Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Piano Sonata No. 23 in F Minor ( Fa thứ) "Appassionata", Op. 57 của Ludwig van Beethoven

Bản sonata viết cho piano số 23 giọng Fa thứ (F Minor) ấn phẩm số 57, thường được gọi là Sonata  “Appassionata” (Đam mê), được xem là một trong 3 sonata đỉnh cao thời kỳ “thành thục” của Ludwig van Beethoven (1770-1827), cùng với Sonata No. 26 “Les Adieux”, Op. 81a và Sonata No. 21 “Waldstein”, Op. 53 quen thuộc với tên gọi Sonata “Bình minh” bởi cảm hứng trong trẻo và tươi mới đem lại từ những giai điệu đầy sức sống. Tác phẩm được viết trong những năm 1804, 1805 và có lẽ cả trong năm 1806, đề tặng cho công tước Franz von Brunswick. Ấn phẩm đầu tiên xuất bản vào tháng 2 năm 1807 tại Vienna
Tác phẩm gồm 3 chương:
  Chương một ( Allegro assai)  chuyển động nhanh sau phần mở đầu gây ngạc nhiên trong việc thay đổi tone và nhịp độ. Chủ đề mở đầu dựa trên 2 motif tương phản. Motif đầu trầm lắng nhưng mang điềm báo đáng ngại, motif thứ hai rất ngắn chỉ với 4 nốt nhưng được nhắc lại quả quyết và đầy khó chịu, được lặp lại có quy luật gợi nhớ đến  âm hình “định mệnh gõ cửa” trong chương 1 bản Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ sau này. Ngay sau hình ảnh đầy ám ảnh mang dáng vẻ của một thế lực đen tối này, motif đầu được nhắc lại ở giọng Son giáng trưởng tạo nên tương phản. Phần tóm tắt chủ đề 1 là đoạn chơi khá mạnh với sự hân hoan chiến thắng chuyển sang giọng Fa trưởng với sự thay đổi ví trí trên phím piano. Chủ đề 2 xuất hiện như là sự đảo ngược tự do của chủ đề chính mang màu sắc thanh thản và nét đẹp nhẹ nhàng. Tiếp đó là phần phát triển khi mà các chủ đề va chạm nhau, mâu  thuẫn đẩy dần lên cao trào với sự chiếm ưu thế của chủ đề 1. Cũng như  trong Sonata “Waldstein”, đoạn coda kéo dài một cách bất bình thường, chứa đựng phần ứng tác hợp âm rải trải rộng trên bàn phím piano. Việc tác giả lựa chọn giọng Fa được nhanh chóng làm sáng tỏ khi nhận thấy chương này thường xuyên sử dụng các tông tối và sâu của những nốt Fa thấp nhất trên đàn piano, cũng là nốt thấp nhất mà Beethoven đã sử dụng trong sáng tác sonata.
 Chương 2 (Andante con moto - attacca ) được xem như phần lắng dịu giữa 2 cơn bão. Chìm trong không khí ấm áp và thân tình, khá đồng nhất về giai điệu tương phản với sự phức tạp đan xen của chuyển động cũng như tính chất âm nhạc của chương trước. Không khí này có được nhờ cấu trúc chỉ gồm 1 chủ đề và các biến tấu với nhịp độ chậm, yên tĩnh và có tính chất tụng ca ở giọng Rê giáng trưởng. Chủ đề này gồm có 2 đoạn tám nhịp đều đặn được nhắc lại, đoạn thứ 2 bắt đầu ở giọng La giáng trưởng. Các khúc biến tấu lần lượt là :
Biến tấu đầu tương tự như chủ đề gốc, nhấn nhịp khác thường ở tay trái.
Biến tấu 2 là sự tô điểm thêm cho chủ đề chính với 16 nốt.
Biến tấu 3 với tốc độ nhanh, thêm vào 30 nốt. Thay cho việc nhắc lại, tay trái và tay phải mỗi bên đảm nhiệm một phần của chủ đề chính khi trở lại.
Biến tấu 4, đoạn nhắc đi nhắc lại chủ đề gốc với một chút thay đổi, thay thế đoạn kết ở nốt lặng, cặp đôi khép lại ở hợp âm quãng 7 giảm (ở tay phải?!), đầu tiên chơi pianissimo rất nhẹ, tính chất âm nhạc tươi mới, trong vắt… như gạn lọc, tẩy rửa… lúc đầu ở tay phải, rồi tiếp nối với cả 2 tay, sau một giây lát dường như ngơi nghỉ bất ngờ chơi rất mạnh, vang như tiếng sấm (so sánh theo mức độ tương phản với phần trước) và chuyển sang chương 3 không có đoạn nghỉ (attacca). Beethoven cũng đã kết chương 3 của Giao hưởng số 5 trong khi trạng thái căng thẳng vẫn chưa chấm dứt, để rồi chương 4 nối tiếp với tiếng kèn đồng hân hoan chiến thắng. Cũng như vậy, ở đây cũng có một đoạn kết không đuợc giải quyết hoàn toàn, nhưng sự trì hoãn lâu hơn so với bản Giao hưởng số 5.
 Chương 3 (Allegro ma non troppo - Presto )  có nhiều biến đổi khác thường, chỉ có phần thứ 2 là được chủ định sẽ nhắc lại. Chương này được dựa trên chủ đề có tính chất chuyển động không ngừng (perpetuum mobile)* với 16 nốt luân chuyển liên tục mà chỉ được ngắt quãng trong đoạn trình bày và đoạn coda (đoạn kết của 1 tác phẩm hoặc 1 chương). Đoạn coda xuất hiện với chủ đề hoàn toàn mới dựa trên hình thức nhịp đôi. Chuyển động của cảm xúc dẫn đến đỉnh điểm ở giọng Fa thứ án ngữ một cách vững chắc với sự hỗ trợ từ những âm át quãng bảy. Chương này là một tổ hợp giàu cảm xúc với nhịp bước gấp gáp, nếu không muốn nói là một cơn bão táp âm thanh.
Chú thích : * perpetuum mobile (tiếng Latin) được hiểu là một đoạn nhạc đặc trưng bởi sự chuyển động không ngừng của các nốt với nhịp nhanh. Toàn bộ hoặc một phần đáng kể thường được nhắc đi nhắc lại mà không bị giới hạn bởi số lần. Kỹ thuật này cũng xuất hiện trong chương cuối Piano Sonata No. 17 “Tempest” (Bão táp) của Beethoven, hay trong Piano sonata No. 2 của Frédéric Chopin… và được thể hiện bởi dàn nhạc như trong chương cuối Concerto cho dàn nhạc của Béla Bartok. Trong một vài trường hợp, thể canon cũng có thể được chơi theo kiểu moto perpetuo, lúc đó được gọi là canon perpetuus.
Motif:  Motif hay nhạc tố là yếu tố nhỏ nhất của một ca khúc hay tác phẩm âm nhạc. Một hoặc hai motif tạo nên âm hình có đầy đủ phách mạnh và phách yếu. Thường một motif gồm chỉ vài ba nốt nhạc. Motif ngắn và nổi tiếng nhất có lẽ là “tiếng gõ cửa” trong giao hưởng số 5 của Beethoven
 Theo Lê Long (nhaccodien.info) – (Edited and completed by Nhã Lan)

Claudio Arrau León ( 1903 - 1991) - nghệ sĩ Piano nổi tiếng người Chi lê trình bày tác phẩm này ( 3 chương, mình thích nhất chương 3)

* Còn đây là phân trình bày của Arthur Rubinstein
Chương 1-  Allegro Assai - Arthur Rubinstein

Chương 2 - Andante Con Moto - Arthur Rubinstein

 

Chương 3 - Allegro Non Troppo - Arthur Rubinstein trình bày


Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

Giao hưởng số 40 cung Sol thứ (KV.550) của Mozart

Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791) sáng tác  bản Giao hưởng số 40 cung Sol thứ (KV. 550) vào năm 1788.



Trong ánh sáng rực rỡ của thời kỳ Cổ điển, việc sáng tác thách thức các nhạc sĩ thể hiện hiệu quả tối đa, chính là những tác phẩm giao hưởng. Một trong những viên ngọc ấy là bản symphony của Mozart, tác phẩm số 40 cung Sol thứ, K.550. Symphony này được viết vào mùa hè năm 1788, lúc Mozart ba mươi hai tuổi, chỉ trong vòng sáu tuần lễ, ông đã viết xong ba bản symphony. Và bản Symphony số 40 này đã là một trong những 3 tác phẩm viết về thể loại này nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất của ông
Ông bố trí nhạc cụ cho tác phẩm Symphony số 40 này với khối đàn dây tiêu biểu bao gồm violin, viola và cello, cộng thêm kép đôi contrabass (nghĩa là Đại Hồ cầm có nét nhạc giống với Hồ cầm, nhưng thấp hơn một quãng tám). Khối kèn gỗ sử dụng hai flute, hai kèn oboe và hai kèn bassoon.
Khối kèn đồng chỉ có hai french horn, và bộ gõ gồm hai bộ timpani. Không có trumpet hoặc trombone. (Mozart sử dụng kèn trombone trong các opera, nhưng không bao giờ dùng trong symphony). Cũng không có clarinet trong tổng phổ nguyên bản, về sau Mozart mới thêm vào.
Những symphony (giao hưởng) vào thời Mozart thông thường bao gồm những ba hoặc bốn phần. Phần thứ nhất, thường được ghi allegro, được trình tấu ở tốc độ nhanh, mãnh liệt và kịch tính. Phần này luôn luôn xuất hiện trong bản sonate, đôi khi có một đoạn intro ngắn.
Phần thứ nhì thường  chậm, và có thể là đoạn diễn cảm trong thể loại sonata, thể loại rondo, hoặc thể loại chủ đề và biến tấu.
Phần thứ ba tiêu biểu là một minuet và trio, chơi trong tính cách duyên dáng theo nhịp ba. Đôi khi, phần này bị bỏ đi, để vào phần tiếp theo.
Phần kết thúc thông thường luôn có mặt trong thể loại sonate, nhưng cũng có thể được viết theo thể loại rondo hoặc thể loại chủ đề và biến tấu. Nó thường được chơi rất mãnh liệt, đôi khi có tính cách hài hước, và nhất là bằng một tốc độ nhanh.
Copyright © VIET PIANO COMMUNITY (edited)

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

Piano concerto No.1, Op. 11 in E Minor (Mi thứ) của Frédéric Chopin

Frédéric François Chopin sáng tác  concerto  cung Mi thứ  vào năm 1830, lúc ông mới 20 tuổi, sau concerto cung Fa thứ (1829) nhưng vì xuất bản trước , nên được đánh dấu  là  Op.11,  số thứ tự là 01. Đây là bản concerto nói lên tâm trạng sắp rời xa quê hương,  và tâm trạng này của ông cũng thể hiện rất rõ trong Nocturne số 20 cung Đô thăng thứ - còn gọi là dạ khúc xa xứ nổi tiếng của ông.
Bản concerto số 1 cung Mi thứ được Chopin biểu diễn vào tháng 10 năm 1830 trong buổi hòa nhạc chia tay tại nhà hát Quốc gia Vacsava.

       Chương I -- Allegro maestoso
Giai điệu trầm hùng, nhưng có phần ảm đạm của dàn nhạc cất lên giống như sự u buồn day dứt của chàng trai trẻ sắp bước vào sự thử thách mới của cuộc đời. Tuy buồn nhưng những nốt nhạc cho thấy sự kiên quyết. Không giống các nhà soạn nhạc khác, âm nhạc của Chopin như nói chuyện với chính mình. Trong chương 1 này có cảm giác tuy chưa ra đi nhưng sự u hoài đã thể hiện rõ rệt trong cảm xúc của chàng trai trẻ. Xen lẫn trong đó là những tiếng thơ qua tiếng đàn piano. Thủ pháp sáng tác cũng như phong cách này bạn còn gặp lại trong nhiều tác phẩm ngắn khác của ông như Ballade hay Nocturne. Giai điệu trong chương này được viết cho dàn nhạc thể hiện nỗi buồn mênh mông vô hạn của chàng trai 20 tuổi sắp rời xa quê hương với bao nỗi niềm…trong đó tình yêu chắc hẳn là điều làm ông day dứt nhất…Có đôi lúc sự hối hả, khẩn trương được đẩy lên cao nhưng dường như kèm theo tiếng thở dài qua các khí nhạc thể hiện.
      Chương II-Romance: Larghetto
Từng nốt nhạc như những viên ngọc buông rơi trên phím đàn, tựa như những tiếng thơ trong đêm, dìu dặt lãng mạn, thổn thức và đam mê… chương này có cảm giác ta đang nghe những bản Nocturne dài của ông. Nếu bạn có cảm giác muốn làm thơ hay hát những giai điệu hay nhất bạn có thể cho người mình yêu thì bạn sẽ đồng cảm với những tiếng dương cầm trong chương II này.

     Chương III: Rondo: Vivace – giọng Mi trưởng (E major)
Còn gọi là khúc Rondo. Gạt đi những ưu phiền, lo âu,  tình cảm,  chàng trai vươn vai đầy nghị lực để chuẩn bị cho hành trình mới qua những tiếng đàn vui tươi nhộn nhịp, giầu nhạc tính. Đoạn kết này đầy tính khích lệ. Chàng trai tự nhủ và tin tưởng vào tương lai  nếu chính bản thân vui tươi và tin vào một cuộc sống tốt đẹp đang chờ phía trước . Nghe chương này bạn không thể không thấy sảng khoái qua thủ pháp sáng tác của ông. Thật là một kết thúc có hậu và như đã nói đó là cái nhìn lạc quan, đầy nghị lực, tin tưởng vào tương lai tươi sáng của tác giả.

Net (edited)




Cùng nghe Seong Jin Cho - thí sinh vừa đoạt giải nhất cuộc thi Piano quốc tế mang tên Chopin lần thứ 17 vừa kết thúc ngày 23/10/2015 cùng dàn nhạc
 
Warsaw Philharmonic Orchestra  với Nhạc trưởng tài năng tuyệt vời Jacek Kaspszyk 

Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013

Piano Concerto N.º 2 , Op. 21 in F minor ( Fa thứ) của Frédéric Chopin

        Bản concerto cung Fa thứ, hay còn được gọi là bản concerto số 2 của Frédéric Chopin , thực ra là bản concerto đầu tiên của ông, sáng tác vào năm 1829, nhưng vì nó được xuất bản sau bản concerto cung Mi thứ (1830), cho nên bị đánh dấu là op.21, và người ta từ đó mà gọi nó là bản số 2. Khi viết bản concerto này, F.Chopin lần đầu tiên đã hướng về "lý tưởng” và "bất hạnh”, sau này trở thành bầu không khí âm nhạc của ông, đã định hình ý tướng cho một chủ đề âm nhạc mà sau này hàng triệu người sẽ theo ông khám phá ra lạc thú trong thất vọng.
      F.Chopin trình tấu bản concerto cung Fa thứ duy nhất 2 lần, lần thứ nhất vào ngày 17 tháng 3 năm 1830 và lần thứ hai sau đó mấy ngày. Khi đó F.Chopin vừa trở về Warszawa sau khi chinh phục Vienna và Praga. Ông tổ chức hòa nhạc để tặng cho tình yêu của ông, nàng Constance Gladkowska, những vinh quang tuổi trẻ mà ông vừa đạt được. Tuy nhiên trong 2 buổi hòa nhạc này, bản concerto cung Fa thứ không được thính giả đón nhận như ông mong muốn. Chỉ một số ít người hiểu được nét độc đáo của ông. Nhưng có lẽ F.Chopin đã cảm thấy mình được thưởng công đầy đủ, vì nàng Constance ngồi ngay hàng ghế đầu đã mỉm cười với ông. 
    Sau này trong một lá thư viết cho người bạn thân Titus Wojciechowski, ông nhận xét "Thính giả họ bị điếc cả.”.  Vì bản concerto cung Fa thứ bị đối xử "lạnh nhạt” như thế, nên từ sau hai buổi hòa nhạc đó, F.Chopin chỉ trình tấu bản concerto cung Mi thứ, được viết có phần chín muồi hơn, cũng là bản concerto mà ông đã trình tấu khi ra mắt thính giả Paris lần đầu tiên. Trong cuộc thi quốc tế mang tên F.Chopin lần thứ 10 tại Vacsava, phần chung kết bao giờ cũng là trình tấu một trong hai bản concerto của F. Chopin. Theo "thông lệ” là những người đoạt giải nhất đều là những người chọn bản concerto cung Mi thứ. Người duy nhất chọn concerto cung Fa thứ mà giành chiến thắng, chính là nghệ sỹ Đặng Thái Sơn của Việt nam!
(Net-edited)
Phần trình bày dưới đây do Arthur Rubinstein ( 28/1/1887 - 20/12/1982 ) cùng dàn nhạc giao hưởng London do Andre Previn làm nhạc trưởng. Arthur Rubinstein  là nghệ sĩ piano quốc tịch  Mỹ , người Ba lan gốc Do thái, nổi tiếng với những bản nhạc của Chopin và được xem như là một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỉ 20.

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2013

Schumann Concerto in A minor Op. 54

Robert Schumann(1810 -  1856) là một nhà soạn nhạc  phê bình âm nhạc nổi tiếng của Đức. Ông là một trong những nhà soạn nhạc lãng mạn lừng danh nhất thế kỷ 19.
Tôi rất thích câu nói nổi tiếng của R. Shumann : “It is music's lofty mission to shed light on the depths of the human heart”  (Nhiệm vụ cao quý của âm nhạc là chiếu sáng vào những cõi sâu thẳm trong trái tim con người.)
Robert Schumann hoàn thành  Piano Concerto giọng La thứ ( A minor), Op. 54  lãng mạn nổi tiếng  này vào năm 1845.
Đây là phần trình bày của dàn nhạc Gewandhaus, nhạc trưởng là Maestro Riccardo Chailly cùng nữ nghệ sĩ dương cầm danh tiếng người Argentina Martha Argerich

Thứ Bảy, 7 tháng 12, 2013

ДОРОГОЙ ДЛИННОЮ ( Tình ca du mục)

  (музыка Б. Фомина; слова:  К. Подревского)

Bài hát này mình thuộc từ nhỏ (lời tiếng viêt), và cũng là bài hát yêu thích của giới trẻ thủ đô trước đây….Đây là bài hát Nga, do Б. Фомина (1900-1948) sáng tác và mau chóng phổ biến toàn thế giới…
Сергей Вячеславович Лазарев – ca sĩ người Nga sinh năm 1983 trình bày bài hát này rất ấn tượng, truyền cảm...


1. Ехали на тройке с бубенцами,
А вдали мелькали огоньки...
Эх, когда бы мне теперь за вами,
Душу бы развеять от тоски!
Припев:
Дорогой длинною,
Да ночкой лунною,
Да с песней той,
Что вдаль летит звеня,
И с той старинною,
Да с семиструнною,
Что по ночам
Так мучила меня...
2. Да, выходит, пели мы задаром,
Понапрасну ночь за ночью жгли.
Если мы покончили со старым,
Так и ночи эти отошли!
Припев:
Дорогой длинною,
Да ночкой лунною,
Да с песней той,
Что вдаль летит звеня,
И с той старинною,
Да с семиструнною,
Что по ночам
Так мучила меня...
3. В даль родную новыми путями
Нам отныне ехать суждено!
Ехали на тройке с бубенцами,
Да теперь проехали давно!
Припев:
 Дорогой длинною,
Да ночкой лунною,
Да с песней той,
Что вдаль летит звеня,
И с той старинною,
Да с семиструнною,
Что по ночам
Так мучила меня...


Tình ca Du mục
1.Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời
Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng
Tìm em năm tháng thấy đâu hình bóng nàng
Em thân yêu ơi, biết em giờ đây nơi đâu
Nhắn giúp cho ta chim ơi
Nhắn giúp cho ta mây ơi
Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào
Lần theo dấu vết em đi
Tìm đâu cho thấy em yêu
Tình yêu đốt cháy, trong tim phút giây nào nguôi
Tháng tháng năm năm trôi qua
Bão tuyết mưa rơi sương sa
Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân
La la la la...
2.Dù cho năm tháng phôi pha hình bóng nàng
Dù thời gian có xóa tan bao ước vọng
Hàng mi đen láy như nhung vì nắng chiều
Trên vai em tôi, nỗi buồn dài theo mái tóc...
Nhắn giúp cho ta mây ơi
Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nào
Lần theo dấu vết em đi
Tìm đâu cho thấy em yêu
Tình yêu đốt cháy, trong tim phút giây nào nguôi
Tháng tháng năm năm trôi qua
Bão tuyết mưa rơi sương sa
Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân
La la la la...
NET

Thứ Hai, 2 tháng 12, 2013

Piano concerto số 20 giọng Rê thứ (D Minor) của Wolfgang Amadeus Mozart (27/1/1756 - 5/12/1791)

Piano concerto số 20 giọng Rê thứ (D Minor) - (K.466) – một trong 2 bản piano concerto duy nhất Mozart viết ở giọng thứ - được hoàn thành và trình diễn lần đầu vào ngày 10 tháng 2 năm 1785 tại Viena Casino do chính Mozart độc tấu. Khi ấy Mozart đang trong thời kỳ đỉnh cao, nổi tiếng với tư cách vừa là nhà soạn nhạc vừa là nghệ sĩ biểu diễn.

Giọng Rê thứ ít khi xuất hiện trong các tác phẩm của Mozart, nhưng lại vô cùng quan trọng. Về sau ông dùng giọng này cho cảnh đày Don Giovanni xuống địa ngục trong vở opera cùng tên và cho cả bản Requiem sầu thảm.

Chương một,  còn gọi là “ Allegro” thoáng hiện lên những nét nhạc u uẩn đầy kịch tích mà về sau Mozart thường sử dụng cho những tác phẩm cuối đời của mình, đoạn khởi đầu được áp dụng kỹ thuật đảo phách ắt hẳn đã khiến khán giả thời đó phải ngỡ ngàng. Phần trình diễn của dàn nhạc và piano kết hợp những nét nhạc kỳ bí với sự bùng nổ mãnh liệt, theo đó thể hiện phần lớn những chất liệu giai điệu được sử dụng cho toàn bộ chương nhạc.

Chương hai - viết ở giọng Si giáng trưởng (B Flat Major), còn gọi là “Romanza” - một trong những khúc nhạc dịu êm và nên thơ nhất của Mozart, giữa chừng ngắt đoạn bởi khúc nhạc dữ dội ở giọng thứ.

Chương cuối là khúc rondo, còn gọi là “ Allegro assai” bão táp một lần nữa trở lại, tuy vậy cũng đượm vẻ nên thơ hơn so với chương một. Những hiệu ứng được sử dụng xen kẽ giúp giảm bớt sự gay gắt của chủ đề chính vốn quá bốc lửa và góc cạnh, Sau đoạn cadenza (một đoạn độc tấu hào nhoáng ở cuối phần trình diễn - thuật ngữ tiếng Ý trong âm nhạc) , tác phẩm lên tới cao trào và kết thúc ở giọng Rê trưởng.

Mozart có khả năng thể hiện sự vĩ đại của mình qua mọi tác phẩm ông viết, dù là giao hưởng, opera, mass hay piano sonata. Và chẳng hề sai nhận định rằng, toàn bộ 27 piano concerto của ông là những tác phẩm được hưởng trọn vẹn sự thiên tài ấy.
NET(edited)


Nữ nghệ sĩ dương cầm người Argentina - Martha Argerich  trình bày phần piano cùng dàn nhạc  di Padova e del Veneto - dàn nhạc nổi tiếng của Ý, thành lập năm 1966 do Alexandre Rabinovitch làm nhạc trưởng.   
Martha Argerich sinh ngày 5/6/1941 tại Buenos  AiresArgentina, đã sớm phát triển niềm say mê đặc biệt với âm nhạc khi chỉ mới 2 tuổi rưỡi. Khi lên 8 tuổi, Argerich xuất hiện lần đầu trước khán giả Buenos Aires với piano concerto số 20 giọng Rê thứ, K. 466 của Wolfgang Amadeus Mozart và piano concerto số 1 giọng Đô trưởng, Op. 15 của Ludwig van Beethoven. 
Bà cũng là người tham gia làm giám khảo cho cuộc thi piano quốc tế lần thứ 10 mang tên Chopin tháng 10 năm 1980 tại Vacsava, Ba lan, mà  Đặng Thái Sơn của Việt nam đã giành chiến thắng

Nghe phần II- Romanza trên nhạc của tui