Giữa Sài Gòn sôi động, cuốn hút vào những
cuộc mưu sinh không ít căng thẳng và mệt mỏi, đôi khi tôi thả mình vào ký ức về
gia đình để tìm lại sự bình thản, niềm an ủi thực kỳ diệu.
Trong nguồn ký ức đó có hình ảnh của cô tôi - người cũng đang sống ở Thành phố
lớn ầm ào này. Và tôi hay nhớ về những ngày cuối tháng 12 năm 1972 kinh hoàng
đó…Khi đó, cô tôi mới sinh em gái được 4 tháng. Cô vẫn công tác ở
Hà nội vì cơ quan của cô chưa phải đi sơ tán.
Cô là em ruột bố tôi. Trước đây cô là sinh viên khóa đầu của trường
Đại học Bách khoa –ngôi trường hình như chỉ dành cho cánh “mày râu” đạp trời đạp
đất, nhưng cô tôi vẫn nổi bật là sinh viên ưu tú hát hay, học giỏi và nhiều
anh chàng đã từng thầm thương trộm nhớ…
Ngày 18/12/1972, đang nằm chơi với con gái mới sinh của cô trên giường,
bỗng tôi giật mình vì hồi còi báo động vang lên khẩn cấp, kèm theo tiếng
loa phát thanh : “Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà nội
60 cây số, các lực lượng vũ trang chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu…!”
Tai tôi như bị ù đi vì tiếng máy bay gầm rú và những tiếng nổ kinh hoàng, từng
lớp vữa trên trần nhà thi nhau rớt xuống. Tôi vội vã xốc em lên tay, loạng
choạng chạy ra sân sau, nhảy xuống hầm (gọi là hồ nước ngầm nhưng cạn nước
vì vào mùa đông, rộng bằng cái sân sau, khoảng chừng 15m2, mà thường ngày
tôi rất sợ khi nhìn xuống đó). Con bé chẳng hề khóc, cứ mở to đôi mắt nhìn chị
lóng ngóng vừa ôm mình vừa chạy. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bế em - cô tôi
không cho tôi bế vì sợ làm rơi em bé...
Tôi không hiểu vì sao lúc đó tôi có thể vừa bế em, vừa nhảy xuống bể ngầm sâu gần
2m như vậy, mà không hề có một điểm tựa nào. Lúc mọi người đưa hai chị em
lên trên, ai nấy đều ngạc nhiên không thể tin nổi khi thấy cả hai đứa không hề
bị xây xát một chút gì. Dường như có một phép màu vậy…
Cả hai đêm 18,19/12/1972 tôi và cô tôi hầu như không được ngủ, vì những đợt
bom B52 cứ liên miên không ngớt. Em bé 4 tháng tuổi cứ giật mình khóc thét mỗi
lần có tiếng còi báo động và tiếng ầm ì dai dẳng, gớm ghiếc của máy bay B52.
Sáng 20/12/72, Hà Nội có lệnh sơ tán toàn bộ dân chúng- kể cả cơ quan thuộc
đầu não của cô tôi. Lúc đó, tôi không thể về nơi sơ tán Bắc ninh với bố mẹ được
nữa, vì các ngả đường đều bị phong tỏa và hầu như bị ném bom. Hai cô cháu
đi nhờ xe của quân đội về Hà tây, gia đình cô đang sơ tán ở đó. Hai ngày
hai đêm mất ngủ , cộng với sức khỏe còn chưa hồi phục sau khi sinh em bé, cô
tôi đã bị cảm, nóng hầm hập, gương mặt cô tôi lúc đó trông thật mệt mỏi,
nhưng vẫn đẹp làm sao, nhất là đôi mắt của cô, vừa hiền từ, nhân hậu nhưng vô
cùng kiên quyết! Sự bình thản, gan dạ, điềm tĩnh lạ thường của một người mẹ
đang bị cảm sốt với đứa bé nhỏ xíu trên tay hối hả rời thủ đô vào buổi sáng mùa
đông giá lạnh đã giúp tôi có thêm sức mạnh để quên sợ, quên mệt. Tôi cùng cô
tôi hòa vào dòng người di tản…
Khi xe quân đội dừng lại, hai cô cháu còn phải đi bộ thêm một đọan đường
khoảng 8km nữa mới tới nơi sơ tán. Không biết bằng cách nào cô kiếm được
cái xe đạp và cái cũi bằng gỗ, buộc đằng sau xe . Cái cũi lúc đó tôi có cảm
giác nuốt hết cả người cô, vì nó chỉ được đóng rất sơ sài bằng những thanh gỗ sần
sùi, to bản, còn lởm chởm những viền gỗ chưa được bào nhẵn, nó hoàn toàn đối lập
với một người mẹ trẻ dáng bé nhỏ, trông thật mong manh. Lúc đó là buổi chiều âm
u, lạnh thấu xương, hai cô cháu đi men theo những con đường nhỏ, hai bên chỉ là
ruộng và những hố bom sâu như những cái ao, những chiếc hầm cá nhân không
có nắp nằm chơ vơ bên đường. Thỉnh thoảng, cô dừng lại, bế em bé trong cũi ra ,
và bảo tôi nhảy xuống hầm cá nhân. Những lúc đó tôi chỉ kịp nhìn thấy đạn bay
vèo vèo qua người, cô tôi nhoài người ra che cho tôi trong khi tay vẫn ôm khư
khư em bé. Trời đã tối nhưng sáng rõ như ban ngày vì tia chớp lửa đạn. Nét mặt,
ánh mắt cô tôi lúc đó vẫn bình thản, kiên định cứ in sâu vào tâm trí tôi
cho đến tận giờ…
Hiện nay, tuy đã nhiều tuổi nhưng cô vẫn sáng suốt, minh mẫn, thông thái,
tế nhị như ngày nào. Đã từ lâu nay, cô luôn luôn là điểm tựa tinh thần , là tấm
gương cho các con các cháu, là niềm tự hào của cả dòng họ từng một thời vang
bóng ở Thành cổ Sơn Tây – thị xã Sơn tây.
Còn có một người nữa mà tôi không thể không nói đến khi kể về cô tôi, đó là người
bạn đời của cô, một bác sĩ quân y mà anh em tôi vẫn gọi đùa một cách kính trọng
là “Thầy lang”. Tôi sẽ kể về chú sớm nhất để những ấn tượng thân yêu về cô tôi
được rõ nét hơn.
Chẳng hiểu có phải do tình cờ của số phận hay không, cô đã ở bên
tôi trong những giây phút khó khăn, hiểm nguy nhất mà có lẽ tôi không bao
giờ quên…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét