Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Về lại với Hang Bò ở Chùa Thầy....



Trở lại thăm Chùa Thầy sau mấy chục năm, một khoảng thời gian dài để nhớ lại những hoài niệm. Ký ức đưa tôi trở lại thời chiến tranh chống Mỹ. Chùa Thầy - nơi tôi sơ tán cách đây mấy chục năm , giờ lại hiện dần lên trước mắt tôi. Vẫn mảnh đất xứ Đoài nên thơ năm ấy, rong rêu, bí ẩn mà mộc mạc, thanh bình ...

Sau khi xuống xe, một nam hướng dẫn viên tự xưng bước tới chặn đường chúng tôi, và lôi xồng xộc vào ngôi đền trước mặt, anh ta nhiệt tình nói là sẽ tư vấn miễn phí, sẽ hướng dẫ chúng tôi thăm quan chùa ...Anh ta chỉ chúng tôi mang những lễ vật gì vào chùa Hạ trước, chúng tôi cứ làm theo . Một hàng trưởng lão mặc áo quần chỉnh tề ngồi ngay trước bàn phía ngoài , mau chóng mời chúng tôi ngồi xuống và lại nói cho chúng tôi về sự tích của ngôi chùa linh thiêng này...

Sau khi dâng lễ, ra ngoài, chúng tôi bị mấy người chặn lại đòi tiền lễ : 1 lễ là 150.000đ, gồm vài gói giấy màu, 3 hộp chè lam. Chúng tôi thanh toán, và tự dưng thấy trong lòng hơi bất an. Chưa hết, vài cô chạy đến đòi tiền phúc lộc...Chúng tôi biết đã bị mặc bẫy lừa đảo, vội vàng tìm cách thoát khỏi nơi này.

Buồn, khá thất vọng, chúng tôi ra hồ nước ngồi và ngắm cảnh...Trời mây u ám, chúng tôi quyết định đi vào sâu hơn để tiếp tục thăm quan. Ở phía trong có một bảng hiệu ghi rõ là khách du lịch cần cẩn thận tư trang, tránh bị lừa đảo, và bật cười, sao họ không để ngay phía ngoài đường, để ở đây làm gì sau khi các vị khách phương xa ngơ ngác đã bị chém gió một khoản tiền kha khá...

Tuy nhiên, phong cảnh và sự huyền bí tâm linh của ngôi chùa cổ đã làm chúng tôi quên đi mặc cảm. Tôi đã chụp lại sơ đồ khu di tích chùa Thầy, và đau đáu đi tìm hang Bò nằm ở phía tay trái khu di tích. Tuy nhiên, mặc dù có tên trong bản đồ, hang Bò giờ đã bị bỏ hoang, thậm chí còn bị người dân xây nhà chắn hết lối đi lên hang. Tôi lặng lẽ ngắm nhìn hang Bò từ phía ngoài...vẫn còn đó hang Bò kỷ niệm của thầy trò trường con em giáo viên các trường ở Hà nôi làm nơi dạy học, trú ẩn bom đạn Mỹ. Ngày ấy hang Bò trông bề thế, oai phong là thế mà giờ đây hoang tàn, cây cỏ mọc lấp, lối đi cũng không còn nữa....

Tôi ngước nhìn lên hang, hồi tưởng lại ngày nào hai chị em tôi sơ tán, cứ mỗi lần có máy bay gầm rú là chị gái tôi lại đẩy tôi nằm xuống và nằm lên trên che cho tôi, mà chị thì gầy, mảnh dẻ, cô em thì hơi...tròn tròn...những kỷ niệm thời gian khó ác liệt đó cứ như bức tranh hiển hiện trước mặt.
Chúng tôi vừa cảm nhận, hít thở không khí trong lành, thanh tịnh của ngôi chùa cổ kính có từ thời nhà Đinh, nhà Lý, vừa tiếp tục leo lên núi, lên chùa Cao, đến hang Cắc cớ thì tôi đành chịu trận vì chân bị bong gân chưa khỏi...

Chúng tôi tạm biệt Chùa Thầy trong tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Tôi mong có một ngày trở lại, tôi sẽ thật sự cảm nhận lòng hiếu khách của người dân nơi đây, bình dị , linh thiêng và huyền bí như cảnh vật tuyệt vời mà thiên nhiên đã bạn tặng cho mảnh đất này....


