Thứ Hai, 28 tháng 4, 2014

TẢN MẠN VỀ NGƯỜI CHA HỌA SĨ ĐÃ KHUẤT NÚI

 (Nguyễn Anh Tuấn)
Trên một tấm toan phủ sơn trắng toát, có mấy nét vẽ đơn sơ nguệch ngoạc màu nâu đen. Đấy là bức tranh đầu tiên và cũng là bức tranh cuối cùng của một người đàn bà gần hết cả cuộc đời làm nghề nhặt củi khô trên tuyết để nuôi sống đàn con cháu mình. Bức tranh sau đó đã trở nên vô giá trong con mắt của những nhà sưu tập tranh thế giới. Câu chuyện ấy, cùng nhiều câu chuyện khác về hội hoạ, về nghệ thuật đã in hằn trong tuổi thơ của chúng tôi. Người kể chúng là bố tôi – cố hoạ sĩ Nguyễn Quảng, người đã coi Hội hoạ và những tri thức về Nghệ thuật như một thứ Tôn giáo thiêng liêng… Khi đến tuổi trưởng thành, chúng tôi hiểu: điều lớn nhất mà ông muốn gửi gắm đằng sau những câu chuyện đó, là hãy vẽ ( hay viết ) không phải bằng sự khôn khéo của đôi tay, của đầu óc- mà bằng tất cả sự rung cảm của con tim, sự trải nghiệm của tâm hồn…
Tranh Nguyễn Quảng
Ông kể chuyện bằng một giọng ấm áp, đầy truyền cảm của một thầy giáo. Vâng, ông vốn xuất thân là một thầy giáo dạy Pháp văn, sau chuyển sang dạy môn hoạ trong trường phổ thông, và ông từ giã cõi đời cũng đúng vào ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm 2000. Lúc sinh thời, ông rất tự hào khi được gọi bằng cả hai chức danh: thầy giáo- hoạ sĩ; hoặc hoạ sĩ- thầy giáo. Định mệnh quả đã tạo nên hai phẩm chất, hai tư cách đó trong ông: nghệ sĩ và nhà giáo dục. Lúc còn là học sinh trường Cao đẳng sư phạm Đông Dương, ông đã mày mò “ tầm sư học đạo” danh hoạ Nguyễn Tường Lân và trở thành học trò yêu của vị thuộc hàng “tứ trụ” hội hoạ này(Nhất Trí, nhì Lân, tam Vân, tứ Cẩn). Khi đứng trên bục dạy học, ông vẫn tìm tòi về nghệ thuật, say mê vẽ tranh, tìm đến kết bạn với các bậc thầy hội hoạ như Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, v.v. Rồi ông chính thức trở thành một giáo viên dạy hoạ, soạn tài liệu giảng dạy môn hoạ và tham gia các khoá huấn luyện, đào tạo giáo viên hoạ cho Sở GD, Bộ GD…Nhưng với tư cách là nhà giáo, thành tựu đáng kể nhất của ông là đã phát hiện bồi dưỡng được khá nhiều năng khiếu hội hoạ cho Đất Nước- trong đó có ba người con trai của ông- cả ba đều đã đoạt được nhiều giải thưởng cao ở các cuộc Thi tranh vẽ thiếu nhi trong nước và quốc tế         (Nguyễn Anh Tuấn: Huy chương vàng của Anh, Ấn Độ; Nguyễn Anh Tước: Huy chương bạc Hungary; Nguyễn Anh Lanh: Huy chương vàng của Anh, Bungary…) và người con gái út Nguyễn thị Diệu Trinh cũng đoạt Huy chương vàng cuộc thi vẽ tranh thiếu nhi quốc tế năm 1968 -1969 với bức tranh ngộ nghĩnh “Chúng em múa hát” vẽ một vòng tròn các em múa hát, mà phải quay bức tranh vòng tròn mới nhìn ra em vẽ gì…Mẹ tôi có lần kể lại: cứ mỗi lần nhìn ông chăm chú chọn tranh các con để gủi đi dự thi, bà đều tin là chúng sẽ được thẩm định qua một con mắt tinh tường, nghiêm khắc, công bằng, và chắc chắn là sẽ đoạt giải. Có điều, ông để cho các con tự nhiên phát triển các năng lực thiên tư, chứ không ép buộc hay có chủ trương “ nuôi gà nòi” – như đã có lần ông trả lời phỏng vấn báo chí sau khi các con nhận giải thưởng, và thực tế cũng đúng là như vậy!…Là nhà sư phạm kiểu mẫu, ông say sưa truyền giảng những hiểu biết về văn chương, triết học, mỹ học cho học trò và cho các con. Con cái ông được phân biệt các giai đoạn màu hồng hay màu lam trong tranh của danh hoạ Picasso, biết khá nhiều về các trường phái hội hoạ ấn tượng, Dã thú, Đa Đa…trước khi được tập pha màu chính thức trên pa-let. Nhưng có lẽ, cái bài tập lớn nhất, cái giải thưởng lớn nhất mà ông muốn giao cho lớp học trò- trong đó có các con ông, thì chưa một ai hiểu thấu và xứng đáng trọn vẹn với nó- đấy là lòng tự trọng của người trí thức, người nghệ sĩ, mà ông vẫn gọi là “sự liêm sỉ”! Cũng chính cái liêm sỉ đó đã khiến ông không ít lần phải lao đao trong suốt những năm tháng dạy học và cầm cọ!…Và đây cũng là một động lực để tôi có thể cầm bút viết những dòng kỷ niệm về ông.
Tranh Nguyễn Quảng

Là công chức nhà nước từ năm 1955, đến năm 1971, ông đột ngột xin nghỉ việc không lương, không một chế độ gì, sau một lần đập bàn mắng hiệu trưởng. Có tranh tham gia triển lãm Mỹ thuật toàn quốc từ năm 1958, từng bán cả nhà, mua nhà nhỏ hơn lấy tiền để cặm cụi làm đến cả một xe bò tranh, nhưng rồi ông xếp tranh lại, gạt hết những mối quan hệ đã có, bỏ đi các tỉnh xa thâm nhập thực tế tự do. Ông lảng tránh phải tiếp xúc với các quan chức trong ngành hội hoạ mà theo ông, một số khá đông trong họ, phần nghệ sĩ chỉ có thể đong bằng từng giọt! ( Tôi phải xin lỗi trước một ai đó bởi sự cực đoan thái quá của bố tôi ). Ông vẽ tranh vui, tranh minh hoạ cho các báo, vẽ truyện tranh cho các nhà xuất bản, và …vẽ truyền thần để nuôi gia đình và nuôi nghệ thuật! Có lần, sau vài tuần ở Đồng Mỏ về, ông hớn hở khoe đã kết nghĩa anh em với một ông người dân tộc Tày, và đem cất trang trọng một bọc to lên xà nhà- sau này chúng tôi mới biết đó là sợi thuốc lá, thuốc lào được biếu và được trả công vẽ chân dung cho các cụ trong bản, chúng đã mốc xanh tự bao giờ! Không chỉ một lần ông được trả công vẽ chân dung bằng hiện vật như thế… Bên cạnh tôi luôn cặp kè chiếc đồng hồ bấm giây thể thao cũ kỹ mà tôi đang dùng trong việc làm phim- đó là một vật kỷ niệm của ông, một thứ được trả công sau lần đi thực tế ở Phú Thọ… Nhưng thu hoạch lớn nhất của ông sau những lần đi thực tế “tự do” ấy là tình người ở những vùng đất nghèo khó mà ông thường say sưa kể lại cho người thân và bè bạn, cùng hàng loạt phác thảo, ký hoạ chân dung, phong cảnh, đồ vật… làm chất liệu giúp ông nghiền ngẫm xây dựng tác phẩm. Ông vẽ rất nhiều, có những bức đã hoàn chỉnh, có không ít bức còn ở dạng phác thảo, tìm kiếm bút pháp- nhưng trong đó đều rung động một tình yêu thuần khiết, mộc mạc đối với thiên nhiên và con người. Ông vẽ về những kỷ niệm xưa bập bềnh trong sương khói, về những lễ hội dân gian ngây ngất lòng người ở miền núi và đồng bằng Bắc Bộ, về những cảnh lao động lầm lụi trong các bản làng người dân tộc…Ông vẽ trên lụa, trên giấy, trên toan vải…dù bằng chất liệu gì cũng cho thấy một tâm hồn say đắm muốn lắng nghe thâu nhận để không bỏ sót một sắc thái nhỏ nào của đời. Nhưng cuộc vật lộn giữa mưu sinh với những mục tiêu về nghệ thuật thật gay gắt, chúng luôn thường trực trong ông ông; đó là sự xung đột giữa tính chất sú-vơ-nia của tranh và phẩm chất đích thực của nghệ thuật- và xót xa thay, không phải lúc nào mục tiêu nghệ thuật cũng thắng! Ông vẽ để tìm kiếm một bản sắc riêng của mình, để giải toả những ẩn ức thẩm mỹ mà một nghệ sĩ đau đáu trong mình, nhưng ông cũng phải vẽ để bán tranh cho các gallery, các nhà sưu tập tranh để nuôi sống một gia đình 5 con qua những giai đoạn khó khăn nhất về kinh tế của Đất Nước! Có lần, ông giao vài chục bức tranh lụa cho một người hoạ sĩ ( nhưng thực chất là một người buôn tranh ), sau một thời gian, người ấy thông báo chưa bán hết, và đưa trước cho ông một chiếc tivi đen trắng ( sau đó thì “lặn” luôn ). Khi ấy trông ông có vẻ vui lắm, vì ông cũng đang muốn mua cho vợ con một chiếc tivi. Nhưng rồi ngay sau đó, ông lặng buồn rất lâu, ai gặng hỏi cũng không được. Tôi chợt nhớ đến câu chuyện ông từng kể về danh hoạ Uy-tri-lô. Ông này chỉ ngồi trong nhà, vẽ tranh theo những carpostal phong cảnh vợ đem về, kèm theo một cốc rượu đặt trước mặt. Mỗi khi bà vợ thông báo đã bán được một bức tranh phong cảnh không một bóng người của ông, ông thở dài và lắc đầu buồn bã: “ Ôi chao! Loài người thật ngu xuẩn!”.
Tranh Nguyễn Quảng

Những câu chuyện dí dỏm hay nghiêm túc mà ông kể cho các con nghe, thái độ riễu cợt khinh bỉ trước những gì khuất tất, những cảnh quỵ luỵ xin xỏ hoặc dìm dập lẫn nhau… đã vô tình bộc lộ tất cả quan điểm ứng xử và nhân cách của ông. Và ông đã vẽ theo sự dẫn dắt của chúng.
Chúng tôi may mắn được ông đưa đi theo không ít lần, vào những dịp nghỉ hè, lên Yên Bái, Lạng Sơn, Phú Thọ, về Sầm Sơn, Nghệ An…để tận mắt chứng kiến sự say đắm hồn nhiên của ông trước thiên nhiên hào phóng diễm lệ, trước cảnh sinh hoạt của đồng bào dân tộc hứa hẹn nhiều bí ẩn của màu sắc và đường nét cho tranh ( Có lẽ, tình yêu đối với miền núi của tôi cũng bắt nguồn từ đó, cho đến ngày tôi tình nguyện lên Tây Bắc dạy học khi tốt nghiệp ĐHSP HN, và cả tới tận bây giờ…). Sau một thời kỳ vẽ theo đề tài có tính chất minh hoạ ( như Bình dân học vụ…), toàn bộ tranh của ông có thể nói là sự phản quang dịu ngọt về những gì yêu thương, day dứt ám ảnh ông trên những vùng đất đã đi qua. Cố Nhà báo, nhà thơ Trần Hoà Bình sau khi được xem tranh của ông tại nhà đã từng viết như sau: “ Mặc dù ông không có điều kiện theo học hết khoá học của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng có thể mạnh dạn nói rằng: hoạ sĩ Nguyễn Quảng là một trong những đại diện tiêu biểu cuôí cùng của “trường phái école Baux Arts” 1- trên một cái nền vững chắc về tạo hình đã tìm kiếm những cách biểu hiện đầy ấn tượng, nhưng lại không rơi vào cái vũng lầy của chủ nghĩa hậu hiện đại mà hiện không ít hoạ sĩ trẻ đang tìm cách vẫy vùng thoát ra - dù họ đã kinh doanh được trong lĩnh vực hội hoạ một cách đáng ngạc nhiên, theo lối chụp giật và thả hoả mù…”.
Năm 1990, ở tuổi 70, bố tôi vào thành phố Hồ Chí Minh, với hơn 200 bức tranh chọn lọc từ hàng ngàn bức tranh của cả một đời cầm cọ, với hy vọng sẽ tổ chức được một triển lãm tranh cá nhân đầu tiên. Thật may mắn, qua một mối quan hệ tình cờ, ông làm quen được với giám đốc Nhà hát Hoà Bình -chị Hoàng Thị Thương. Là một giám đốc kinh doanh năng động và cũng là người am hiểu nghệ thuật, chị Thương sau khi được xem tranh của ông đã ủng hộ ý định ấp ủ cả đời của ông. Chị đã cho thu xếp, cải tạo hành lang Nhà hát thành một hành lang tranh nghệ thuật, đồng thời thu xếp cho ông hoạ sĩ già một phòng nhỏ ở Nhà hát để tiện sinh hoạt. Chị còn giúp đỡ ông một phần về kinh phí để đóng khung tranh, làm áp-phích, in tờ rơi, làm băng-rôn…Việc mở phòng tranh này cũng được chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố lúc đó là hoạ sĩ Ca Lê Thắng ủng hộ nhiệt tình… Hôm khai mạc Hành lang tranh nghệ thuật, có đại diện nhiều cơ quan ban ngành, nhiều cơ sở kinh doanh, nhiều phóng viên báo chí, truyền hình thành phố…Và, có cả Chủ tịch UBND Thành phố hồi ấy là ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp cũng đến dự. Khó mà miêu tả được tâm trạng của bố tôi trong buổi hôm ấy…Ông vui vẻ giải thích cho bất kỳ ai về lai lịch, ý đồ từng bức tranh, và ông đã rút mù-xoa chấm nước mắt vì cảm động. Biết tính ông hay ngại ngùng trước quan chức- dù là quan chức chính quyền hay quan chức trong ngành nên tôi cũng hơi lạ lùng khi thấy ông cặp kè thân mật bên ông Chủ tịch Thành phố, tận tình nói về từng bức tranh máu thịt của mình…Điều thắc mắc nho nhỏ ấy của tôi chợt sáng rõ, khi sau đó vài tháng, tình cờ tôi được đọc một bản thảo viết dở của ông, có tiêu đề: Vị quan chức thương dân nghèo và ông hoạ sĩ già. Trong đó ông kể lại, khi việc xin giấy phép gặp trục trặc bởi sự quan liêu hành chính, ông đã chủ động tìm đến ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, sau khi đã được nghe người dân nghèo bán hàng rong, kéo xích lô tay kể về ông Chủ tịch này như một huyền thoại về lòng thương dân, về sự liêm chính, công bằng…Tôi chợt hiểu, trong những giọt nước mắt hiếm hoi của ông hoạ sĩ già được ống kính máy quay, máy ảnh chộp được ở buổi khai mạc triển lãm tranh chắc hẳn phải có cả lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ trước vẻ đẹp tinh thần cao quý ở một người đang “cầm cân nảy mực” xã hội- điều mà ông, một người lao động nghệ thuật đang khao khát, giống như biết bao người lao động ở cái Thành phố bề bộn kia…Giọt nước mắt đó tôi còn được gặp lại sau gần hai mươi năm, khi mẹ tôi đọc dòng tít báo lớn trên Tuổi trẻ Thành phố thông báo vị quan chức thương dân nghèo ấy đã đi xa mãi mãi…Vâng, trong 17 năm qua, cả gia đình chúng tôi, kể từ khi bố tôi còn sống hay đã mất vẫn thỉnh thoảng nhắc đến ông- người từng được bố tôi và cả nhà coi là một ân nhân , là “ chú Sáu”- như nhiều người đã gọi một cách trìu mến, dù chỉ là một thứ tình cảm “kính nhi viễn chi”. Hồi đó, bố tôi sau khi viết xong bài báo đã không gủi đi đâu cả, với mặc cảm sợ người ta cho là “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Mặc cảm đó lây sang cả tôi! Và tôi chợt nghĩ: dù ông rất phong phú và uyển chuyển trong ngôn ngữ nói – viết, nhưng có lẽ, chỉ ở trong tranh, ông mới bộc bạch được hết những cảm nghĩ sâu xa nhất của mình. Cũng chính vì vậy mà tôi đã cất giữ những trang viết của ông về “chú Sáu”- cùng nhiều di cảo khác của ông, như một thứ “bảo vật” của gia đình tôi.
Lần triển lãm tranh ở Nhà hát Hoà Bình thành công ngoài sự mong đợi. Dĩ nhiên là bố tôi có bán được tranh để trang trải nợ nần. Nhưng đìều lớn nhất mà ông thu hoạch được chính là sự cảm nhận sâu sắc, sự ngợi ca đầy nồng hậu của nhiều tầng lớp người Thành phố đối với lao động nghệ thuật của ông. Sổ ghi cảm tưởng với những lời trân trọng, yêu mến, kính phục đã khiến ông như được hồi sinh, giúp ông có thêm bao nghị lực mới mẻ để tiếp tục vẽ như không hề có tuổi già và bệnh tật dày vò…Nhiều tờ báo của Thành phố đã đánh giá cao công sức lao động cần cù bền bỉ của ông, và đặc biệt là đều đã nhìn thấy trong tranh ông một tâm hồn tươi trẻ, một bản lĩnh nghệ thuật vững vàng được thể hiện qua những nét vẽ- mảng màu bay bổng, phóng khoáng, hồn nhiên… Hai năm sau, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Công ty Saigon Tourist, bố tôi lại mở được một phòng triển lãm cá nhân nữa, với những bức tranh bổ xung vẽ trong Thành phố, về đề tài Nam Bộ… Rồi ông quay ra Hà Nội, tiếp tục miệ
t mài vẽ tranh với khát vọng xây dựng những tác phẩm lớn cuối đời. Và kể cho các con các cháu nghe những câu chuyện trong sách vở, trong những chuyến phiêu bạt của ông suốt từ Bắc vào Nam- đặc biệt là về những ngày tháng ông lang thang trên đất Sài Gòn, trên đất Long An…Thú vị nhất là câu chuyện ông đã sống nhiều tháng ra sao trong căn buồng nhỏ ngay sát phòng nhốt một con hổ xiếc của Nhà hát Hoà Bình…
Ông đã đi xa hơn mười năm, nhưng trong ngôi nhà nhỏ mà ông sống những năm tháng cuối đời như lúc nào cũng hiển hiện vầng trán rộng, ánh mắt hiền hậu và tinh nghịch của ông, cùng câu ngạn ngữ La- tinh ông dạy cháu gái giữa khi ông đau đớn nhất bởi ung thư di căn giai đoạn cuối: “Shi va piano, va sano; shi va sano, va long tano”( Ai đi một cách nhẹ nhàng như tiếng dương cầm, sẽ đi được tốt, ai đi được tốt, sẽ đi được xa…).
Đúng ngày ông mất, tôi làm bài “Văn tế bố”. Xin phép được dẫn lại vài dòng:
Bao năm mải mê dẫn lũ trẻ đi vào thế giới của sắc màu, hình khối
Những thoáng ngẩn ngơ đưa tim óc trải trên khung lụa, tờ tranh.
Trên bục giảng say sưa với những tư tưởng của Vonte, Rutxô, những ý đồ của Vangốc, Gôganh
Bên giá vẽ miệt mài theo những vẻ đẹp của núi rừng, sông suối, cùng tinh tuý của trời mây, hoa cỏ
...
Trong gian nan chẳng bao giờ mất nụ cười đôn hậu
Giữa thiếu nghèo không lúc nào quên triết lý Đông – Tây
Tách trà đặc thơm bâng khuâng thương bạn cũ
Ly cà phê đắng ngậm ngùi nhớ chuyện xưa
Rồi lại ba lô trên vai ngơ ngác kiếm tìm
Từ núi rừng Việt Bắc mờ sương
Tới những nẻo đường phương Nam ngập nắng…
___________________
[1] Đọc là Ê-Côn Bô-Za – ý muốn nói tới những hoạ sĩ xuất thân từ trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét