấy một cô giáo tiếng Bun nào của Sơn đến như họ đã hứa qua phôn. Ông ta trịnh trọng bước lên cửa Blốc. Khi đọc diễn văn, thỉnh thoảng ông tháo kính lau lau. “Bất cứ người ngoại quốc nào ở đất nước kỳ cục này cần mạnh ai người nấy sống”. Ông ta nói vậy và chấm dứt bài đít-cua bằng một lời hứa trang trọng: sẽ can thiệp để rút bộ phận đoàn của Hưng về nước theo chế độ ưu tiên nhất (nếu có ai muốn về). Mọi người tự nhủ chỉ còn phương cách là cố mà vơ vét, đóng hòm được ngần nào hay ngần ấy. Hưng sực nghĩ: người ta cũng sẽ đóng hòm đựng xác Sơn (tro) và những người xấu số khác sau khi thiêu và sẽ cử một đội trưởng cầm về cho vợ con, gia đình họ. Chỉ khác là, không phải “chạy cầu”, chạy bè gì cả… Nhưng, chua chát thay, bao nhiêu kẻ còn đang chạy chọt bằng được giành phần mang xác Sơn về với động cơ được thanh toán vé máy bay “khứ hồi”!
“Sơn có biết không – Hưng thầm nói với vong hồn bạn – Bây giờ vẫn đang là mùa xuân. Những đám mây xốp trắng bay chiều gió thổi ngược lên đỉnh núi Vitôsa đầy băng tuyết. Dưới chân blốc, chỗ chân tường kia, nơi mày ngồi dựa vào khi bọn tao dìu mày từ bãi cỏ đẫm máu, bây giờ được dán lên tờ cáo phó. Lơ lửng từ căn gác mày ở – gác tám, một dải băng tang treo rủ. Tao không thể nào khóc được và trong thâm tâm lúc nào cũng mường tượng thấy hình ảnh mày sống động như mới hôm qua. Và chắc là tối nay, mày sẽ lại xuống gõ cửa phòng tao, chúng mình trò chuyện, hút chung nhau điếu Arđa…”.
Hưng và những người bạn đã lập bàn thờ cho Sơn chu đáo. Góc buồng ngủ, giường, kệ nhỏ của Sơn vẫn giữ nguyên, ngay ngắn. Mọi người tự nguyện quyên góp để gia đình, vợ con Sơn có chút quà của người “đi Tây”. Cảm động nhất là bà lao công của phòng Sơn là người đầu tiên, trước cả một ngàn người lao động Việt Nam ở đây, đã dúi vào tay bọn Hưng hai lê-va, sụt sùi nói: “Hãy nhận lấy, đừng chê ít… tấm lòng một bà mẹ Bungaria”.
Hưng và các bạn thắp nhang và bóc lá thư của vợ Sơn mới gửi sang… Cuối thư là hình vẽ chân dung người bố nguệch ngoạc của đứa con gái Sơn mới lên ba tuổi. Nó vẽ bố bằng nỗi nhớ ngây ngô. Hưng dán bức thư đó cạnh bức ảnh lồng khung đen.
Số phận thằng Sơn quân tử bạc mệnh đối với Hưng và các bạn là nguyên cớ để gắn bó họ lại với nhau một trạng thái tình cảm đặc biệt – tình cảm ấy đã tiếp thêm cho họ sức mạnh cùng sống, cùng làm việc cật lực để kiếm những đồng lê-va đắng ngắt trên “từng cây số cuối cùng” này ở Đông Âu.
Bố mẹ và vợ con Sơn kéo cả sang, chờ kiện cáo xong mới đem xác Sơn về nước. Sau khi làm thuê quần quật ở Sế lô để lo đủ số tiền mua vé giá cao, Hưng trở lên căn buồng yên ả của Sơn định thắp một nén hương thì gặp lại bà lao công người Bun ở đấy bước ra. Anh để ý trên bàn thờ nhỏ có một bó hoa hồng tươi rói vừa cắm. Hưng thắp hương và nghẹn ngào khấn nhỏ:
“Sơn ơi, tao quá nghèo, hiện chưa thể giúp gì vợ con mày được. Giờ tao về nhà trước mày. Hộp đựng tro xác mày, người ta đã chuyển cho bố mẹ mày giữ. Rồi đất Mẹ sẽ giữ nắm tro của mày trong thân thể đầy thương tích… Mày luôn nghĩ tốt, muốn điều tốt cho mọi người, phải không Sơn? Chính vì vậy mà mày tìm thấy sự thanh thản vĩnh hằng”…
Trong óc Hưng chợt hiện lên chiếc đĩa nho tươi ăn dở hôm nào ở phòng ông đại sứ mới. Rồi chiếc hộp đựng tro xác người xám xịt từ đâu đó rơi phịch xuống bên cạnh. Hưng rùng mình, nhắm nghiền mắt lại. Nhưng giữa hai cái hình ảnh trái khoáy trong trí tưởng tượng kia, đập vào mắt anh lúc này lại là mấy bông hồng đỏ thắm. Và những nét vẽ đáng yêu làm sao của trẻ thơ. Tâm trí rối bời, hoảng loạn và chất đầy nỗi thương xót của Hưng chợt lắng lại. Tới lúc đó, Hưng mới khóc được. Những giọt nước mắt khóc bạn, khóc cho mình, cho những gì mà anh đã hằng tin yêu và sẽ còn phải tin yêu mãi mãi…
Nguyễn Anh Tuấn
(Mai An Nguyễn Anh Tuấn)
Nhà văn - Đạo diễn điện ảnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét