Nhiều năm trước, khi còn là một thanh niên hai mươi tuổi, tôi làm nhân viên bán hàng cho một công ty bán đàn piano tại Saint Louis. Chúng tôi bán piano tới tất cả các tiểu bang bằng cách đăng quảng cáo trên các tờ báo của các thị trấn và sau khi nhận được đủ số trả lời đặt hàng, chúng tôi chất đàn lên xe tải, chở đi bán cho những người đã trả lời mua.
Cứ mỗi lần đăng lần quảng cáo tại vùng trồng bông ở Đông Nam Missouri, chúng tôi lại nhận được một trả lời của một bà già trên một tấm bưu thiếp: "Hãy chở đến đây một cây piano mới, màu huyết dụ, cho cháu gái nhỏ của tôi. Tôi có thể trả góp mỗi tháng 10 dollars tiền tôi bán trứng gà”. Bà già viết nguệch ngoạc kín tấm bưu thiếp, sau đó lại còn lật sang viết kín mặt trước và xung quanh rìa, chỉ chừa ra một chỗ vừa đủ để ghi địa chỉ.
Tất nhiên, chúng tôi không thể bán một cây piano với giá 10 dollars một tháng. Không một công ty tài chính nào sẽ buồn thực hiện một hợp đồng với các khoản thanh toán cỏn con như vậy, vì thế chúng tôi lờ những tấm bưu thiếp của bà già đi.
Tuy vậy, một ngày nọ, rất tình cờ tôi đã chở đàn tới bán tại vùng đó, và vì tò mò, tôi quyết định dò la tung tích của bà già này. Đúng như tôi đã hình dung: bà già sống trong một căn nhà một phòng lụp xụp giữa một cánh đồng trồng bông. Sàn nhà bẩn thỉu và trong nhà có nuôi cả gà. Rõ ràng, bà già không thể có đủ điều kiện mua trả góp bất cứ thứ gì. Bà không có xe hơi, điện thoại, thực sự không có việc làm, không có gì cả ngoài một mái che mưa nắng trên đầu mà đến cả cái mái nhà của bà cũng không được tốt lắm. Tôi có thể nhìn thấy ánh sáng trời chiếu qua vài chỗ dưới mái. Cô cháu nhỏ của bà khoảng 10 tuổi, đi đất và mặc một chiếc váy bằng vải bao đựng nông sản.
Tôi giải thích cho bà già rằng chúng tôi không thể bán một cây piano mới với giá trả góp 10 dollars mỗi tháng và bà đừng gửi thiếp cho chúng tôi mỗi khi đọc quảng cáo của chúng tôi nữa. Tôi buồn bã lái xe ra về, nhưng lời khuyên của tôi đã không có hiệu lực - cứ sáu tuần một lần bà già ấy vẫn lại gửi cho chúng tôi cái thiếp y như vậy. Thiếp viết rằng bà luôn mong ước một cây piano mới, làm ơn cho màu huyết dụ, và thề thốt rằng bà sẽ không bao giờ chậm trễ trả 10 dollars mỗi tháng. Thật là buồn.
Vài năm sau đó, tôi mở công ty piano riêng, và khi tôi đăng quảng cáo trong vùng đó, tôi lại bắt đầu nhận được các tấm bưu thiếp. Hàng tháng trời trôi qua tôi đã lờ đi. Liệu tôi có thể làm gì khác?
Nhưng sau đó, trong một lần chở đàn tới vùng này tự dưng tôi có một ý định. Tôi đang chở một cây piano màu huyết dụ trên chiếc xe tải nhỏ của tôi. Mặc dù biết rằng mình đã làm một quyết định kinh doanh khủng khiếp, tôi đã chở cây đàn đến chỗ bà già. Tôi nói với bà tôi sẽ đứng ra tự mình thực hiện hợp đồng trả góp 10 dollars mỗi tháng không lấy lãi, và điều đó có nghĩa là bà sẽ phải trả tiền 52 lần. Tôi chuyển cây piano mới vào nhà và đặt nó ở chỗ mà tôi nghĩ mái nhà có ít khả năng dột nhất. Tôi dặn bà và cô cháu gái canh chừng đừng để gà qué lảng vảng tới gần cây đàn, rồi tôi ra về đinh ninh rằng mình đã mất không một cây piano mới.
Nhưng tôi đã nhận được các khoản tiền thanh toán, 52 lần tất cả, đúng như đã thỏa thuận, đôi khi có cả những đồng xu được dán băng dính trên một bưu thiếp cỡ 3x5 inch bỏ trong phòng bì. Thật kinh ngạc!
Nhận đủ tiền, tôi quên bẵng chuyện này trong suốt 20 năm.
Thế rồi một hôm, trong một chuyến làm ăn tại Memphis, sau khi ăn tối tại nhà hàng trong khách sạn nơi tôi trọ, tôi đi ra ngoài sảnh. Trong khi đang ngồi uống rượu tại bar, tôi nghe thấy tiếng piano tuyệt hay từ phía sau tôi vọng tới. Tôi quay lại nhìn, và thấy một phụ nữ trẻ xinh đẹp đang chơi một cây grand piano cực tốt.
Bản thân vốn là một tay chơi piano đã đạt một trình độ nhất định, tôi kinh ngạc bởi tài nghệ của cô gái. Tôi cầm li rượu, chuyển chỗ ngồi tới một bàn cạnh cô ta để có thể vừa nghe lại vừa nhìn. Cô gái mỉm cười với tôi, hỏi tôi có yêu cầu chơi bài gì không, và trong lúc nghỉ chơi đàn, cô tới ngồi vào bàn tôi.
“Có phải ông chính là người đã bán piano cho bà tôi nhiều năm trước không?”.
Trí nhớ trực giác của tôi không phát bất cứ tín hiệu nào, nên tôi đề nghị cô giải thích.
Cô bắt đầu nói, và tôi đột nhiên nhớ lại. Trời ơi, đó là chính là cô ấy! Cô bé chân đất mặc váy bao gạo!
Cô nói tên cô là Elise và vì bà cô không đủ khả năng trả tiền học đàn, cô đã học chơi piano bằng nghe nhạc qua đài. Sau đó cô bắt đầu chơi trong nhà thờ nơi cô và bà cô đã phải đi bộ hơn hai dặm mới tới, rồi cô chơi trong trường, đã giành được nhiều giải thưởng và được tặng học bổng đi học âm nhạc. Cô đã kết hôn với một luật sư ở Memphis và chồng cô đã mua cho cô cây grand piano tuyệt đẹp này mà cô đang chơi tại đây.
Một ý nghĩ chợt đến với tôi. "Elise này," tôi hỏi, "Chỗ này hơi tối. Cây piano kia có màu gì vậy?".
"Màu huyết dụ," cô nói, "Tại sao ông hỏi vậy?".
Tôi không nói được nên lời.
Liệu cô ấy có hiểu được tầm quan trọng của màu huyết dụ không? Có hiểu được sự táo bạo không thể tin được của bà cô đòi mua một cây piano màu huyết dụ trong khi không một người bán đàn nào nghĩ rằng mình sẽ có thể bán bất cứ một cây piano nào cho bà? Tôi nghĩ rằng cô ta không hiểu.
Và rồi cả thành tựu kỳ diệu của cô bé xinh đẹp mặc chiếc váy bằng bao gạo từng phải chịu thiệt thòi khủng khiếp đó? Không, tôi chắc chắn rằng đến cả điều đó cô ấy cũng không hiểu.
Nhưng tôi thì hiểu, và cổ họng của tôi ngẹn lại.
Cuối cùng, tôi cũng cất giọng lại được. "Tôi chỉ muốn biết vậy thôi,” Tôi nói. “Tôi tự hào về cô, nhưng tôi phải về phòng”.
Và tôi đã phải chạy về phòng mình, vì đàn ông không thích bị người ta nhìn thấy mình khóc ở nơi công cộng.
(Nguyễn Đình Đăng dịch từ Joe Edwards, “The Red Mahogany Piano”.)
Chú giải của người dịch:
Tác giả Joe Edwards nguyên là một jazz pianist từng chơi tại các hộp đêm ở Kansas City. Về cuối đời, ông chuyển sang viết văn. Ông là tác giả tập truyện “Cây piano màu huyết dụ và các truyện ngắn khác”.
*) Huyết dụ: tạm dịch từ nguyên văn “red mahogany” tức màu mahogany đỏ. Mahogany là một loại gỗ từ cây mọc tại Trung Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi. Gỗ mahogany cứng, không cong vênh, màu nâu hoặc nâu đỏ, có vân rất đẹp khi đánh bóng, thường được dùng để làm các đồ gỗ đắt tiền, vỏ đàn piano, và giá thường cao hơn gỗ sồi (oak) hoặc gỗ cây óc chó (walnut). Ví dụ giá hiệu của một cây grand piano Steinway B211 (dài 2.11 m) mới tinh, màu đen tại Tokyo là khoảng 160 ngàn USD, nhưng nếu vỏ bằng gỗ walnut thì giá khoảng 170 ngàn USD, còn nếu vỏ bằng mahogany thì giá vọt lên 180 ngàn USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét