Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Я вас любил (Tôi yêu em) – А. С. Пушкин

Bài thơ Tôi yêu em (Я вас любил) của Александр Сергеевич Пушкин một thời đã làm xao động biết bao trái tim thanh thiếu niên Hà nội những năm 70-80, nó len lỏi vào từng giảng đường các trường phổ thông, đại học, xí nghiệp, công trình…và theo cả bước chân những người lính ra trận… Tới giờ phút này tôi vẫn còn thuộc lòng – nhớ như in từng vần thơ cháy bỏng này của А. С. Пушкин…

Я вас любил: любовь еще, быть может,
В душе моей угасла не совсем;
Но пусть она вас больше не тревожит;
Я не хочу печалить вас ничем.


Я вас любил безмолвно, безнадежно,
То робостью, то ревностью томим;
Я вас любил так искренно, так нежно,
Как дай вам Бог любимой быть другим.

TÔI YÊU EM
Alexander Sergeyevich Pushkin
(Thúy Toàn dịch)

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài

Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Thứ Hai, 26 tháng 8, 2013

BỨC THƯ RUỒI TRÂU GỬI GIÊMA

Dim thân yêu!

Sáng sớm mai tôi sẽ bị xử bắn. Tôi đã hứa nói hết với Dim và chỉ còn có lúc này mới thực hiện được lời hứa đó. Nhưng phân bua dài dòng làm chi? Bao giờ chúng ta cũng hiểu nhau mà không cần nhiều lời, ngay cả từ khi chúng ta còn thơ ấu.

Dim thân yêu, chắc Dim cũng thấy rằng không cần gì phải vò xé trái tim mình về câu chuyện cái tát ngày xưa ấy. Lúc đó tôi rất khổ tâm. Nhưng rồi sau tôi cũng nhận bao nhiêu cái tát như thế nữa mà vẫn chịu được. Có lúc lại còn trả thù được nữa. Và bây giờ tôi như con cá nhỏ trong cuốn sách trẻ con của Dim (tôi quên tên cuốn sách đó rồi), “Sống và ngoe nguẩy đuôi”, thật thế, sống và ngoe nguẩy đuôi lần cuối cùng…Còn sáng mai thì đã Finita la Commedia. Đối với Dim và tôi thì điều đó có nghĩa là: Trò xiếc đã diễn xong rồi. Chúng ta hãy tạ ơn các đức thánh dù đó chỉ là một ơn nhỏ. Ơn đó tuy không bao nhiêu nhưng cũng vẫn là ơn.

Còn về phần sáng sớm mai thì tôi muốn cả Dim và Mactini hiểu rằng tôi hoàn toàn sung sướng và yên tâm, và tôi không ân hận gì về số phận cả. Dim hãy nói cho Mactini biết điều ấy, coi đó là lời vĩnh biệt của tôi….Tôi biết rằng, nếu Dim và Mactini còn sống, và tiếp tục cùng nhau đứng vững tấn công kẻ thù thì rồi Dim và Mactini sẽ thấy những sự kiện vĩ đại. Còn tôi, mai đây, tôi sẽ bước ra pháp trường với một nỗi lòng thanh thản, thanh thản như một cậu học trò nhỏ rảo bước về nghỉ hè. Tôi đã hoàn thành công tác của tôi với một tinh thần tận tuỵ, và bản án tử hình đã chứng minh cho tôi điều đó. Chúng giết tôi là vì tôi đã làm cho chúng hoảng sợ. Như thế con người còn mong muốn gì hơn nữa?

Nhưng tôi vẫn còn một điều mong muốn. Kẻ nào sắp chết mà lại chẳng có quyền vòi vĩnh đôi chút. Vòi ở chỗ là tôi muốn giải thích cho Dim hiểu tại sao có lúc tôi lại cục cằn với Dim và tại sao tôi lại khó có thể quên được chuyện cũ.Thật ra Dim cũng đã tự hiểu, nhưng tôi muốn nhắc lại là bởi vì tôi thích viết lại những dòng này. Giêma ạ, tôi đã yêu Giêma từ khi Giêma còn là một cô bé xấu xí, từ khi Giêma còn mặc chiếc áo xuyềnh xoàng cổ bẻ và từ khi Giêma còn để bím tóc nhỏ xíu như đuôi chuột. Bây giờ tôi vẫn yêu Giêma. Giêma còn nhớ không? Có lần tôi đã hôn tay Giêma và Giêma khẩn khoản xin tôi “đừng bao giờ làm như thế nữa”. Tôi biết thế là không tốt, nhưng Giêma phải tha thứ cho tôi. Còn bây giờ thì tôi hôn tờ giấy viết tên Giêma. Như thế là tôi đã hôn Giêma được hai lần và cả hai lần đều không được Giêma cho phép.

Tất cả chỉ có thế thôi. Giêma thân yêu, vĩnh biệt nhé!

vẫn là ta
chú ruồi sung sướng
sống xứng đáng
chết chẳng vấn vương

*Ruồi trâu là tên một cuốn tiểu thuyết của Ethel Lilian Voynich, đã được xuất bản năm 1897 tại Hoa Kỳ (tháng 6) và Anh (tháng 9).

NỘI DUNG TÓM TẮT

Áctơ là một chàng trai trẻ, hiền lành, thánh thiện, sinh trưởng trong một gia đình tư sản Anh. Môngtaneli là một cố đạo, giám đốc trường dòng thánh Pidơ, trong mối quan hệ thường đối xử với Áctơ như con đẻ của mình và Áctơ cũng rất gần gũi, tôn trọng ông. Từ khi mẹ Áctơ mất thì mối quan hệ đó càng khăng khít hơn. Nhưng từ khi Áctơ có thêm niềm say mê mới, tham gia Nước Ý trẻ cùng các bạn sinh viên khác, đấu tranh cho nền Cộng hoà và đồng thời có một lý tưởng mới và rõ hơn về tôn giáo thì anh đã thay đổi suy nghĩa về Môngtaneli. Năm năm trước, ông đối với Áctơ như là một người anh hùng lý tưởng thì giờ đây, anh có cảm tưởng rằng Môngtaneli là một nhà tiên tri tương lai của tín ngưỡng mới. Áctơ tham gia đoàn thể Nước Ý trẻ và anh có tình cảm đặc biệt với Giêma, nhưng Giêma lại theo đạo Tin lành còn anh thì khác đạo với cô. Áctơ không chỉ là một thanh niên mang chất "thép" của người cách mạng mà anh còn là con người sống giàu tình cảm...Áctơ đã từng bị Giema nghi ngờ, và anh đã cảm thấy như bị xúc phạm, đau đớn cho bản thân, nhưng không vì thế mà ngọn lửa tình cảm của anh đối với cô bị lụi tàn. Sau một lần xưng tội với một linh mục, ông này lại là tay sai của đế quốc Áo, Áctơ và nhóm của anh đã bị bắt giữ. Cùng lúc đó, anh đã biết được sự thật: anh chính là đứa con ngoài giá thú của vị cố đạo, vì ông theo Thiên chúa giáo nên không dám công khai sự thật này. Sự thật biết được quả là đau đớn: anh bị cha của mình lừa, giáo hội lừa, Giêma thì nghi ngờ...Sau khi được thả ra, anh đã bắt đầu một cuộc sống mới, lưu lạc qua Nam Mỹ, gặp nhiều hiểm nguy, nỗi bất hạnh, cay đắng và trở thành một người khác có cá tính mạnh mẽ, sắc sảo hơn với tên Rivarex hay bí danh là Ruồi trâu. Con đường hoạt động của anh càng ngày càng đối lập hoàn toàn với người cha, Hồng y  Giáo chủ Môntaneli. Anh đã trở lại nước Ý để phục thù những gì đã lừa dối anh, ngoại trừ cha mình. Trong một cuộc trận đấu với bọn mật thám, Ruồi trâu bị bắt và bị kết án tử hình. Nhưng anh hoàn toàn cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện trước cái chết này, "Phần tôi, tôi sẽ bước ra pháp trường, tâm hồn thư thái như bất kỳ chú bé nào đang về nhà nghỉ ngơi. Tôi đã làm xong công việc được giao phó, và bản án tử hình kia là bằng chứng cho thấy tôi đã hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn". Anh chỉ còn niềm ao ước cuối là nói với Giêma, rằng anh rất yêu cô cho đến tận những giây phút cuối đời này. Anh đã viết câu thơ về cuộc đời của mình :
Đó là tôi
Dù kiếp ruồi
Sống hay chết
Vẫn tươi vui

Nguồn NET

J.S.Bach và The Invention No 13

         John Edensor Littlewood-nhà toán học người Anh đã từng nói: “ Tôi chỉ nghe nhạc của Bach, Beethoven hay Mozart. Cuộc đời quá ngắn ngủi để tiêu tốn thời gian cho những nhà soạn nhạc khác”.
            Phải, tôi cũng cảm nhận vậy.  Nhạc của Johann Sebastian Bach(1685 - 1750) thấm đậm chất Baroque, đã tạo nên bước ngoặt quan trọng của lịch sử âm nhạc phương Tây, đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của thời kỳ âm nhạc Baroque và mang trong mình những mầm mống đầu tiên của một thời kỳ mới đầy sức sống và hơi thở của mọi thời đại, thời kỳ Cổ điển và Lãng mạn sau này
            Nhạc Baroque sống động và có pulse (sự rung, nhịp…). Bây giờ người ta chế ra nhịp và gọi nó là beat (nhịp) rồi cứ tưởng là đang sáng tạo, thực ra nó chính là pulse trước kia. Nhạc của J.S.Bach viết cũng đầy beat đấy. Chính cái sáng tạo trong nhạc của Bach đã làm nhạc của ông trở nên bất tử.
            The Invention No.13 cung La thứ (A Minor) là một trong 15 bản Invention J.S.Bach soạn cho đàn Clavico (dương cầm cổ điển), bản này tôi đã từng nghe người ta chơi bằng mandolin cũng hấp dẫn vô cùng…

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

”The piano” của nữ đạo diễn Jane Campion



  Nếu ai đã từng thưởng thức “The Piano” một lần, chắc hẳn sẽ không thể nào quên một tác phẩm điện ảnh mà ở đó chứa đựng sức hấp dẫn và ám ảnh khôn cùng.
  Bộ phim do nữ đạo diễn Jane Campion sản xuất đã thành công khi dành được rất nhiều đề cử trong Oscar năm 1993 và chính thức đoạt được giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Holly Hunter), nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Anna Paquin) và kịch bản gốc hay nhất, Giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993 cùng với rất nhiều những giải thưởng quốc tế khác. 
Câu chuyện phim diễn ra vào khoảng giữa thế kỉ 19, kể về một người phụ nữ bị câm từ nhiều năm tên là Ada ( Holly Hunter thủ vai), cô đến một vùng núi hẻo lánh của xứ New Zealand cùng đứa con gái nhỏ Flora (Anna Paquin thủ vai) để bắt đầu cuộc cuộc hôn nhân sắp đặt của người cha với một địa chủ giàu có trong vùng. Trong chuyến đi ấy, hai mẹ con Ada đã cố gắng mang theo cây đàn piano yêu quý nhưng đến vùng đất của người chồng mới thì anh ta đã bỏ lại cây đàn ngay ở bờ biển. Ada hằng ngày nhìn ngắm cây đàn qua khung cửa sổ mà lòng tê dại.

Thứ Sáu, 23 tháng 8, 2013

Sơn La -Thành phố của Huyền thoại và Lịch sử

Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn ; Hình minh họa: Trần Quang Trung
Tặng em gái Diệu Trinh
Tôi trở lại Sơn La vào lúc những cánh hoa ban đang lấp ló qua song sắt nhà ngục cũ. 
Đã từng có một thời, chưa thật xa lắm, có một câu hát nặng trĩu tâm tư của của không ít thế hệ người Việt Nam yêu nước: "Sơn La âm u núi khuất trong sương mù..." Nhưng cái ấn tượng hãi hùng của một vùng đất từng được coi là "Vương quốc của sự tù đày" đó đã vĩnh viễn lùi sâu trong dĩ vãng! Và cái thị xã phố núi đơn điệu nghèo nàn in hằn trong tuổi trẻ của tôi giờ cũng chẳng còn mấy dấu tích trọn vẹn...
Ngày hôm nay, nếu ai có dịp đến lần đầu, hoặc người quay trở lại với thành phố Sơn La sau khoảng chục năm- sẽ phải ngẩn người sững sờ trước những vẻ đẹp kỳ diệu của một đô thị giữa vùng núi non Tây Bắc hiểm trở- cái vẻ đẹp do thiên nhiên tạo ra, lại được bàn tay con người tô đắp trên cơ sở của những huyền thoại và xương máu của lịch sử... Nằm ở trung tâm tỉnh Sơn La, địa hình thành phố có nét đặc trưng của miền phố núi: đồng ruộng, phố phường và làng bản xen kẽ nhau ẩn khuất giữa núi non hùng vĩ. Không phải ngẫu nhiên mà thị xã Sơn La từng được mệnh danh là "Thị -xã- nhà- sàn"... Những dãy núi đá vôi nối tiếp nhau trùng điệp, nhiều ngọn cao vút sừng sững, có nhiều hang động với thạch nhũ kỳ diệu... Những dãy núi đất xen kẽ với đồng ruộng, phiêng bãi thận tiện cho việc phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thực... Dòng suối Nậm La bắt nguồn từ xã Mường Chanh huyện Mai Sơn chảy giữa thành phố tựa một dải lụa mềm tạo cho thành phố phong cảnh sơn thủy hữu tình, đồng thời là nguồn nước chính tưới tiêu cho đồng ruộng. Suối Bản Cá và các mó nước nằm rải rác trong các bản là nguồn nước cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả thành phố.

Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

Nocturne op.37, no.1 in G Minor của Frédéric Chopin

       Nocturne op.37, no.1 cung Sol thứ (G Minor) ra đời trong mùa đông 1838-1839, thời gian  Frédéric Chopin  đang ở đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác. Thời gian này ông đang cùng Aurore Dudevant– quả phụ của nam tước Casimir Dudevant, một phụ nữ có đôi mắt to, đen và u buồn  hơn ông 6 tuổi , được giới văn chương biết đến với bút danh George Sand sống ẩn dật tại Valdermona – Majorca, đây cũng là một kiệt tác trong những kiệt tác của ông…
         Từng nốt nhạc rơi vào khoảng không, lơ lửng, rồi cứ lặng lẽ thấm vào cơ thể, vào tim vào máu…làm người ta vừa chơi vơi vừa vấn vương, vừa đau, vừa nuối tiếc…nhưng vẫn tràn trề hy vọng một tình yêu chợt đến…mà vĩnh cửu…Ôi, thật tuyệt vời khi nghe F. Chopin’s Nocturnes 

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

TIẾNG ĐÀN CỦA MẸ

Kính tặng mẹ
  Nguyễn Anh Tuấn(Đạo diễn-Nhà văn)




Cứ mỗi sớm, nắng rọi một góc nhà
tiếng đàn của mẹ lại ngân lên
con ngắt dây điện thoại bàn và tắt máy cầm tay
bất giác thở nhè nhẹ…

Ly cà phê mẹ pha

Gửi Duy Đức

  Con trai yêu của mẹ, mỗi lần  đọc bài thơ này của con mẹ lại rưng rưng lệ. Con làm bài thơ này tặng mẹ khi đang công tác  tại Kuala lumpur (Malaysia)….Lúc nào mẹ cũng hình dung  gương mặt “baby’ của con và cái mỉm cười đáng yêu…nụ cười của con trong sáng biết bao!
  Con trai của mẹ, sáng sớm nay con nhắn tin cho mẹ về ngày lễ Vu lan, mẹ òa khóc, con vẫn luôn luôn là con trai  thương yêu, hiếu thảo của mẹ. Cám ơn con của mẹ,  chúc con hạnh phúc và may mắn!

*
Ly cà phê mẹ pha
Sớm tinh sương là sớm
Ngọt sao mà ngọt ngào
như dòng sữa mẹ cho con bú thuở ấu thơ,
như tiếng mẹ thủ thỉ bên tai con sáng sáng,
như vòng tay mẹ âu yếm con đêm đêm.

Ly cà phê mẹ pha
Có vị những nhọc nhằn con chẳng hề hay biết
và những lo lắng bạc cả mái đầu
Đắng
Đằm trong con một cả một trời yêu thương
Ly cà phê mẹ pha
Ngân nga
Theo những bài ca con ngày ngày nghe trên đường lên công sở

Ly cà phê mẹ pha
Đậm ơi là đậm đà
như tình mẹ bao la...

By Duy Đức (Tịnh Đức) 

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Rằm tháng 7 và lễ Vu Lan

 
Đi tìm những "ẩn ức tâm linh" trong ngày Rằm tháng 7 ở châu Á

 Tại nhiều nước châu Á, ngày Rằm tháng 7 âm lịch được coi là ngày dành cho người âm và tháng 7 cũng được coi là tháng âm (còn được gọi là tháng cô hồn)
Người ta tin rằng, trong suốt tháng 7 và đặc biệt vào ngày Rằm tháng 7, những linh hồn từ dưới âm phủ, gồm cả linh hồn của tổ tiên và những cô hồn phiêu dạt sẽ từ dưới địa phủ quay về dương thế.
Rằm tháng 7, hay còn được gọi là lễ “xá tội vong nhân”, là một ngày lễ lớn, quan trọng trong phong tục của nhiều nước Á Đông. Lễ này trùng với lễ Vu Lan, vốn là lễ báo hiếu, cũng là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo.
Không giống như những ngày lễ khác trong năm, khi người sống nhớ về người chết, người ta tin rằng Rằm tháng 7 là dịp để người chết quay về thăm người sống và thụ hưởng những lễ vật mà người thân cúng cho.
Bản chất của ngày Rằm tháng 7 cũng giống như lễ Vu Lan, vốn là để tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên. Người ta quan niệm, vào ngày 15/7 âm lịch, những linh hồn người chết ở dưới âm phủ sẽ được xóa bỏ mọi tội lỗi. Theo tín ngưỡng dân gian, đây là ngày mở cửa âm phủ, “xá tội vong nhân” (bỏ qua mọi tội lỗi cho người chết).

Mẹ tôi

      Tôi sinh ra và lớn lên trong tiếng hát ru của mẹ, những bản tình ca lãng mạn, êm ái, du dương , say đắm lòng người .
     Mẹ tôi từng là nữ sinh trường xơ và Đồng khánh -  ngôi trường khá nổi tiếng thời bấy giờ. Thật bất hạnh cho tuổi ấu thơ của mẹ, từ lúc mẹ chưa dầy 6 tháng tuổi bà ngoại đã mất, cuộc sống của mẹ gắn bó với hai người anh trai  - sau này trờ thành hai nhạc sĩ  sáng tác.
      Mẹ thật vô tư và nghệ sĩ, những năm tháng chiến tranh, gian khổ, vất vả, 5 đứa con nheo nhóc, nhưng mẹ vẫn luôn vui tươi , không hề kêu ca, than vãn. Chiếc đàn măng đô lin trong tay mẹ luôn luôn cháy bỏng những tình khúc tuyệt diệu ca ngợi cuộc sống, tình yêu và những giấc mơ huyền ảo.
        Từ lúc còn rất nhỏ, tôi đã bập bẹ , ngọng lứu ngọng lô hát theo mẹ, theo các anh, chị gái những bản tình ca bất hủ như : Serenade (F.Chubert), Riverie (Shumann), trở về Suriento (dân ca Ý)… ca khúc Bẽ bàng của người bác ruột – anh trai của mẹ, người đã  dẫn dắt mẹ chập chững bước vào cánh cửa trường Âm nhạc Việt nam (lúc đó rất hoang sơ vì mọi người vừa từ chiến khu trở về).
     Nhiều lúc tôi tự hỏi và tiếc nuối cho bản thân mình: Vì sao tôi không theo con đường âm nhạc???
     Giờ đây, mẹ đã 86 tuổi – cái tuổi “xưa nay hiếm”, bệnh tật và sự già yếu tấn công mẹ từng giờ từng phút. Tôi bay ra Hà nội trong những ngày mưa tầm tã cuối tháng 7, vừa nhìn thấy tôi , mẹ đã nói: “Hai mẹ con mình chơi đàn đi” trong tình trạng  phải có người dìu từng bước.
    Và mẹ hát, một bài hát tiếng Anh “ One day” mà mẹ biết từ  năm lên 10 tuổi , nghĩa là cách đây đã 76 năm,  bài hát cung Đô trưởng, nhịp ¾. Tôi sững sờ vì hình như tôi có nghe mẹ hát nhiều mà không nhớ, rồi vội vàng tìm trên mạng. Nhưng có lẽ bài hát này đã quá xưa, lớp người trước đã xuống suối vàng nên không thể tìm thấy dư âm của nó.
    Tôi vội vàng ghi lại những câu mẹ hát, câu được câu chăng, mẹ đã quên rất nhiều : “one day …sunday morning…You’ve told me you loved me…when I married you in the sunday morning…”. 
     Và, tôi ngồi vào chiếc dương cầm dạo luôn bản nhạc đó, vừa dàn vừa khóc.
     Ôi mẹ của tôi, dường như  âm nhạc đã làm mẹ khỏe lại.

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

Chopin Nocturne C minor (Đô thứ ) Op.48, no.1

Nocturne cung Đô thứ Op.48, no.1  là  bản Dạ khúc có thể nói là gần như phức tạp nhất của Frédéric Chopin (22/2/1810 - 17/10/1849) , được các nhà phê bình âm nhạc đánh giá là một trong những cảm xúc tuyệt vời và sâu sắc nhất mà Chopin từng đạt tới, một trong những dạ khúc dài nhất và kịch tính nhất. Nó cũng là một tác phẩm đặc biệt phức tạp về kỹ thuật, đạt đến hiệu quả khí nhạc tinh xảo và ấn tượng mạnh mẽ một cách bất thường.
Mang đặc trưng của một tác phẩm được viết ở giọng Đô thứ, đặc trưng anh hùng ca, quả cảm,  người ta nhận thấy ở trong nó một bi kịch nội tâm, sự chiến đấu giằng xé giữa tình yêu nồng ấm và nỗi tuyệt vọng đến lặng người. Vẻ ngoài êm đềm thản nhiên không thể che giấu nổi nỗi đau u uất nghẹn ngào, và chính những giai điệu êm đềm ấy lại bỗng nhiên trở nên xáo động dồn dập, và để rồi, sụp đổ trong những âm hình nghiệt ngã... Và như nhà soạn nhạc kiêm nghệ sỹ piano vĩ đại Franz Liszt từng viết: "Chỉ duy nhất một thiên tài như Chopin mới đem lại cho thể loại dạ khúc tính chất nhạy cảm tinh tế và tình yêu mãnh liệt nồng cháy đến thế. Các dạ khúc thơ mộng của Chopin không chỉ hát lên những bài ca du dương lòng người với những hoài niệm thanh cao dịu ngọt, mà còn lay động đến tâm trí con người những nỗi day dứt hoang mang đến khó thở."
Nguồn: Net

Nghe F. Chopin's Waltzs

Waltz (Valse)  là một trong những thể loại mà Frédéric Chopin đã sáng tác trải dài suốt cuộc đời mình.  Arthur Hedley ( 1905 - 1969),  nhà nghiên cứu  âm nhạc  người Anh , người viết tiểu sử của Frédéric Chopin đã nhận xét rằng “Những điệu valse của Chopin chưa bao giờ có ý dành cho những con người trần tục khiêu vũ cả”.  Đúng vậy, valse của Chopin là để dành cho những phòng khách của giới quý tộc, chúng là những tác phẩm tinh xảo mà trong đó, ẩn chứa đằng sau cái lộng lẫy và vẻ quyến rũ là những cảm xúc sâu xa.

Lúc này nghe hai bản nhạc này của  F.Chopin thấy hết căng thẳng, âu lo, mệt mỏi…

Chopin Waltz  in Op. 64 số 2,  (C Sharp minor), do Valentina Lisitsa ( Валентина Лисиця) nghệ sĩ  piano sinh năm 1973  người  Ucraina trình bày


 Chopin: Waltz Op.69 No.2 (B minor), do Vladimir Davidovich Ashkenazy (Влади́мир Дави́дович Ашкена́зи) nghệ sĩ piano sinh 1937 tại Nga thể hiện.

Thứ Năm, 15 tháng 8, 2013

Về hai bản nhạc : Sonata No. 14 in C-sharp minor của L.V.Beethoven Và Fantaisie-Impromptu Op 66 [posthumous] của Frédéric Chopin

  Ludwig Van Beethoven(1770 - 1827) sáng tác bản Sonata cho piano số 14 cung đô thăng thứ ( C-sharp minor)  năm 1801 và đề tặng cho cô học trò 17 tuổi của mình là nữ bá tước Giulietta Guicciardi. Thật ra cô học trò quí tộc này đã cự tuyệt mối tình của chàng nhạc sĩ tài hoa đa tình, chính vì sự đau khổ tuyệt vọng ấy mà  bản nhạc huyền thoại này đã ra đời …vài năm sau khi L.V.Beethoven  mất, nhà thơ và cũng là nhà phê bình âm nhạc Đức Ludwig Rellstab đã so sánh những giai điệu mượt mà trong chương đầu của tác phẩm với ánh trăng trên hồ Lucerne. Từ đó bản nhạc này được mọi người biết đến dưới cái tên "Sonata ánh trăng".(Moonlight Sonata).



   Bản Fantaisie-Impromptu Op 66 [posthumous] của Frédéric Chopin (1810-1849) sáng tác năm 1835 chỉ được xuất bản sau khi Chopin đã qua đời nên xuất phẩm (opus) được đánh số 66 vì suốt đời ông chỉ sáng tác và cho xuất bản có 65 opus. Julian  Fontana ( 1810 - 1869) -  nghệ sĩ piano Ba lan, nhà soạn nhạc , luật sư , tác giả  …đã  đưa tác phẩm này của ông ra công chúng, mặc dù nhạc sĩ không yêu cầu…
Hai bản nhạc tuyệt vời cùng cung Đô thăng thứ (in C-sharp minor) cách nhau 34  năm của hai nhạc sĩ thiên tài của hai  nước  Đức ( L.V.Beethoven )- Ba Lan (F. Chopin) dường như hơi giống nhau  về nhịp điệu và âm sắc khiến ta có cảm tưởng như F. Chopin lấy cảm hứng từ  Moonlight Sonata và đã hoàn thiện giai điệu và âm sắc đến đỉnh cao…của sự tinh tế và lãng mạn…Chỉ sau hai nhịp đầu, những nốt nhạc trong vắt như pha lê đã dồn dập bay bổng lên xuống trên những phím đàn với phong cách tự do, thoải mái, không hề bị gò bó, thật đúng như ý nghĩa của Fantasie – impromptu (ngẫu hứng).
Bản này có  nhiều người đã thể hiện, nhưng phần trình bày của Yundi Li -  nghệ sĩ piano người Trung quốc sinh năm 1982, người đạt giải nhất kỳ thi piano quốc tế mang tên Chopin năm 2000 khi mới 18 tuổi là mình thấy dường như đã thổi thêm  luồng sinh khí mới cho bản nhạc, bay bổng hơn, sắc cạnh hơn, và đậm chất Chopin hơn....

Ký ức tuổi thơ : Bố tôi

     Bố tôi từng là học sinh trường Bưởi (nay là trường THPT Chu Văn An – Hà nội). Ông nội tôi (mà tôi chưa biết mặt vì đã mất trước khi tôi ra đời) luôn mong muốn bố sẽ đi theo con đường kinh doanh…nhưng bố tôi thì lại thiên hướng hội họa, ngoại ngữ…Ông vẽ suốt ngày, và tiếng Pháp ông nói chuẩn tới mức mọi người tưởng ông là … người Pháp.
   Tôi là con út nên được cả nhà chiều chuộng, nhất là bố tôi.
  Tôi thuộc lòng một triết lý cuộc sống của bố bằng tiếng la tinh mà ông luôn luôn nhắn nhủ các con, các cháu :“Shiva piano, va sano; shiva sano, va long tano”
nghĩa là “Ai đi một cách nhẹ nhàng như tiếng đàn dương cầm, sẽ đi được tốt, ai đi được tốt, sẽ đi được xa” , triết lý này đã theo tôi cả cuộc đời , đã giúp tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.
  Hồi đó, trước cửa nhà tôi là chậu hoa quỳnh rất đẹp, bố tôi thường bón cây bằng bã trà…bạn thân của bố tôi là bác BXP (một họa sĩ nổi tiếng về phố cổ Hà nội) sáng sáng lại đến rủ bố đi uống cà phê ở góc phố Nguyễn Thái Học và Cửa nam. Mỗi lần bác đến là mỗi lần lại băn khoăn hỏi bố tôi: Toa* ơi, moa* không hiểu tại sao toa không trồng thêm cành giao? moa sẽ kiếm cho toa một cây cành giao nhé.
Và bố tôi lại cười : moa lại thích quỳnh thôi.

    Bố tôi rất thích tranh của Pierre-Auguste Renoir (1841 - 1919) - một họa sĩ người Pháp, ông đã họa lại bức tranh về  một cô bé ngồi bên dương cầm cùng người mẹ*, và trân trọng treo trên tường nhìn ra cửa sổ… Bác P. rất thích bức tranh này, cứ bảo bố tôi tặng lại…và bố tôi cũng im lặng cười mà không nói một câu.
    Thế rồi hai ông lại đi bộ ra quán cà phê quen thuộc.
Tôi lẽo đẽo đòi theo sau, bố tôi nói: con ở nhà, lát nữa  về bố con mình đọc lại bài thơ học tiếng pháp nhé…bài thơ đó viết phiên âm dạng bồi như sau mà tôi vẫn còn nhớ như in từ khi mới 4 tuổi:
Mông ta như núi, pho rê - rừng
Rut xô là suối
Cooc thừng- lên dây
Manh xơ- mỏng, ê pe- dầy
Luếch din là sự đi đày phương xa
Cana - vịt, la pun- gà
Em mê - yêu mến thưa bà - ma đam…
    Giờ đây bố  đã là người thiên cổ , chắc hàng ngày vẫn cùng với ông bạn thân của mình lang thang những góc phố vô hình, cùng thưởng thức những ly cà phê đen pha đúng kiểu, đúng vị, và nói chuyện về thơ, về hội họa, về cuộc đời…những tâm sự muôn thuở của con người kể cả trên trần thế cũng như dưới cõi âm.
   Nhưng mỗi khi nói đến bố, tôi lại mỉm cười và hãnh diện, tự hào vì tôi là con của bố..

* Toi, moi (toa, moa): ông, tôi – cách xưng hô thường dùng của bố và các bạn (tiếng pháp)
* Đó là bức tranh Two young gilrs at the piano (hai thiếu nữ bên cây đàn piano), Renoir sáng tác vào khoảng 1891-1892. Ký ức hồi nhỏ của tôi là mẹ và cô bé, nên tôi ghi lại theo ký ức

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

Hướng dẫn tập Yoga tại nhà

Hướng dẫn tập Thiền

 

Click vào đường dẫn NÀY để xem video trên YouTube

 Năm Thức Yoga Tây Tạng

 

Bát Nhã Tâm kinh

Bat nha tâm kinh tiếng Phạn 



Nguyên lý vô thường trong triết học Phật giáo


   “Tất cả là vô thường” là một trong ba nguyên lý căn bản của Phật giáo (vô thường, vô ngã và niết-bàn tịch tịnh). Ba nguyên lý[1] này dựa trên toàn bộ cấu trúc của đạo Phật: Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Tiểu thừa) và Phật giáo Đại thừa.

Yakami Sogen
Những tín đồ của Phật giáo Đại thừa, chính họ đã xác nhận bằng sự tương phản với Phật giáo Tiểu thừa về sự thành lập một nguyên lý cao siêu, đặc biệt hơn ngay trong chính họ, đó là niềm tin qua lời phát biểu của Sarvam Tathātvam: “Tất cả là như vậy”. Song, nguyên lý này không phải là tiêu điểm trong bất cứ sự mới lạ nào. Bởi vì, lý lẽ hợp nhất sẽ đưa đến kết luận xác thực về ba nguyên lý trình bày ở trên, mà niết-bàn là tối thắng. Trong tất cả kinh điển thường đề cập đến “Tất cả là khổ”, vấn đề này cũng được xem như là tiêu điểm đầu tiên trong cuộc sống. Vì không có gì hơn hệ luận thứ nhất là nguyên lý tối thượng, cái mà tạo nên chân lý trong thế giới hiện tượng “Tất cả là vô thường”. Theo quan điểm của các triết gia: “Bất cứ cái gì vô thường đều dẫn đến khổ đau; Tự ngã cũng như vậy”. Do đó, chúng ta sẽ không nhầm lẫn khi nhận biết rằng ba nguyên lý trên là giáo lý căn bản của đạo Phật, mang nét đặc thù từ tất cả hệ thống tôn giáo trong lịch sử nhân loại.
TIẾN TRÌNH KHẢO SÁT NGUYÊN LÝ VÔ THƯỜNG

Những điều cơ bản về Phật học (Bài 2 - Pháp)

Tác giả: Nguyên Minh

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN VỀ PHẬT HỌC - BÀI 2 - PHÁP

Pháp là một thuật ngữ Phật học có rất nhiều nghĩa và có thể làm cho ta hiểu sai ý nghĩa của kinh văn.
PHÁP trong Phật - Pháp - Tăng có hai nghĩa:
- Pháp là lời dạy của Đức Phật hoặc kinh giáo, giáo pháp.
- Pháp là Sự Thật, Thực tại hiện tiền, chân lý, bản thể của thực tại, là cái đang là.
PHÁP trong Sắc - Thanh - Hương - Vị - Xúc - Pháp là đối tượng của Ý. Khi ta nhìn một vật, một sự việc ta lưu nó vào bộ nhớ nó trở thành một pháp và trở thành đối tượng của ý. Ở đây Pháp có nghĩa là những ý tưởng, những quan niệm, khái niệm.
PHÁP mà Đức Phật khai thị là thực tại hiện tiền phi thời gian.
PHÁP cũng có nghĩa là nguyên lý của vũ trụ, luật duyên khởi.
PHÁP cũng có nghĩa là lời nói, thái độ, hành xử, trạng thái tâm... (thiện pháp, bất thiện pháp).
PHÁP = Nhậm trì tự tánh, quỉ sanh vật giải = giữ gìn cái tự tánh, giữ gìn cái tánh chất riêng, để từ đó người ta có thể biết, phân biệt được vật này khác với vật kia. (bất cứ cái gì mà nó có thể giữ được hình dáng và tính chất riêng của nó, để khi nhìn vào có thể phân biệt được với vật khác, thì gọi là Pháp.)
Pháp cũng có nghĩa là: hiện tượng, trạng thái, yếu tố cơ bản... (xin xem phần phụ lục "Tất cả đều là dhamma" của Buddhadasa Bhikkhu)
Pháp có hai loại: Pháp vô vi, Pháp hữu vi.
- Pháp vô vi: Niết bàn
- Pháp hữu vi có hai loại: Hữu vi khách quan do duyên sinh một cách tự nhiên không phải là nguyên nhân của khổ; và hữu vi chủ quan do tư ý tư dục tạo tác là nguyên nhân gây đau khổ.
Trích từ "Phật giáo truyền thống đại thừa" của GESH KELSANG GYATSO:

Hà nội những ngày cuối tháng 7/ 2013

Mưa…
Mưa rả rích níu chân người Hà nội
mưa thấm từng ngõ hẻm
từng con phố
mưa ngạo nghễ dạo chơi trên những bức tường rêu phong cổ kính
rồi hồ Hoàn kiếm, Trúc bạch, hồ Tây
làm hoa sữa giận hờn …quên tỏa hương thơm ngát
Đâu đó vẫn thấp thoáng ẩn hiện
những chàng trai, cô gái Hà nội xưa…
thanh lịch, e ấp, dịu dàng , nhưng vô cùng dũng mãnh
vai đeo ba lô, chân đi dép cao su “bình trị thiên khói lửa”
hối hả...
vội vã...
bước vào cuộc chiến bảo vệ đất Thăng Long.
Ôi những kỷ niệm…như sương khói giữa chiều mưa Hà nội
những góc phố vắng lặng tiếng cười
Những kỷ niệm…tựa đám rêu phong
trơn quá
làm trượt ngã bước chân
người tha hương…


Về bản Nocturne No. 21 in C minor của F. Chopin

   Mặc dù được xếp theo thứ tự là bài Dạ khúc ban đêm (nocturne) số 21 cung Đô thứ , thật ra đó là bản Nocturne thứ 13 của F. Chopin, tuy nhiên, do người ta mê tín cho là con số này không may mắn, nên bản Nocturne này chẳng có số , và các lần xuất bản chỉ ghi đơn giản là Chopin Nocturne in C minor, một số các xuất bản khác thì ghi là N21 hoặc N20a, một số thì đề là KKIVb N.8.
Tuy không nổi tiếng như các Nocturne khác như  11, 12, 20, op.48…nhưng bản này càng nghe càng thấy mê hoặc, thật tuyệt vời….
Bản này do Adam Harasiewicz (1932) - nghệ sĩ piano người Ba lan trình bày dưới đây. Harasiewicz  đã giành giải nhất trong kỳ thi piano quốc tế mang tên Chopin vào năm 1955.  Ông cũng là một thành viên của ban giám khảo tại các cuộc thi quốc tế Piano Frederick Chopin năm 1995 và năm 2010. 

Ảnh đẹp