Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Lịch sử Phật giáo

   Phật giáo là một tôn giáo được đức Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni) truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ thứ 6 TCN. Do đạo Phật được truyền đi trong một hơn hay 2500 năm và lan ra nhiều nơi cho nhiều chủng tộc nên lịch sử phát triển của nó khá đa dạng về các bộ phái cũng như là các nghi thức và phương pháp tu học. Ngay từ buổi đầu, đức Thích Ca, người truyền đạo Phật, đã thiết lập được một giáo hội với các luật lệ hoạt động chặt chẽ của nó. Nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp, đạo Phật có thể thích nghi với các hoàn cảnh chế độ xã hội, con người, và tập tục ở các thời kỳ khác nhau, nên ngày nay Phật giáo vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
1. Bối cảnh lịch sử Ấn Độ trước Phật giáo
 Về địa lý, phía Bắc của Ấn Độ là dãy Hy-mã-lạp-sơn (Hymalaya) cao lớn và dài tạo nên một hàng rào cô lập các vùng bình nguyên của xứ này với các vùng còn lại. Để liên lạc với bên ngoài thì chỉ có con đường núi xuyên qua A Phú Hãn (Afghanistan). Nền văn hóa chính ngự trị thời bấy giờ là văn hóa Vệ Đà (Veda). Theo sử liệu hiện nay thì dân tộc Ấn (Veda) có chung tổ tiên với các dân tộc châu Âu là các bộ lạc du mục đã mở mang và xâm chiếm các vùng lãnh thổ Tây Bắc Ấn và lan rộng ra hầu hết bán đảo Ấn Độ khoảng 1000 năm trước Công Nguyên.

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT

Lê Duy Đức (những ngày thực tập tại KL – Malaysia)

Đong cho đầy bột cà phê, tôi mong ngóng vị quê hương nồng lên mũi. Bản piano Gymnopédies trầm lắng và thanh tao chẳng hiểu sao lại kéo tôi về cái không gian cổ kính xứ Đoài thôn Đông, nơi con trâu lầm lũi kéo cái cần cù cực nhọc dài cả cánh đồng...

 Quê hương là chùm khế ngọt,
Cho con trèo hái mỗi ngày.

 Bơi vào vùng ký ức, bám vào cái phao hình ảnh dải đất cong cong hình chữ S, tôi ngụp lặn trong cơn sóng trắng xóa. Gió biển Vũng Tàu thốc vào mặt, kèm theo cát và muối, thổi bay những rối bời tuổi mới lớn. Mảnh đất nhỏ nhắn hiền hòa này tri kỷ với biển từ khi tôi chưa ra đời nữa. Cái bình yên quá giản dị để níu kéo khát vọng và hiếu kỳ của tuổi trẻ, mặc cho những chân trời mới bắt cóc tôi ra khỏi xứ biển trống vắng...

Sáu năm rong ruổi đường, hẻm, ngõ, ngách, chất Sài Gòn len lỏi vào tâm hồn tôi: sôi động, gấp gáp, tiền trao cháo múc, cà phê cuối tuần, thiết bị hitech sành điệu… Cái ngập nửa bánh xe lúc triều cường, cái chen chúc trong Co-op mart tính tiền, cái lô cốt đáng ghét và vô vàn cái điên tiết ấy tự hồi nào hữu cơ hóa đời sống của tôi vào quận Bình Thạnh xô bồ. Sài Gòn nắng hay mưa, những cuộc trò chuyện ăn chơi nhảy múa vẫn đều một vòng quay

 Sài Gòn mưa trưa, nắng sớm
Tìm cho ra ngôi quán êm
Hẹn nhau ngôi xanh như lá
Hẹn nhau trong nắng mượt mà

 Còn đó thủ đô đỏng đảnh cái rét đầu đông và nồng nàn mùi hoa sữa, Sa Pa bồng bềnh trong mây, Phú Quốc trong vắt bờ biển xanh…

 Quê hương đâu chỉ là những địa danh vô cảm. Quê hương còn là người mẹ tần tảo chắt chiu sớm hôm chăm con khôn lớn (đứa con chẳng bao giờ lớn trong thế giới quan của mẹ cả), là người cha chất phác bươn bả vun đắp tổ ấm, là bao tiếng xưng hô anh chị em mày tao cậu tớ ấy cô dì chú bác mợ thím ông bà tôi vô thức bật miệng hằng ngày.

Quê hương nếu ai không nhớ…

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

CÔ TÔI

                 Giữa Sài Gòn sôi động, cuốn hút vào những cuộc mưu sinh không ít căng thẳng và mệt mỏi, đôi khi tôi thả mình vào ký ức về gia đình để tìm lại sự bình thản, niềm an ủi thực kỳ diệu.
            Trong nguồn ký ức đó có hình ảnh của cô tôi - người cũng đang sống ở Thành phố lớn ầm ào này. Và tôi hay nhớ về những ngày cuối tháng 12 năm 1972 kinh hoàng đó…Khi đó, cô  tôi mới sinh em  gái được 4 tháng. Cô vẫn công tác ở Hà nội vì cơ quan của cô chưa phải đi sơ tán.
          Cô là em ruột bố tôi.  Trước đây cô là sinh viên khóa đầu của trường Đại học Bách khoa –ngôi trường hình như chỉ dành cho cánh “mày râu” đạp trời đạp đất, nhưng cô tôi vẫn nổi bật  là sinh viên ưu tú hát hay, học giỏi và nhiều anh chàng đã từng thầm thương trộm nhớ…
           Chẳng hiểu có phải do tình cờ của số phận hay không, cô đã ở bên tôi  trong những giây phút khó khăn, hiểm nguy nhất mà có lẽ tôi không bao giờ quên…
          Ngày 18/12/1972, đang nằm chơi với con gái mới sinh của cô trên giường, bỗng tôi giật mình vì  hồi còi báo động vang lên khẩn cấp, kèm theo tiếng loa phát thanh  : “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà nội 60 cây số, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…!”
            Tai tôi như bị ù đi vì tiếng máy bay gầm rú và những tiếng nổ kinh hoàng, từng lớp vữa trên trần nhà thi nhau rớt xuống.  Tôi vội vã xốc em lên tay, loạng choạng chạy ra sân sau, nhảy xuống hầm  (gọi là hồ nước ngầm nhưng cạn nước vì vào mùa đông,  rộng bằng cái sân sau, khoảng chừng 15m2, mà thường ngày tôi rất sợ khi nhìn xuống đó). Con bé chẳng hề khóc, cứ mở to đôi mắt nhìn chị lóng ngóng vừa ôm mình vừa chạy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bế em - cô tôi không cho tôi bế  vì sợ làm rơi em bé...
            Tôi không hiểu vì sao lúc đó tôi có thể vừa bế em, vừa nhảy xuống bể ngầm sâu gần 2m  như vậy, mà không hề có một điểm tựa nào. Lúc mọi người đưa hai chị em lên trên, ai nấy đều ngạc nhiên không thể tin nổi khi thấy cả hai đứa không hề bị xây xát một chút gì. Dường như có một phép màu vậy…
            Cả hai đêm  18,19/12/1972 tôi và cô tôi hầu như không được ngủ, vì những đợt bom B52 cứ liên miên không ngớt. Em bé 4 tháng tuổi cứ giật mình khóc thét mỗi lần có tiếng còi báo động và tiếng ầm ì dai dẳng, gớm ghiếc của máy bay B52.
           Sáng 20/12/72,  Hà Nội có lệnh sơ tán toàn bộ dân chúng- kể cả cơ quan thuộc đầu não của cô tôi. Lúc đó, tôi không thể về nơi sơ tán Bắc ninh với bố mẹ được nữa, vì các ngả đường đều bị phong tỏa và hầu như bị ném bom. Hai cô cháu  đi nhờ xe của quân đội về Hà tây, gia đình cô đang sơ tán ở đó.  Hai ngày hai đêm mất ngủ , cộng với sức khỏe còn chưa hồi phục sau khi sinh em bé, cô tôi đã bị cảm, nóng hầm hập, gương  mặt cô tôi lúc đó trông thật mệt mỏi, nhưng vẫn đẹp làm sao, nhất là đôi mắt của cô, vừa hiền từ, nhân hậu nhưng vô cùng kiên quyết! Sự bình thản, gan dạ, điềm tĩnh lạ thường của một người mẹ đang bị cảm sốt với đứa bé nhỏ xíu trên tay hối hả rời thủ đô vào buổi sáng mùa đông giá lạnh đã giúp tôi có thêm sức mạnh để quên sợ, quên mệt. Tôi cùng cô tôi hòa vào dòng người di tản…
          Khi xe quân đội dừng lại, hai cô cháu còn phải đi bộ thêm một đọan đường khoảng 8km nữa mới tới nơi sơ tán. Không biết bằng cách nào cô kiếm được  cái xe đạp và cái cũi bằng gỗ, buộc đằng sau xe . Cái cũi lúc đó tôi có cảm giác nuốt hết cả người cô, vì nó chỉ được đóng rất sơ sài bằng những thanh gỗ sần sùi, to bản, còn lởm chởm những viền gỗ chưa được bào nhẵn, nó hoàn toàn đối lập với một người mẹ trẻ dáng bé nhỏ, trông thật mong manh. Lúc đó là buổi chiều âm u, lạnh thấu xương, hai cô cháu đi men theo những con đường nhỏ, hai bên chỉ là ruộng và những hố bom sâu như những cái ao,  những chiếc hầm cá nhân không có nắp nằm chơ vơ bên đường. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, bế em bé trong cũi ra , và bảo tôi nhảy xuống hầm cá nhân. Những lúc đó tôi chỉ kịp nhìn thấy đạn bay vèo vèo qua người, cô tôi nhoài người ra che cho tôi trong khi tay vẫn ôm khư khư em bé. Trời đã tối nhưng sáng rõ như ban ngày vì tia chớp lửa đạn. Nét mặt, ánh mắt cô tôi lúc đó vẫn bình thản, kiên định cứ  in sâu vào tâm trí tôi cho đến tận giờ…
         Hiện nay, tuy đã nhiều tuổi nhưng cô vẫn sáng suốt, minh mẫn, thông thái, tế nhị như ngày nào. Đã từ lâu nay, cô luôn luôn là điểm tựa tinh thần , là tấm gương cho các con các cháu, là niềm tự hào của cả dòng họ từng một thời vang bóng ở Thành cổ Sơn Tây – thị xã  Sơn tây.
         Còn có một người nữa mà tôi không thể không nói đến khi kể về cô tôi, đó là người bạn đời của cô, một bác sĩ quân y mà anh em tôi vẫn gọi đùa một cách kính trọng là “Thầy lang”. Tôi sẽ kể về chú sớm nhất để những ấn tượng thân yêu về cô tôi được rõ nét hơn.


Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

THÔI GÁC BÚT, CHẲNG LÀM THƠ NỮA


Thôi  gác bút,  chẳng làm thơ nữa
Cứ rong ruổi nhởn nhơ trên những phím đàn
Cười khoan khoái với những tấm ảnh  mèo chó
Hoặc  thả bộ trên từng vỉa hè, con phố
Mỗi buổi chiều về nắng vẫn còn chứa chan.

Thôi buông bút, chẳng họa thơ nữa
Cứ phóng tay mà quên mất mình là ai
Cứ miên man đùa vui, cười  nghịch ngợm
Rồi khóc buồn vương vấn…chẳng giống ai

Dẫu biết  khi làm thơ mình như bay trong mơ
Lúc khôn, lúc dại,  rồi thẫn thờ gào thét
Lúc thì thầm nhỏ nhẹ cười duyên với mây gió
Rồi giật mình tỉnh lại thấy mình thật bơ vơ

Dẫu biết thơ đem lại cho mình nhiều niềm vui hy vọng
Nhưng khi đã vào nhịp thơ
Mình tựa như chong chóng
cứ quay vòng, quay mãi…
thành hình một chữ  Không


Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Prelude op.28, no.4 cung Mi thứ của Frédéric Chopin

           Prelude là khúc dạo đầu ( tiếng Ý có nghĩa là: "dạo ngón trên đàn Lute") - đây là một khúc nhạc ngắn, như một lời nói đầu. Thời kỳ đầu chúng là những khúc ứng tác tự do, là những nét dạo ngắn dùng như những đoạn giới thiệu ngắn cho một đoạn nhạc lớn hơn. Thời kỳ Baroque được dùng để giới thiệu trước khi vào một thể loại khác dài hơn và phức tạp hơn . Sang thời kỳ lãng mạn nó trở thành một tác phẩm độc lập, hoàn chỉnh,  Frédéric Chopin (1810 - 1849) đã viết một bộ 24 prelude, Op. 28,  là những điệu thức trưởng, thứ quay vòng, được đánh dấu lẻ chẵn. Số lẻ là trưởng, chẵn là thứ, bắt đầu bằng Đô trưởng và mỗi bản được tiếp theo bằng một prelude ở điệu thức tương ứng. Những prelude tiến lên qua dấu thăng tăng dần và dấu giáng giảm dần (ví dụ : No.1 Đô trưởng, No.2 La thứ, No.3 Son trưởng, No.4 Mi thứ…). 

         Prelude op.28, no.4 cung Mi thứ là một trong 24 prelude Frédéric Chopin viết trong mùa đông 1838 -1839 tai Valdermosa- Majorca – một hòn đảo thơ mộng cùng người tình hơn mình 6 tuổi George Sand (Amantine Aurore Lucile Dupin), là vợ cũ của nam tước Casimir Dudevant. 

Nghệ sĩ piano người Pháp François-René Duchâble (1952) trình bày bản nhạc này