Chủ Nhật, 22 tháng 12, 2013

Piano Sonata No. 23 in F Minor ( Fa thứ) "Appassionata", Op. 57 của Ludwig van Beethoven

Bản sonata viết cho piano số 23 giọng Fa thứ (F Minor) ấn phẩm số 57, thường được gọi là Sonata  “Appassionata” (Đam mê), được xem là một trong 3 sonata đỉnh cao thời kỳ “thành thục” của Ludwig van Beethoven (1770-1827), cùng với Sonata No. 26 “Les Adieux”, Op. 81a và Sonata No. 21 “Waldstein”, Op. 53 quen thuộc với tên gọi Sonata “Bình minh” bởi cảm hứng trong trẻo và tươi mới đem lại từ những giai điệu đầy sức sống. Tác phẩm được viết trong những năm 1804, 1805 và có lẽ cả trong năm 1806, đề tặng cho công tước Franz von Brunswick. Ấn phẩm đầu tiên xuất bản vào tháng 2 năm 1807 tại Vienna
Tác phẩm gồm 3 chương:
  Chương một ( Allegro assai)  chuyển động nhanh sau phần mở đầu gây ngạc nhiên trong việc thay đổi tone và nhịp độ. Chủ đề mở đầu dựa trên 2 motif tương phản. Motif đầu trầm lắng nhưng mang điềm báo đáng ngại, motif thứ hai rất ngắn chỉ với 4 nốt nhưng được nhắc lại quả quyết và đầy khó chịu, được lặp lại có quy luật gợi nhớ đến  âm hình “định mệnh gõ cửa” trong chương 1 bản Giao hưởng số 5 của nhạc sĩ sau này. Ngay sau hình ảnh đầy ám ảnh mang dáng vẻ của một thế lực đen tối này, motif đầu được nhắc lại ở giọng Son giáng trưởng tạo nên tương phản. Phần tóm tắt chủ đề 1 là đoạn chơi khá mạnh với sự hân hoan chiến thắng chuyển sang giọng Fa trưởng với sự thay đổi ví trí trên phím piano. Chủ đề 2 xuất hiện như là sự đảo ngược tự do của chủ đề chính mang màu sắc thanh thản và nét đẹp nhẹ nhàng. Tiếp đó là phần phát triển khi mà các chủ đề va chạm nhau, mâu  thuẫn đẩy dần lên cao trào với sự chiếm ưu thế của chủ đề 1. Cũng như  trong Sonata “Waldstein”, đoạn coda kéo dài một cách bất bình thường, chứa đựng phần ứng tác hợp âm rải trải rộng trên bàn phím piano. Việc tác giả lựa chọn giọng Fa được nhanh chóng làm sáng tỏ khi nhận thấy chương này thường xuyên sử dụng các tông tối và sâu của những nốt Fa thấp nhất trên đàn piano, cũng là nốt thấp nhất mà Beethoven đã sử dụng trong sáng tác sonata.
 Chương 2 (Andante con moto - attacca ) được xem như phần lắng dịu giữa 2 cơn bão. Chìm trong không khí ấm áp và thân tình, khá đồng nhất về giai điệu tương phản với sự phức tạp đan xen của chuyển động cũng như tính chất âm nhạc của chương trước. Không khí này có được nhờ cấu trúc chỉ gồm 1 chủ đề và các biến tấu với nhịp độ chậm, yên tĩnh và có tính chất tụng ca ở giọng Rê giáng trưởng. Chủ đề này gồm có 2 đoạn tám nhịp đều đặn được nhắc lại, đoạn thứ 2 bắt đầu ở giọng La giáng trưởng. Các khúc biến tấu lần lượt là :
Biến tấu đầu tương tự như chủ đề gốc, nhấn nhịp khác thường ở tay trái.
Biến tấu 2 là sự tô điểm thêm cho chủ đề chính với 16 nốt.
Biến tấu 3 với tốc độ nhanh, thêm vào 30 nốt. Thay cho việc nhắc lại, tay trái và tay phải mỗi bên đảm nhiệm một phần của chủ đề chính khi trở lại.
Biến tấu 4, đoạn nhắc đi nhắc lại chủ đề gốc với một chút thay đổi, thay thế đoạn kết ở nốt lặng, cặp đôi khép lại ở hợp âm quãng 7 giảm (ở tay phải?!), đầu tiên chơi pianissimo rất nhẹ, tính chất âm nhạc tươi mới, trong vắt… như gạn lọc, tẩy rửa… lúc đầu ở tay phải, rồi tiếp nối với cả 2 tay, sau một giây lát dường như ngơi nghỉ bất ngờ chơi rất mạnh, vang như tiếng sấm (so sánh theo mức độ tương phản với phần trước) và chuyển sang chương 3 không có đoạn nghỉ (attacca). Beethoven cũng đã kết chương 3 của Giao hưởng số 5 trong khi trạng thái căng thẳng vẫn chưa chấm dứt, để rồi chương 4 nối tiếp với tiếng kèn đồng hân hoan chiến thắng. Cũng như vậy, ở đây cũng có một đoạn kết không đuợc giải quyết hoàn toàn, nhưng sự trì hoãn lâu hơn so với bản Giao hưởng số 5.
 Chương 3 (Allegro ma non troppo - Presto )  có nhiều biến đổi khác thường, chỉ có phần thứ 2 là được chủ định sẽ nhắc lại. Chương này được dựa trên chủ đề có tính chất chuyển động không ngừng (perpetuum mobile)* với 16 nốt luân chuyển liên tục mà chỉ được ngắt quãng trong đoạn trình bày và đoạn coda (đoạn kết của 1 tác phẩm hoặc 1 chương). Đoạn coda xuất hiện với chủ đề hoàn toàn mới dựa trên hình thức nhịp đôi. Chuyển động của cảm xúc dẫn đến đỉnh điểm ở giọng Fa thứ án ngữ một cách vững chắc với sự hỗ trợ từ những âm át quãng bảy. Chương này là một tổ hợp giàu cảm xúc với nhịp bước gấp gáp, nếu không muốn nói là một cơn bão táp âm thanh.
Chú thích : * perpetuum mobile (tiếng Latin) được hiểu là một đoạn nhạc đặc trưng bởi sự chuyển động không ngừng của các nốt với nhịp nhanh. Toàn bộ hoặc một phần đáng kể thường được nhắc đi nhắc lại mà không bị giới hạn bởi số lần. Kỹ thuật này cũng xuất hiện trong chương cuối Piano Sonata No. 17 “Tempest” (Bão táp) của Beethoven, hay trong Piano sonata No. 2 của Frédéric Chopin… và được thể hiện bởi dàn nhạc như trong chương cuối Concerto cho dàn nhạc của Béla Bartok. Trong một vài trường hợp, thể canon cũng có thể được chơi theo kiểu moto perpetuo, lúc đó được gọi là canon perpetuus.
Motif:  Motif hay nhạc tố là yếu tố nhỏ nhất của một ca khúc hay tác phẩm âm nhạc. Một hoặc hai motif tạo nên âm hình có đầy đủ phách mạnh và phách yếu. Thường một motif gồm chỉ vài ba nốt nhạc. Motif ngắn và nổi tiếng nhất có lẽ là “tiếng gõ cửa” trong giao hưởng số 5 của Beethoven
 Theo Lê Long (nhaccodien.info) – (Edited and completed by Nhã Lan)

Claudio Arrau León ( 1903 - 1991) - nghệ sĩ Piano nổi tiếng người Chi lê trình bày tác phẩm này ( 3 chương, mình thích nhất chương 3)

* Còn đây là phân trình bày của Arthur Rubinstein
Chương 1-  Allegro Assai - Arthur Rubinstein

Chương 2 - Andante Con Moto - Arthur Rubinstein

 

Chương 3 - Allegro Non Troppo - Arthur Rubinstein trình bày


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét