Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

Nocturne Op.48 No.2, cung Fa thăng thứ của F. Chopin

       Vào thế kỉ 18, nocturne (dạ khúc) là một thể loại soạn cho dàn nhạc thính phòng gồm nhiều chương gần giống với serenade thế kỉ 18, thường được chơi tại các bữa tiệc đêm. Các nocturne, mà tên tiếng Ý là notturno, chủ yếu lấy cảm hứng từ đêm hoặc gợi lên không khí của đêm.

       Đến thế kỉ 19, một nhà soạn nhạc người Ireland là John Field đã sáng tạo ra kiểu norturne chỉ có một chương dành cho piano độc tấu. Các nocturne Lãng mạn của John Field mang đặc trưng giai điệu có thể hát lên được (cantabile) và sử dụng nhiều hợp âm rải. 

      Nhưng nhắc đến nocturne Lãng mạn thì không thể không nhắc đến tên tuổi Frédéric Chopin - người kế thừa và đưa thể loại này lên đỉnh cao. - người được mệnh danh là “nhà thơ của cây đàn piano”. Trong số 21 bản nocturne của Chopin, hầu hết đều là các kiệt tác của thể loại nói riêng và của âm nhạc cho piano nói chung.

      Nocturne op. 48, No.2, cung Fa thăng thứ Chopin sáng tác năm 1841 – thời gian ông đang ngập tràn trong hạnh phúc với George Sand (Aurore Dudevant– quả phụ của nam tước Casimir Dudevant) tại điền trang của G. Sand…

 



Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

BÓNG THIỀN

Truyện ngắn NGUYỄN ANH TUẤN (Nhà văn - Đạo diễn điện ảnh)

 Trong khuôn viên một ngôi chùa nhỏ rêu phong và rợp bóng cổ thụ ở rất xa Kinh thành, Nhật Tôn ăn vận lối hành giả bước đi với dáng vẻ không giống ngài mọi ngày…
Chuông, mõ và tiếng tụng kinh chiều bắt đầu lan tỏa không gian tĩnh lặng thoảng hương ngâu, hương nhài. Nhật Tôn bất giác chùng bước lại, hít một hơi thở sâu, rồi cũng chắp tay niệm theo. Cảnh vật này đã in đậm trong tâm khảm ngài từ hồi tóc để chỏm, sau những lần theo Thái thượng hoàng tới thăm thú các vùng Long Hưng, Tức Mặc, Vũ Lâm(1). Và cũng tại một chùa quê, ông nội ngài thốt lên những lời tưởng kỳ quặc: “Ta xem ngai vàng như chiếc giày rách, bỏ lúc nào cũng được”. Giờ ngài chợt như được nghe tiếng nói đó dội về từ một chốn sâu thẳm và ngộ được hết ẩn ý sâu xa của chúng.
Sau khi truyền ngôi cho thái tử Trần Thuyên, ngài bắt đầu thực tập xuất gia như hằng nguyện. Ngài vừa trải qua một thời gian khá dài sống ở Vũ Lâm giảng cứu Đại tạng kinh, tu tập mười hai hạnh Đầu đà(2). Giờ đây, ngài thỉnh thoảng tới các chùa quê vãn cảnh, tham thiền và khảo cứu tinh thần Phật pháp trong dân gian- như một nhu cầu nội tâm không cưỡng nổi mà ngài chưa tự lý giải được. Cũng có thể do ngài vốn không hề có cảm tình, thậm chí ác cảm với những ngôi chùa to rộng do các vương hầu, chúa đất đổ tiền của xây cất. Hồi còn là một hoàng tử thiếu niên, ngài đã nghe câu chuyện về một đại vương dựng phủ đệ lộng lẫy quá mức, thượng hoàng nghe tin sai người đến xem, ông ta hoảng sợ phải bày tượng Phật để thờ, sau phủ đệ ấy buộc biến thành chùa! Mấy năm qua, kể từ khi giặc Nguyên bại trận lần thứ ba tại Đại Việt, thiên hạ thái bình, thói hưởng thụ đầy thách thức “một người đội ơn vua, cả nhà ăn lộc trời” bắt đầu tác oai tác quái cùng với chùa to phủ lớn, lâu đài cung thất nguy nga đua nhau mọc lên… Hồi chiến sự căng thẳng là thế, nhưng giữa hành cung Vũ Lâm – tổng hành dinh cự giặc của triều đình, ngài vẫn có thể cảm nhận được “mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng lại” (Thấp vân như mộng viễn chung thanh)… Thế mà bây giờ, sao ngài lại cảm thấy một cái gì ngột ngạt, nặng nề?
Đây là lần thứ hai ngài tới ngôi chùa quê này. Và có lẽ ngài còn phải lui tới đôi ba lần nữa. Không chỉ vì cảnh vật thanh u hợp với tâm tính ngài. Cũng không chỉ vì hứng thú với cuộc chuyện trò cùng sư trụ trì khá thâm hậu trong các công án Thiền và còn giữ nhiều nét dân dã. Càng không phải vì một ni cô xinh đẹp mới xuống tóc. Nhưng thực ra, cái nguyên cớ thật sự chính lại là ni cô kia…
Lần đầu tiên, lúc ni cô dâng khách hành hương bát nước nụ vối, Nhật Tôn thoáng gặp cái sầu thảm mênh mông vụt hiện trên vẻ thơ ngây thánh thiện của cô. Ngài choáng váng. Ở cô có gì hao hao với công chúa nhỏ Huyền Trân, đứa con gái yêu vẫn chơi đùa cùng thị nữ trong ngự uyển, thường theo ngài tới các chùa vùng Kinh Bắc, Sơn Nam, Hải Đông dự lễ chay đàn, nghe giảng kinh Phật. Cô gái kia, tuổi trăng tròn, lóng lánh ngọc nữ, mộng mị sương thu lại khoác bộ nâu sòng, chít khăn thị giả và ẩn giấu nỗi buồn héo quặn cả cánh sen gỗ.
Ta vốn công danh chẳng trọng, phú quý chẳng màng, sống đạm bạc dứt trừ vọng niệm, ngồi trong nhân thế, chẳng quản sự đổi thay đã đành.
Nhưng còn con, giống như con gái ta, người mà mỗi bước đi bên hoa cũng khiến ta ứa lệ hân hoan.
Mỗi ánh chau mày của con khiến đức Phật trên đài cao cũng mỉm cười độ lượng
Vì sao con sớm lìa bỏ niềm vui thú nhân gian?
Nhật Tôn ngỏ lời với sư trụ trì xin được gặp ni cô. Ông thầy chùa nhìn vị hành giả thoáng dò hỏi, rồi gật đầu. Nhưng ni cô đang trong giờ tụng niệm. Ngài đành đứng ngoài chính điện chờ, lầm rầm niệm theo.
Con ơi, Tuệ Trung Thượng sĩ thầy ta từng dạy: “Khi mê không biết ta là Phật – Khi ngộ thì ra Phật là ta”.
Con hãy làm Phật trong cánh tay vỗ về của người thân.
Bữa ăn dù chỉ dưa cháo năm thất bát, song thân tâm vui vẻ, giới-lòng còn quý hơn giới-tướng.
Con đâu cần rũ hết trần duyên để tìm giải thoát nơi khổ hạnh, bởi đó đâu phải là sứ mạng của con!
Muốn giới – tuệ(3) đâu cần bước vào cỗ xe lớn nhỏ của Phật – Pháp -Tăng?
Trong lúc chờ đợi, Nhật Tôn ngồi đàm đạo cùng sư trụ trì hồi lâu. Về giáo lý Thiền tông, Tịnh độ tông. Về phong thủy của chùa. Về chư tăng ni, Phật tử quanh vùng. Rồi đến nguyên cớ cô gái quy y Tam Bảo… Nhật Tôn hình dung ra cuộc trò chuyện sắp tới với ni cô.
- Thầy trụ trì đã kể về con ít nhiều. Nhưng ta muốn nghe trực tiếp từ miệng con.
- Thưa đại Đầu đà, gia cảnh con buồn lắm, ngài cần biết làm gì?
- Ai mà chẳng có nỗi sầu bi hở con? Biết đâu chúng ta sẽ san sẻ được cho nhau để vợi bớt…
- Vâng, nếu vậy con xin kể… Cha con là lính cũ đánh giặc Thát Đát cả hai lần sau. Ông nội con thì ở đoàn dũng binh năm Nguyên Phong thứ ảy…
- À, đó là năm Thái thượng hoàng của ta rất vui trước niềm tự tin của Thái sư Trần Thủ Độ: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ chớ lo gì”.
- Cả ông nội và cha con đều là gia nô của vương hầu Quý Thịnh…
- À phải, họ có trang ấp cực lớn phía tây nam Kinh thành!
- Cha con sau bao trận mạc cùng chủ trở về, thấy chủ được triều đình cấp đất thưởng công hậu hĩ, còn mình lại hoàn nguyên thân phận cũ thì bất bình lắm.
- Nếu là ta, thì ta cũng bất bình chứ sao!- Nhật Tôn buột miệng.
Ni cô hơi ngỡ ngàng, thoáng nhìn vị khách lạ. Cô chỉ thấy một bức tượng đá.
- Nhưng rồi ông cũng an phận, hy vọng được ban chút lộc rơi để dựng lại nếp nhà nhỏ chỉ đợi sập và chăm lũ con ốm o đói rách…
Cô gái chợt im bặt.
- Sao nữa, con cứ nói chớ e ngại.
Cô gái mím môi giây lát rồi bật ra:
- Vâng, chờ đợi đến tuyệt vọng…
- Kỳ lạ thế? Ta được nghe kể: vợ chồng vương hầu đó là những người hào hoa, sùng Phật, sẵn sàng cúng hàng trăm mẫu ruộng cho chùa chiền, chi hàng trăm lạng bạc để mời một gánh hát về diễn vở “Bàn đào Vương Mẫu” và các điệu vũ Nghê thường hết đêm này qua đêm khác, rồi cùng bạn quý tộc bốn phương tới thưởng lãm thơ ca, trà đạo, quốc họa Trung Hoa cơ mà?
- Vâng ạ, họ còn lập hội chơi chim, hội chọi gà, hội tao đàn chuyên ngợi ca chiến tích và họa thơ của các hoàng đế, các bậc khai quốc công thần…
- Nhục nhã thay!
Nhật Tôn bất giác thốt lên. Ni cô ngỡ vị hành giả mắng mình thì sợ hãi. Nhưng thấy mình nhầm, cô bèn mạnh dạn tiếp:
- Nhưng thưa ngài, không ít người dưới quyền họ phải trốn sang các trang trại của địa chủ mới để khỏi bị chết đói và thoát phận nô tỳ…
- Họ có thoát được không?- Nhật Tôn vẻ nóng ruột lo lắng
- Dạ, phần lớn bị bắt trở lại, bị hành hạ…
- Còn cha con và các nô tỳ khác?
- Cha con tụ tập mọi người tới gặp chủ nô, cắt phăng tay áo để lộ chữ “Sát Thát” nhất loạt giơ lên, kêu to: “Hãy chẩn cấp để cứu sống gia đình chúng tôi!” Trước đó, cha con có nhờ một nho sĩ không đỗ đạt thảo đơn kêu cứu gửi quan phủ, nhưng tờ đơn được chuyển ngay về trang ấp…
- Kết cục ra sao?
- Dạ, gia binh của vương hầu và lính quan phủ thả cửa đàn áp. Nông nô bị lột trần treo lên các xà nhà của trang ấp, bị đánh bằng côn, gậy trúc, roi ngựa, roi cá đuối…
Ngài nhắm nghiền mắt lại, khẽ lắc đầu.
- Con đã quỳ lết dưới chân chủ nô van lạy…
Ngài mở bừng mắt ra:
- Con cứu được cha con chứ?
Cô gái lắc đầu, ứa nước mắt:
- Ông bị quy kết là chủ mưu phản nghịch, một tội tày đình mà “nếu không phải bị trừng trị ở trang trại thì đưa lên công đường sẽ không được chết toàn thây”. Một quản gia an ủi thế… Mẹ con uất ức lâm bệnh chết. Lo xong mộ phần cha mẹ, con đưa mấy đứa em tới bà con xa gửi gắm, rồi tìm đến cửa Phật. Sư thầy đặt cho con pháp danh Diệu Hạnh…
Từ lâu nay, Nhật Tôn thường tâm niệm: “Muôn nghiệp lặng, an nhàn thể tính”. Vậy mà lúc này ngài cảm thấy khó kìm giữ được nỗi căm giận thiêu cháy mọi sự tĩnh tâm thiền định hằng có. Vị thượng tọa nơi đồng nội hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Người khách lạ dáng vẻ uy nghi, trầm tĩnh, thần thái vương giả, trí huệ sáng láng, thông tuệ kinh điển Tam Tạng không kém một vị cao tăng, nhưng sao lại có khoảnh khắc chấn động tâm can dữ dội? Ánh mắt như sắp phóng lửa, đôi vai khắc khổ run lên trong tấm áo gội nắng dầm sương của vị Đầu đà. Rồi cơn tâm chấn cũng mau chóng lặn vào trong. Lúc đó Nhật Tôn vội vã chào ra về, không muốn vô tình làm động chốn thiền môn.
Chỉ ngay chiều hôm sau, ngôi chùa nhỏ lại đón bước ngài. Câu chuyện về ni cô dường làm ngài già thêm cả chục tuổi! Lại còn chuyện: mấy hôm trước, Quan gia Anh Tông cấp báo cho ngài năm nay lại mất mùa lớn hơn mọi năm, đói rét hoành hành các làng mạc, đây đó người chết đói dọc đường. Trong dân, nhất là hàng ngũ gia nô các thái ấp điền trang nảy nhiều kẻ trộm cướp. Giữa khi có những vương hầu đánh bạc mỗi tiếng bạc đặt tới hàng chục, thậm chí hàng trăm quan, thì dân có người đã phải bán con làm nô tỳ để lấy một quan tiền chỉ mua được ba thăng gạo! Dù ngài đã hồi âm ngay cho Quan gia xuống chiếu phát thóc công chẩn cấp dân nghèo và miễn thuế nhân đinh, song đó chỉ là muối bỏ bể! Lòng người ly tán, nỗi oán hận âm ỉ có cơ loang rộng tận thôn cùng ngõ vắng. Trong lúc đó, phía Bắc, lũ giặc cướp nhà nghề dù có tìm mọi cách thôn tính lẫn nhau nhưng đều ôm mộng làm bá chủ thiên hạ, vẫn đang ráo riết chuẩn bị và tiến hành những thủ đoạn thâm độc nhất để khi có dịp sẽ lập tức ăn tươi nuốt sống giang sơn của ngài.
Phất mạnh cánh tay áo như để dứt bỏ phiền não, sân hận, Nhật Tôn rảo bước quanh chùa, rồi vào chính điện, hy vọng tìm được ngay ni cô Diệu Hạnh. Ngài sẽ hỏi cô cho ra nhẽ. Chuyện cần được sáng tỏ và đi đến chung cục như mọi đại sự quốc gia ngài đã thực thi. Vương triều đang ở đỉnh cao quyền lực và tinh thần Phật pháp, lẽ nào cứ để ngang ngược chuyện vô đạo! Và cần trả lại công bằng cho cô gái. Cô đã buộc phải xuất gia chứ không hề tự nguyện. Cô cần được trả về sống giữa trần thế, với những gì thiên phú thiên bẩm, và như thế cô mới thực sự là Phật theo cái nghĩa tinh túy mà Đại tạng kinh ẩn chứa…
Nhật Tôn bắt gặp ni sư trẻ đang lúi húi sắp xếp hương hoa trong Phật điện gần gũi ấm cúng, giữa ánh nến lay động. Ngài chợt sững lại. Mọi ý định, mọi điều muốn nói bỗng tan loãng theo làn hương trầm… Đôi bàn tay tựa búp măng trắng ngà vuốt nhẹ từng cánh hoa. Nét mặt non tơ hồng hào của trẻ thơ. Cái miệng dù rất nghiêm trang mà sao cứ muốn cười, muốn hát. Một cánh hoa mai mang làn gió xuân lạc vào giấc mộng. Phật đâu xa. Cô gái đương hiển hiện là một Quán Âm Bồ Tát. Một sự hoàn hảo thuần khiết làm lồ lộ nhức nhối thêm những ô trọc nhân gian. Thực đáng dâng hiến máu xương trí lực để bảo vệ một vẻ đẹp diệu ảo đến vậy của trần thế. Đâu phải thanh sắc thông thường. Đó là hiện hữu giúp soi tỏ thêm lẽ huyền vi Phật pháp, cái mà bao thế lực hắc ám cùng âm binh trong và ngoài biên giới đương hoảng sợ tìm cách hủy diệt…
Chính lúc đó, một tin đồn đang rần rật khắp chốn lại hiện về thành lưỡi gươm sắc bổ thẳng vào ngài. Trâu Tôn, một kẻ tự xưng là danh y kiêm đạo sĩ thần thông người Tàu có khả năng chữa bệnh liệt dương bằng phương thuốc: giết đứa bé trai moi lấy mật hòa uống với thuốc dương khởi thạch và thông dâm với phụ nữ là chị em ruột. Vậy mà hắn được không ít bậc thế gia, quý tộc tranh nhau mời đến phủ đệ coi như thượng khách. Hắn vốn là kẻ đi theo quân Nguyên vào nước ta rồi bị bắt cùng đám tù binh. Hắn ở lại Đại Việt lấy vợ sinh con, truyền nghề cho con trai nhỏ là Trâu Canh, chữa bệnh cho các vương hầu, được cấp ruộng và nô tỳ rồi trở nên giàu nứt đố đổ vách. Có ngôi chùa lớn, dưới sự bảo trợ của vương hầu còn mời hắn về dạy các pháp thuật phù thủy, bày cách luyện đan trường sinh bất lão. Triều đình đã có chỉ dụ truy bắt Trâu Tôn, dọa khép tội nặng những ai truyền bá về cách chữa bệnh khủng khiếp cùng những trò bịp bợm đó, song hắn đã là kẻ “bất khả xâm phạm” nhờ không ít nhân vật có “máu mặt” trong – ngoài triều. Và tin đồn về thứ “thần dược” ghê sợ cùng những trò quái đản kia ngày càng len lỏi ăn rễ sâu vào những tâm hồn bạc nhược mà cơ thể lại sung mãn bởi yến tiệc đàn hát và lòng kiêu ngạo chiến thắng. Nhật Tôn hơi nhăn mặt lại đau đớn. Một cảm giác ghê tởm hóa thành những cô hồn, ngạ quỷ dẫm đạp trái tim Phật của ngài… Ngài đâu thể lường nổi: ngót nửa thế kỷ sau, hậu duệ của ngài là Dụ Tông hoàng đế sẽ mời con trai tên thầy thuốc vô đạo làm hầu cận thân tín, sẽ áp dụng chính phương thuốc kia và dung túng bao che cho Trâu Canh làm đủ chuyện ô nhục – điều đó sẽ được ghi lại trong chính sử như một vết nhơ không thể gột rửa được của triều Trần!…
Giờ đây, nếu đối diện ni cô, ngài sẽ phải nói gì? Làm sao khỏi chạm vết thương lòng đau nhất của người phải chứng kiến máu túa ướt đẫm nơi hiệu lệnh đồng tâm diệt giặc của cả dân tộc hằn sâu trên cánh tay cha mình? Ngài phải giải thích thế nào về cách ứng xử đốn mạt của kẻ đã từng là “phụ tử chi binh” với cha cô? Ngài phải nhận trách nhiệm như thế nào về mình? Nếu nghiệp của cô gái là phải trở thành Phật trong chùa quê, thì một hành động ép uổng nào đó biết đâu chẳng ném cô vào chốn tu hành khác chỉ diễn các trò phù phép nhằm trục lợi giờ bắt đầu len lỏi khắp Đại Việt?… Trên đầu cô gái như hiện ra ba quầng sáng mà gần đây ngài thường thấy trong mộng, biểu tượng cho ba vòng tròn đồng tâm Việt tính – Nhân tính – Phật tính. Phải làm sao đây cho bách tính hiểu rõ: gốc Việt chỉ được vun đắp và tươi tốt khi lòng nhân sâu bền, và lòng nhân sâu bền chỉ có thể được duy trì chừng nào Phật pháp được chăm lo thực sự, đi con đường đúng đắn. Nhưng thế nào là đúng đắn? Nhật Tôn bỗng hoang mang. Phải chăng triều đại của ngài bắt đầu bước vào thời mạt chính, cũng có nghĩa là kéo theo thời mạt pháp? Chuông chùa thu không đã vang lên Bính… Boong… Bình… Boong… Âm điệu đó tựa lời than thở Hỏng… rồi… Nguy… rồi… Nhưng với ngài trong khoảnh khắc ấy chẳng khác hồi trống ngũ liên báo động thời chiến trận.
Ni cô vẫn chăm chú công việc. Hết trong Phật điện lại vào tăng đường, rồi ra sân sau chùa, không hề biết có người quan sát mình. Kìa, dáng cô quét dọn nơi thanh vắng còn có lúc như nhảy lò cò – một trò chơi mà xưa kia, có lần ngài thấy trẻ mục đồng ở Tức Mặc đã chơi. Nhật Tôn lúc nép mình vào lưng tượng Kim cương Hộ pháp, lúc vờ xem tượng Ananđà hoặc gốc si sần sùi, trộm ngắm nhìn cô mê mải…
Ni cô bất chợt đi tới gần, ngài vội giơ tay chắp: “A di đà Phật”. Ni cô cúi đầu, chưa hết vẻ e thẹn trinh nữ trước đàn ông, dù đó là một hành giả. Cô chắp tay: “Mô Phật” tựa một hơi thở nhẹ rồi lẹ rảo bước. Ngài đã để tuột mất một cơ hội gặp gỡ trực tiếp. Và biết đâu, đó là cơ hội duy nhất. Trong thoáng chốc, ngài nảy ước muốn chạy theo, nhảy lên phía trước chặn đường để buộc cô trò chuyện, như một người còn ở tuổi tráng niên có thể làm; ni cô muốn nghĩ gì thì mặc, hơn nữa, ngài đâu có nét gì của kẻ ưa sắc dục hoặc lục lâm thảo khấu!
Nhưng ngài chỉ đứng nhìn theo dường hóa tượng.
Là một hoàng đế – thi sĩ, ngài đã chứng kiến và ca ngợi bao vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là nơi thôn trang vùng Thiên Trường. Ngài cũng quá quen thuộc với những cung nữ son phấn, trang điểm từ gót tới đầu, học đi đứng khuê các… Song tận mắt ngài chưa bao giờ được thấy một vẻ đẹp thôn nữ đượm phù sa chân chất, không trâm cài, không vòng ngọc, không điệu đàng mà lại khiến thi hứng dào dạt như bây giờ. Chỉ có điều, đó không phải là thi hứng của một thái tử đang thời kỳ yêu đương và nghiền ngẫm đạo lý, binh thư, hay của một ông vua trẻ khoác chiến bào xậm bụi khói.
Này con, người xưa đã không muốn dẫm lên vết chân đức Như Lai thì con hãy tránh dẫm lên vết chân của những kẻ giả tu hành, giả Phật, thậm chí họ còn không biết là giả nữa bởi món ăn của kẻ ngoại lai giàu tham vọng thường làm mê muội nhiều thế kỷ.
Họ mờ mịt như kẻ quay mặt vào tường, con đừng quan tâm đến họ.
Con hãy làm Phật trên mảnh đất cấy cày phủ sương đêm, trong ruộng dâu tằm ngút ngát, nơi bến sông trăng đập vải, và cùng lắm hẵng làm Phật dưới Tam Quan
Dù con có là ai thì non sông cẩm tú này cũng thuộc về con, con hãy giữ lấy bằng mọi giá, kể cả cái chết.
Đó không chỉ là sự răn bảo của đấng cao xanh, đó còn là đòi hỏi của bản thể chân thực và thiêng liêng của con trong kiếp này- điều ấy sẽ tạo ra chính mệnh(4).
Như thế cũng có nghĩa là con sẽ  thoát khỏi ma-giới mà bước vào Phật-giới.
Và có điều ta cần  nói, coi như thay lời trăng trối xót xa của cha con:
Hãy làm mọi điều để hai chữ “Sát Thát” thích sâu trên cánh tay cha khỏi trở thành hư không và biến thành trò đùa cợt của những kẻ chỉ quý miếng ăn và địa vị của bản thân mình…
Khi cơn sóng thi hứng chưa lắng lại, cặp mắt của vị hoàng đế – thiền sư đã chợt nhòa lệ. Rất có thể đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng ngài khóc ra nước mắt.
Người ghi lại câu chuyện này không rõ Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông có trừng trị vương hầu vô đạo kia và tìm cách đưa cô gái trở về với đời thường hay không, nhưng đoan chắc một điều: cuộc gặp gỡ gần như “vô ngôn” với ni cô Diệu Hạnh trong một ngôi chùa quê đã là giọt nước làm tràn cốc nước, khiến ngài có một quyết định chấn động triều đình và thiên hạ. Ở tuổi ngoại tứ thập, sau khi đã “thận trọng trước sự răn bảo của trời, làm hết phận sự của người” như sử gia Ngô Sĩ Liên đời sau bình luận, ngài rời bỏ tất cả, thượng sơn tới một vùng cao ngất, hoang sơ và nguy hiểm phía Đông Bắc là núi Yên Tử để tiếp tục tu hành. Ngài thực hiện cái di nguyện của ông nội Thiền sư Trần Thái Tông. Cũng là ước nguyện của ngài tự thuở hoa niên… Ngài đã mở ra một dòng mới của đạo Phật, thâm sâu, thuần Việt – dòng Thiền nhập thế Trúc Lâm Yên Tử, và trở thành vị Vua-Bụt duy nhất của nước ta. Lý do sâu xa của hành trạng đó, dù đã có nhiều bậc trí giả xưa nay dày công nghiên cứu giải thích, nhưng cho đến bây giờ vẫn còn là một bí ẩn lớn.
___________________________________
1. Long Hưng thuộc Thái Bình, Tức Mặc – Thiên Trường thuộc Nam Định, Vũ Lâm thuộc Ninh Bình.
2. Tu hạnh Đầu Đà là tu theo các công thức: ở nơi hoang vắng, ăn ít, ăn một bữa, mặc áo rộng, luôn ngồi chẳng nằm…Và đặc biệt với Trần Nhân Tông là tu theo tư tưởng trọng đạo nghĩa, lánh thị phi, ghê thanh sắc, sống cuộc đời thanh đạm, nhàn tản vô vi…( Cư trần lạc đạo phú )
3. Giới (Biết điều răn cấm để không phạm lỗi lầm), Định (Không để tâm trí bị tán loạn), Tuệ (Trở nên sáng suốt) – theo Phật giáo, đó là tiến trình để đạt tới sự giác ngộ.
4. Tức lòng dạ ngay thẳng không lừa lọc. Là một trong những phép của Bát chính đạo (Đạo đế), thuộc Tứ diệu đế – lý thuyết cứu khổ của đạo Phật.

Hà Nội, cuối đông 2012

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

TÍNH DÂN TỘC TRONG ĐIỆN ẢNH PHẢI CHĂNG LÀ MỘT THỨ XA SỈ PHẨM ?

Đạo diễn-nhà văn  NGUYỄN ANH TUẤN
Nhân Hội thảo: Tính dân tộc trong phim truyện VV(Tại Hà Nội, 30-8-2013)

Tôi phải xin lỗi trước với một tiêu đề như vậy- đó là một cách để bản thân tôi tránh xa những người thường mang cái gọi là “Tính dân tộc trong Đ/Ả” ra làm khiên che, làm bùa hộ mệnh cho những yếu kém trong tác phẩm của mình, tệ hơn là lấy nó làm “ông ngáo ộp” dọa người khác. Điện ảnh là một ngôn ngữ quốc tế, và nói như nhà điện ảnh học người Pháp Georges Sadoul: “là quan trọng nhất trong các nghệ thuật, đồng thời cũng là phổ cập nhất, tại các nước XHCN cũng như tại các nước tư bản CN” (LSĐA thế giới, NXB Ngoại văn & Trường ĐHSK-ĐA HN- trg 7). Nhưng phổ cập nhất, cũng có nghĩa nó cũng mang ở nội hàm của nó tính dân tộc khi phim nói tiếng của chính cái nơi mà phim được sản xuất-phát hành…
Hồi mới về Xưởng phim truyện VN (sau thành Hãng PTVN) hành nghề, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là khi xem một bộ phim chiếu bản đầu tại cơ quan (tức là bản phim positif vừa hoàn thiện còn “tươi dãy đành đạch”, bản chưa phát hành): phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tới đoạn nhân vật Duyên (Ái Vân đóng) xem hát chèo “Trương Viên” trong sân đình, khi Trương Viên chia tay dặn dò người vợ để rồi sau đó cùng các trai tráng lên đường chống giặc, tôi đã không cầm được nước mắt. Lúc đó, nếu ai thuyết phục tôi rằng: cảnh gây xúc động đó là một thành công đặc biệt của tính dân tộc, tôi sẽ tin sái cổ. (Và hồi đó, bên cạnh những lùm xùm gây khó dễ cho tác giả phim là “đã tuyên truyền mê tín dị đoan” khi đưa lên màn ảnh phiên chợ Âm Dương”- cũng là một thứ dân tộc tính!- thì những lời khen phim tràn ngập cũng chủ yếu xoáy sâu vào “Tính dân tộc” của bộ phim). Nhưng với năm tháng, suy xét lại, tôi thấy rằng cái hay cùng những thành công của bộ phim này đâu phải là do “Tính dân tộc” mà người ta đã gán ghép một cách ép uổng! Người xem nước ngoài phần lớn đâu có hiểu/ thích chèo cổ VN, phiên chợ Âm Dương của đất Kinh Bắc…, nhưng sao họ thích thú, và đánh giá bộ phim trên là một trong 10 phim hay nhất của Châu Á thế kỷ XX? Đoạn trích chèo cổ đó thực ra đã được tác giả tính toán kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và đưa vào đúng chỗ, để nó trở thành một tình tiết hữu cơ & quan trọng của đường dây câu chuyện – xung đột phim, khiến người xem tới lúc đó hoàn toàn đồng cảm với tâm trạng & hoàn cảnh của nhân vật chính (Duyên). Khi ấy, tiếng hát nghẹn ngào của diễn viên chèo (dù âm thanh phim hồi đó rất tồi), áo mớ bảy mớ ba, giọt nước mắt chia ly của người đi người ở lại… mới có thể góp thêm ngọn gió đưa cảm xúc người xem phim bay lên!…
Trong phim của ta mấy chục năm qua, không hiếm những bộ phim hoành tráng có những yếu tố hình thức hứa hẹn về “Tính dân tộc” cũng hoành tráng chẳng kém, thế nhưng khi xem xong, đa số người xem ngẩn ngơ: Ừ, đúng là có nhiều nét dân tộc thật, song tại sao ta không thấy xúc động, không lưu lại được điều gì để ngẫm nghĩ?
Tôi xin phép dẫn vài ví dụ.
Bộ phim “Mê thảo- thời vang bóng” (đạo diễn Việt Linh) đúng là “chuột sa chĩnh gạo dân tộc” nhé: ở đó có những phụ nữ mặc váy yếm, những điệu hát ca trù, những chiếc đèn giời, sinh hoạt của giới địa chủ, nghề làm tơ tằm, những cuộc biểu diễn nghệ thuật truyền thống (mà cảnh trò vợ trẻ cõng chồng già sẽ còn gây được hiệu quả ít nhiều nếu như nó không từng bị nhàm chán vì lạm dụng trong một phim lịch sử cách đây mấy chục năm!)… Quả là một cuộc triển lãm dân tộc học tưng bừng về Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX! Nhưng xem xong phim, nhiều người thấy thiêu thiếu một cái gì… Hóa ra, cái thiếu đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất… Cảm giác bao trùm đối với nhân vật chính trong gần hết bộ phim là một sự ghê rợn, kinh sợ bởi những hành động chẳng ra người chẳng ra thú. Người xem buộc phải trở lại câu hỏi day dứt: vậy bộ phim được làm ra để làm gì? Cả một bộ phim tốn kém dài hơn trăm phút không lẽ chỉ nhằm đưa ra một lời khuyến cáo đơn giản sau cùng và cũng đầy khiên cưỡng: “mọi sự mê muội đều phải trả giá”? Tiếng hát ca trù của cô Tơ cùng tiếng đàn “chảy máu năm đầu ngón tay” của quản Tam dù có rung động lòng người dẫn đến cái chết cứu mạng ân nhân của Tam cũng không giúp gì nhiều cho phim khi phim đã không có cái cột trụ vững chắc là một tư tưởng nghệ thuật sâu sắc.
Hay như phim “Đất nước đứng lên” (đạo diễn Lê Đức Tiến). Phụ nữ Tây Nguyên thời đó thường ở trần, theo phong tục, và cũng bởi nghèo túng; nhưng ở trong bộ phim này, những phụ nữ trẻ để trần lộ cả hai bầu vú đầy đặn lại được mặc những chiếc váy mới có thêu hoa văn rất đẹp. Dân tộc tính quá chứ gì? Bộ phim còn đầy ắp những chi tiết phong tục, thừa thãi những cảnh quay về sinh hoạt văn hóa dân gian; song chúng ít được gắn với những tâm trạng, những cảnh huống kịch tính, những số phận cụ thể, và chính vì thế cái ấn tượng ôm đồm, tham lam, phô bày một cách cố tình lại càng nổi cộm trong khán  giả (Ví dụ tiêu biểu nhất là đoạn những bức tượng nhà mồ được gom lại và được ống kính máy quay miêu tả như một cuộc triển lãm tượng!) Khi người xem được thông tin rằng (chỉ bằng một lời thoại): địch có âm mưu sẽ lấy hết dụng cụ lao động bằng sắt của nguời Kông Hoa, thì liền sau đó được xem những cảnh chặt cây cổ thụ bằng đá sắc cạnh! Địch có phép thần thông biến hóa hay sao mà người dân Kông Hoa di chuyển lên núi đựợc an toàn kể cả mọi vật dụng gia đình nhưng lại không giữ nổi các đồ dùng lao động bằng sắt- vật dụng có ý nghĩa sống còn đối với người dân miền núi?! Nếu các nhà làm phim có ý định thần thánh hóa kẻ địch thì cũng nên dành vài mét phim để thỏa mãn óc tò mò của khán giả và tăng thêm yếu tố ly kỳ bên cạnh tính dân tộc đã đậm đà sẵn (ví như cho tên quan ba Pháp đọc câu thần chú chẳng hạn!!!) Ngay sau những cảnh quay mô tả kỹ lưỡng việc chặt cây rừng bằng đá với những bàn tay bật máu ra sao, người xem thấy xuất hiện lừng lững một ngôi nhà rông khổng lồ với những tấm ván xẻ cỡ lớn- có quay đặc tả. Điều phi lý như vậy cũng xảy ra khi người làm phim cho các diễn viên đóng lính Tây cứ tập trung vào một chỗ để dân làng Kông Hoa tha hồ bắn, giết cho hả dạ. Đánh Tây, giết Tây ở một vùng Tây Nguyên thời ấy dễ như thế sao? Hay người làm phim cho rằng để xây dựng lên một huyền thoại về những người dân Tây Nguyên anh hùng thì chẳng cần đếm xỉa đến tính hợp lý, đến sự thật, kể cả sự cảm thụ của người xem bình thường, và như vậy mới làm tăng thêm tính dân tộc? Giữa núi rừng Tây Nguyên trùng điệp và âm thanh của cồng chiêng, giai điệu trữ tình mang bóng dáng đồng bằng Bắc Bộ của một bài hát rất hay như “Bộ đội về làng” (nhạc sĩ Lê Yên) bỗng trở nên vá víu, lạc lõng đến tội nghiệp! Ai dám bảo hai bộ phim kể trên thiếu “Tính Dân tộc”? Thế nhưng sự thừa thãi dân tộc tính kiểu như thế, theo thiển ý của tôi, thì tính dân tộc đúng là một thứ xa xỉ phẩm của Điện ảnh!
Vấn đề “Tính dân tộc trong ĐẢ” qua việc làm phim ( và các hội thảo về phim) của ta lâu nay thường vẫn cứ bị đánh lộn sòng, bị thả hỏa mù như vậy; trong khi đó, cái người xem cần không phải là những cuộc trưng bày “mãn nhãn” về dân tộc, mà là một cái nhìn mới, một cảm xúc mới sau khi màn hình hiện lên chữ Hết phim. Như thế, yếu tố dân tộc trong phim thể hiện qua bối cảnh, phục trang, hóa trang, lễ hội… xét cho cùng chỉ góp phần vào chất “kỳ” (ésotique), chỉ là yếu tố phụ trợ, đứng sau những yếu tố nội dung- tư tưởng của phim, chúng được nhà làm phim xử lý một cách nghệ thuật- qua cấu trúc phim, lý giải nhân vật, chi tiết đời sống chắt lọc, v.v. Hay nói chính xác hơn, cái được gọi là “tính dân tộc” đó phải chìm lặn tự nhiên trong tâm lý tính cách nhân vật có sức thuyết phục, trong các tình huống phim được thiết kế hợp lý. Một cảnh phim, chứ chưa nói đến cả một bộ phim, để người xem có thể chấp nhận, ít nhất phải chứa đựng tính chân thực của đời sống; còn tính dân tộc – nếu có, thì cũng bắt buộc phải mang yếu tố phổ quát có tính nhân loại. Những bộ phim kinh điển thế giới như: Chiến hạm Pachômkin, Người thứ bốn mốt, Đàn sếu bay (Nga), Kẻ cắp xe đạp, Rôm lúc 11 giờ, Anh em nhà Rôccô (Ý), Sự ra đời của một quốc gia, Cuốn theo chiều gió, Công dân Kên (Mỹ), Ratsômông, Đảo trụi (Nhật), Cái sừng dê (Bungari), Nhạc trưởng (Ba Lan)…; hoặc gần đây nhất là những phim được trao giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học-Nghệ thuật ĐẢ Hoa Kỳ, Cành Cọ Vàng của LHP Cannes như: The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua), The Artist (Nghệ sĩ ), The Tree of Life (Cây đời), v.v. khi làm ra đâu có cần đến khẩu hiệu “Nâng cao tính dân tộc trong phim” để có thể chinh phục hàng bao thế hệ khán giả khắp thế giới ?!

Hà Nội, tháng 8-2013

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

CÂY PIANO MÀU HUYẾT DỤ*

Joe Edwards

   Nhiều năm trước, khi còn là một thanh niên hai mươi tuổi, tôi làm nhân viên bán hàng cho một công ty bán đàn piano tại Saint Louis. Chúng tôi bán piano tới tất cả các tiểu bang bằng cách đăng quảng cáo trên các tờ báo của các thị trấn và sau khi nhận được đủ số trả lời đặt hàng, chúng tôi chất đàn lên xe tải, chở đi bán cho những người đã trả lời mua.
Cứ mỗi lần đăng lần quảng cáo tại vùng trồng bông ở Đông Nam Missouri, chúng tôi lại nhận được một trả lời của một bà già trên một tấm bưu thiếp: "Hãy chở đến đây một cây piano mới, màu huyết dụ, cho cháu gái nhỏ của tôi. Tôi có thể trả góp mỗi tháng 10 dollars tiền tôi bán trứng gà”. Bà già viết nguệch ngoạc kín tấm bưu thiếp, sau đó lại còn lật sang viết kín mặt trước và xung quanh rìa, chỉ chừa ra một chỗ vừa đủ để ghi địa chỉ.
Tất nhiên, chúng tôi không thể bán một cây piano với giá 10 dollars một tháng. Không một công ty tài chính nào sẽ buồn thực hiện một hợp đồng với các khoản thanh toán cỏn con như vậy, vì thế chúng tôi lờ những tấm bưu thiếp của bà già đi.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ VÀ TIẾNG ĐÀN DƯƠNG CẦM


   Tôi bảo hoạ sĩ Trịnh Tú, hồi nhỏ tôi hay đi qua phố nhà anh. Ấy là bởi đường tàu điện tuyến Bưởi từ Bờ Hồ đi dọc theo phố Quán Thánh. Tôi hay đi tuyến này đến cơ quan của bố mẹ.
Bữa đó, chúng tôi ngồi uống khuya hơn mọi bận, giáp noel, trời lạnh, càng khuya càng lạnh. Ngồi dài thế chả phải là để uống nhiều, chúng tôi không ai bảo ai, đều nhấp chầm chậm, đợi nghe hồi chuông nguyện nửa đêm bên nhà thờ Cửa Bắc vọng sang.
Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ. Năm 1968, ngôi nhà 108 Quán Thánh bị trúng bom B52, sập hết. Chả hiểu sao chỉ bộ bàn ghế này, cái be rượu sành và cây đàn dương cầm là gần như còn nguyên vẹn. Bộ bàn ghế, thiết kế kiểu art-décor, Á Âu kết hợp nay đã là đồ gia bảo. Một tác phẩm đặc trưng của Memo, hãng Furniture từ thời thuộc Pháp của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc (phụ thân anh Trịnh Tú).

Thứ Năm, 5 tháng 9, 2013

SỰ THẬT VỀ BAN NHẠC HUYỀN THOẠI TÀU TITANIC


Phần lớn người ta đều biết 2 điều về những nhạc công của tàu Titanic. Họ chơi bản "Nearer, My God, To Thee", khi con tàu gãy làm đôi và tất cả đều trượt chân khỏi sàn tàu, rơi xuống làn nước biển lạnh giá ở Bắc Đại Tây Dương cùng với con tàu. Khi lễ kỷ niệm 100 năm ngày xảy ra thảm họa chìm tàu Titanic tới gần, đã có thêm thông tin mới liên quan tới những con người dũng cảm này được hé lộ ra cho dư luận biết.
Ban nhạc đã chơi trên tàu Titanic gồm có 8 người, nằm dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Wallace Hartley.

Thứ Tư, 4 tháng 9, 2013

MÌNH THẬT VÔ DUYÊN KHI LÀM THƠ


Thế giới của mình là những giấc mơ
Là  bản tình ca với những nốt nhạc lòng bay bổng
Là những phím đàn  trắng đen tràn đầy hy vọng
Là những dòng nhật ký, những kỷ niệm thời thơ ấu mộng mơ

Mình chưa bao giờ viết được một vần thơ
Vậy mà một ngày kia bỗng trào dâng cảm xúc
Một sự vô tình bỗng trở nên hiện thực
Họa thơ ai, niềm thao thức với trăng mơ

Nocturne N.20 in C sharp Minor của Frédéric Chopin

              Nocturne No. 20 cung  Đô thăng thứ được Frédéric Chopin sáng tác năm 1830 còn có thể gọi là bản là nocturne xa xứ , vì ông viết bản này trước khi rời đất nước Ba lan ngày 2 tháng 11 năm 1830, và mãi mãi không quay trở lại. Tuy theo danh mục xuất bản nó mang số 20 (No. 20), nhưng thực ra đây là bản Noctune thứ hai cách nocturne thứ nhất (op.72 cung Mi thứ - E Minor) khoảng từ 1- 2 năm, sau khi Chopin qua đời, năm 1870 bản dạ khúc này mới được xuất bản.
           Nocturne No. 20 cung Đô thăng thứ mở đầu bằng một đoạn ngắn phần giới thiệu, giai điệu  chậm rãi, trang nghiêm, u buồn, sầu não. Tiếp theo, chủ đề chính u sầu được trình bày với những nốt láy duyên dáng, gợi nhắc không khí tĩnh mịch của đêm tối. Và, bầu không khí xúc cảm dần dần  sáng sủa hơn nhưng vẫn không thể nào xua tan được tính chất hoang vắng cô liêu  mà giai điệu mở đầu tạo thành. Chủ đề chính trở lại ở nửa sau bản nocturne nhưng giờ đây nó day dứt hơn. Nỗi buồn dần trở thành nỗi thất vọng tràn trề khi âm nhạc dịu dàng tắt lặng kết thúc tác phẩm.
          Bản Nocturne này đã được chọn sử dụng làm nhạc nền cho phần đầu và lúc kết thúc của bộ phim The Pianist nổi tiếng do đạo diễn người Ba lan Roman Polanski dựng thành phim dựa trên cuốn hồi ký cùng tên của nghệ sĩ dương cầm Ba lan gốc Do thái Wladyslaw Szpilman, người may mắn sống sót trong đợt tàn sát người Do thái của phát xít Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai.

Daniel Barenboim (1942) Nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ piano gốc Nga và Israel trình bày.



Và  đây là phần trình bày của Władysław "Wladek" Szpilman (1911 - 2000) - nghệ sĩ dương cầm và nhà soạn nhạc cổ điển người Ba lan gốc Do Thái.  Władysław "Wladek" Szpilman được biết đến rộng rãi khi  bộ phim “The Pianist” ( Nghệ sĩ dương cầm) năm 2002 do Roman Polanski làm đạo diễn  dựa trên cuốn hồi ký "The Pianist" kể lại sự tồn tại của ông  trong thời gian Đức chiếm đóng Warsaw và Holocaust được phát hành. Nhưng khi bộ phim được công chiếu thì ông đã không còn nữa.

Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

Ký ức tuổi thơ: Những ngày sơ tán

          Tôi nhớ  không nhiều những kỷ niệm mỗi lần theo bố mẹ đi sơ tán , vì tôi còn nhỏ, theo mẹ tôi kể lại thì chúng tôi đã theo bố mẹ đi nhiều nơi: Bưởi, Cổ nhuế, làng Trích sài, Quốc oai, Đ. yên và đợt bom B52 năm 1972 là ở Tiên Sơn - Bắc Ninh.
           Làng Đ. Yên  là quê ngoại tôi, một vùng quê nghèo, thanh bình, yên ả, cách Hà nội chỉ hơn 30km, thời kỳ sơ tán ở Đ.Yên  là thời kỳ  có nhiều dấu ấn sâu đậm trong ký ức một đứa bé chuẩn bị vào lớp 1 như tôi.
            Ấn tượng khó quên nhất của tôi là những nụ cười thân thiện, hồn hậu chất phác của các cô , các bác trong thôn  với  lời chào mẹ tôi   "Chào cô N,  cô về quê ạ" cứ râm ran suốt từ ngoài cổng làng…khi cả nhà tôi lếch thếch kéo nhau về quê, lủng củng đồ đạc, tay nải quần áo nhếch nhác, tôi và chị gái nắm chặt tay nhau ngơ ngác nhìn hai bên đường làng...Tôi  ngắm nhìn họ, những gương mặt hiền lành, chân  chất , dễ mến làm tôi bất giác cười theo, mệt mỏi tan biến, và thế là tôi cùng chị tôi, 3 anh trai bắt đầu chạy tung tăng trên con đường làng vương đầy rơm, phân bò, vảng vất mùi khói rạ cay cay, man mác khó tả…
            “Ngôi nhà” chúng tôi ở là Nhà thờ tổ, nằm lọt thỏm giữa những cây nhãn cổ thụ, trông âm u, tịch mịch, tiêu điều  làm tôi bỗng dưng liên tưởng tới trang trại Fơcdin của ông Rochexto trong cuốn tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Brotee mà mẹ và  anh trai cả của tôi thường xuyên đọc và thảo luận. Những con đường nho nhỏ quanh làng, lúc nắng thì bụi, mưa thì bùn nhão nhoét, cây đa cổ thụ, cao, thân chắc cong queo như một con rắn khổng lồ hiên ngang đứng ngay bên dốc ngã ba, một bên ra cánh đồng mênh mông toàn sắn, một bên ra Quáng hùm – nghĩa trang của dòng họ Lê…. Mẹ tôi vốn là cháu cụ Án – địa chủ làng Đ.Yên, một địa chủ có lòng nhân ái, có công với cách mạng, năm 1945 cụ đã cứu sống nhiều người qua khỏi nạn đói... Mãi sau này, khi lớn lên, tìm hiểu về gia phả bên ngoại, cùng với những câu chuyện kể về bà ngoại tôi - một nàng dâu hiền lành nhưng vô cùng bất hạnh vì bị bà Trẻ (mẹ kế của chồng) hành hạ, cuối cùng chết trong cô đơn, bệnh tật sau khi sinh mẹ tôi chưa đầy 6 tháng...bà Trẻ đã  sai người chôn bà ngoại tôi giữa cánh đồng trũng cách xa làng, không cho  chôn trong khu nghĩa địa của dòng họ... tôi mới hiểu vì sao mẹ chúng tôi lại được mọi người thương yêu đến vậy…
            Thời đó dân làng Đ.Yên nghèo đói lắm, người ta phải lấy lá sắn muối chua rồi ăn với   những củ sắn …cánh đồng làng xanh một màu sắn, khoai, lác đác mới có ít lúa tô điểm thêm để hoàn thiện bức ký họa tổng quát về sự ảm đạm, gian khổ, thiếu thốn trăm bề của làng quê miền bắc trong thời  kỳ chiến tranh.
            Chúng tôi là dân sơ tán, nên các chế độ có đầy đủ theo tiêu chuẩn tem phiếu…Nhưng cái cảm giác không bao giờ quên trong đời tôi  suốt thời gian đó là cảm giác ĐÓI, luôn luôn đói, mặc dù bố mẹ chúng tôi thường xuyên tiếp tế gạo và thức ăn từ Hà nội.
            Bố mẹ chúng tôi sau khi đưa các con về quê, đã quay lại Hà nội, bà nội tôi về chăm sóc 5 anh em. Bà nội tôi là điển hình của một phụ nữ thời phong kiến: rất khó tính và nghiêm khắc , trước khi ăn cơm phải khoanh tay mời hết mọi người mới được cầm bát lên ăn, tôi bé nhất, nên phải mời nhiều nhất…và đến khi mời xong xuôi thì bữa  cơm đã gần  xong, nên hầu như chẳng bao giờ tôi có cảm giác no trong bụng cả.                     
            Tôi và chị gái được bà nội phân công đi nhặt lá về nấu cơm. Sáng sáng, hai chị em tha thẩn quanh khu vực Quáng hùm – lúc đó bạt ngàn cây trẩu, những cây trẩu không cao lắm, những chiếc lá đủ hình dạng, cái hình trái tim, cái thì có nhánh chĩa làm ba, và,  khi đã lọt vào khu “rừng” trẩu đó thì dường như  lạc vào một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo mê hoặc , không một ánh nắng mặt trời nào chiếu qua , thật kỳ bí và hùng vĩ trong con mắt trẻ con của tôi lúc đó…hai chị em vừa nhặt lá trẩu, vừa tưởng tượng những câu chuyện “ma” mà các anh trai hay kể dọa hai chị em mỗi khi không nghe lời…
            Một hôm, lớp tôi được nghỉ học (tôi mới vào lớp 1, cô Hội chủ nhiệm bị ốm), tôi lững thững về nhà, cất cặp sách vào ngăn kéo, tôi chợt nhìn thấy nồi cơm trong góc nhà, nhìn quanh không có ai…cơn Đói của tôi bỗng dưng làm tôi chạy đến mở ngay nắp…và bốc vội những miếng cơm nguội ăn lấy ăn để…Ôi, lúc đó tôi thấy thỏa mãn đến thế, sung sướng đến thế…Bỗng, một tiếng nói cất lên: “ Ai cho ăn vụng? ngày mai bà mách cô Hội đấy!...”
Tôi giật mình, miếng cơm nguội rơi lả tả xuống đất, và thế là tôi khóc, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc vì tủi thân, vì oan ức, vì chẳng có bố mẹ ở bên cạnh …Nhưng, cũng kể từ khi đó bà tôi đã thay đổi…
            Chiến tranh, chiến tranh  đã làm đảo lộn tất cả, những nếp sống hàng ngày, những thưởng thức vô cùng đơn giản của  một bữa ăn no bụng, thay vào đó là những cuộc chạy xuống hầm trú ẩn tránh bom…
             Nhưng, gia đình tôi vẫn may mắn vì cả nhà đều bình an trong cuộc chiến này….