Thứ Tư, 4 tháng 10, 2017

Bài thơ Nước Nga (Русь) của Сергей Есенин

Серге́й Алекса́ндрович Есе́нин (Sergei Alexandrovich Exenhin) sinh ngày 3 tháng 10 năm 1895 (lịch Nga ngày 21 tháng 9 năm 1895) tại làng Konstantivo tỉnh Ryazan – một ngôi làng nho nhỏ yên bình và xinh đẹp, thuộc vùng thảo nguyên Ryazan rộng mênh mông và đầy thơ mộng, có dòng sông Ôka yêu kiều, xinh đẹp và lộng gió vào những buổi chiều hè, về mùa thu những chiếc lá phong vàng quyến rũ lả tả rơi xuống, soi lấp lánh xuống mặt nước trong xanh. Thơ Exenhin là những lời tâm sự, là tiếng hát nồng nàn, bay bổng trong không gian, vừa thiết tha vừa dịu ngọt, lúc thì thầm âu yếm, lúc trăn trở, đắng cay chua xót...những vần thơ ca ngợi tình yêu thiên nhiên, cảnh đẹp thiên nhiên đồng quê nước Nga, thật bình dị, nhưng vô cùng quyến rũ, trang trọng mà quí phái, những người dân vùng quê hiền hậu, thủy chung và cả những nỗi đau, những tâm sự sâu kín trong đáy lòng của nhà thơ tài hoa nhưng bạc mệnh.
Exenhin là nhà thơ nông dân, nhưng là nhà thơ nông dân bí ẩn nhất, với số phận kỳ lạ, với những bài thơ xuất thần, cô đọng từng chữ, mà phải vừa đọc vừa cảm nhận thì mới thấm hiểu tâm hồn nhà thơ , hồn nhiên, nhân hậu và trong sạch biết bao. Ngay cả bài thơ tuyệt mệnh cuối cùng “До свиданья, друг мой, до свиданья” (Vĩnh biệt - Bạn của tôi ơi- xin vĩnh biệt), trước khi tự mình treo cổ trên ống nước trong căn phòng khách sạn Anglettre ngày 28/12/1925, những vần thơ của Exenhin vẫn trong trẻo , dịu dàng  mà đau đớn làm sao:
“Милый мой, ты у меня в груди.
Предназначенное расставанье
Обещает встречу впереди...”
(Bạn thân yêu ơi, bạn luôn trong trái tim tôi
Sự chia ly đã định trước rồi
mình sẽ gặp lại nhau trong chuỗi ngày sắp tới...)
Tôi đã đăng tải bài thơ НОЧЬ (Đêm) Exenhin sáng tác vào 1911-1912, năm ông 15- 16 tuổi trong blog này vào ngày 30/7/2014
Hôm nay tôi đăng tiếp bài thơ Русь của ông nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của ông. Và, lần nào cũng vậy, thơ ông vẫn là những thách thức với tất cả những ai muốn tìm hiểu và cảm nhận....

Гой ты, Русь, моя родная,
Хаты - в ризах образа...
Не видать конца и края -
Только синь сосет глаза.

Как захожий богомолец,
Я смотрю твои поля.
А у низеньких околиц
Звонно чахнут тополя.

Пахнет яблоком и медом
По церквам твой кроткий Спас.
И гудит за корогодом
На лугах веселый пляс.

Побегу по мятой стежке
На приволь зеленых лех,
Мне навстречу, как сережки,
Прозвенит девичий смех.

Если крикнет рать святая:
"Кинь ты Русь, живи в раю!"
Я скажу: "Не надо рая,
Дайте родину мою".
1914

Ôi nước Nga, nước Nga thân yêu của tôi,
Những căn nhà trong các khung tranh thêu
Chẳng nhìn thấy điểm cuối và vùng ven lãnh thổ
Chỉ thấy một màu xanh ngút tầm mắt.

Là con chiên ngoan đạo Kính chúa,
Tôi ngắm nhìn những cánh đồng của người.
Ở tận cuối làng dưới thấp xa xa
Những cây phong đang ủ ê tàn úa

Mùi táo chín và mật ong thơm dịu
Lan tỏa các Nhà thờ trong Ngày Lễ thánh
Và những điệu nhảy tay cầm tay xoay vòng
Cùng các vũ điệu vui tươi trên đồng cỏ.

Tôi chạy theo luống bạc hà mọc giăng lối
Để tới cánh đồng bát ngát xanh
Các thiếu nữ cười tựa tiếng chim khuyên
Cùng chào tôi với tiếng cười ròn rã

Nếu có vị thánh thần nào kêu gọi:
"Hãy từ bỏ nước Nga, về với Thiên đường”
Tôi sẽ đáp: “Thiên đường kia tôi chẳng cần đến,
Hãy cho tôi đất mẹ yêu thương”.
1914
Diệu Trinh chuyển ngữ