Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2013

TÍNH DÂN TỘC TRONG ĐIỆN ẢNH PHẢI CHĂNG LÀ MỘT THỨ XA SỈ PHẨM ?

Đạo diễn-nhà văn  NGUYỄN ANH TUẤN
Nhân Hội thảo: Tính dân tộc trong phim truyện VV(Tại Hà Nội, 30-8-2013)

Tôi phải xin lỗi trước với một tiêu đề như vậy- đó là một cách để bản thân tôi tránh xa những người thường mang cái gọi là “Tính dân tộc trong Đ/Ả” ra làm khiên che, làm bùa hộ mệnh cho những yếu kém trong tác phẩm của mình, tệ hơn là lấy nó làm “ông ngáo ộp” dọa người khác. Điện ảnh là một ngôn ngữ quốc tế, và nói như nhà điện ảnh học người Pháp Georges Sadoul: “là quan trọng nhất trong các nghệ thuật, đồng thời cũng là phổ cập nhất, tại các nước XHCN cũng như tại các nước tư bản CN” (LSĐA thế giới, NXB Ngoại văn & Trường ĐHSK-ĐA HN- trg 7). Nhưng phổ cập nhất, cũng có nghĩa nó cũng mang ở nội hàm của nó tính dân tộc khi phim nói tiếng của chính cái nơi mà phim được sản xuất-phát hành…
Hồi mới về Xưởng phim truyện VN (sau thành Hãng PTVN) hành nghề, một trong những ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là khi xem một bộ phim chiếu bản đầu tại cơ quan (tức là bản phim positif vừa hoàn thiện còn “tươi dãy đành đạch”, bản chưa phát hành): phim “Bao giờ cho đến tháng mười” của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Tới đoạn nhân vật Duyên (Ái Vân đóng) xem hát chèo “Trương Viên” trong sân đình, khi Trương Viên chia tay dặn dò người vợ để rồi sau đó cùng các trai tráng lên đường chống giặc, tôi đã không cầm được nước mắt. Lúc đó, nếu ai thuyết phục tôi rằng: cảnh gây xúc động đó là một thành công đặc biệt của tính dân tộc, tôi sẽ tin sái cổ. (Và hồi đó, bên cạnh những lùm xùm gây khó dễ cho tác giả phim là “đã tuyên truyền mê tín dị đoan” khi đưa lên màn ảnh phiên chợ Âm Dương”- cũng là một thứ dân tộc tính!- thì những lời khen phim tràn ngập cũng chủ yếu xoáy sâu vào “Tính dân tộc” của bộ phim). Nhưng với năm tháng, suy xét lại, tôi thấy rằng cái hay cùng những thành công của bộ phim này đâu phải là do “Tính dân tộc” mà người ta đã gán ghép một cách ép uổng! Người xem nước ngoài phần lớn đâu có hiểu/ thích chèo cổ VN, phiên chợ Âm Dương của đất Kinh Bắc…, nhưng sao họ thích thú, và đánh giá bộ phim trên là một trong 10 phim hay nhất của Châu Á thế kỷ XX? Đoạn trích chèo cổ đó thực ra đã được tác giả tính toán kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị chu đáo từ trước và đưa vào đúng chỗ, để nó trở thành một tình tiết hữu cơ & quan trọng của đường dây câu chuyện – xung đột phim, khiến người xem tới lúc đó hoàn toàn đồng cảm với tâm trạng & hoàn cảnh của nhân vật chính (Duyên). Khi ấy, tiếng hát nghẹn ngào của diễn viên chèo (dù âm thanh phim hồi đó rất tồi), áo mớ bảy mớ ba, giọt nước mắt chia ly của người đi người ở lại… mới có thể góp thêm ngọn gió đưa cảm xúc người xem phim bay lên!…
Trong phim của ta mấy chục năm qua, không hiếm những bộ phim hoành tráng có những yếu tố hình thức hứa hẹn về “Tính dân tộc” cũng hoành tráng chẳng kém, thế nhưng khi xem xong, đa số người xem ngẩn ngơ: Ừ, đúng là có nhiều nét dân tộc thật, song tại sao ta không thấy xúc động, không lưu lại được điều gì để ngẫm nghĩ?
Tôi xin phép dẫn vài ví dụ.
Bộ phim “Mê thảo- thời vang bóng” (đạo diễn Việt Linh) đúng là “chuột sa chĩnh gạo dân tộc” nhé: ở đó có những phụ nữ mặc váy yếm, những điệu hát ca trù, những chiếc đèn giời, sinh hoạt của giới địa chủ, nghề làm tơ tằm, những cuộc biểu diễn nghệ thuật truyền thống (mà cảnh trò vợ trẻ cõng chồng già sẽ còn gây được hiệu quả ít nhiều nếu như nó không từng bị nhàm chán vì lạm dụng trong một phim lịch sử cách đây mấy chục năm!)… Quả là một cuộc triển lãm dân tộc học tưng bừng về Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX! Nhưng xem xong phim, nhiều người thấy thiêu thiếu một cái gì… Hóa ra, cái thiếu đó chính là ngọn lửa ở bên trong tác phẩm, là thái độ ngay thẳng bênh vực con người, là cái thông điệp về nhân sinh ngầm sâu mà những người làm phim cần gửi đến người xem qua hàng loạt những hỉ, nộ, ái, ố, những cảnh sắc, những trang phục và diễn xuất… Cảm giác bao trùm đối với nhân vật chính trong gần hết bộ phim là một sự ghê rợn, kinh sợ bởi những hành động chẳng ra người chẳng ra thú. Người xem buộc phải trở lại câu hỏi day dứt: vậy bộ phim được làm ra để làm gì? Cả một bộ phim tốn kém dài hơn trăm phút không lẽ chỉ nhằm đưa ra một lời khuyến cáo đơn giản sau cùng và cũng đầy khiên cưỡng: “mọi sự mê muội đều phải trả giá”? Tiếng hát ca trù của cô Tơ cùng tiếng đàn “chảy máu năm đầu ngón tay” của quản Tam dù có rung động lòng người dẫn đến cái chết cứu mạng ân nhân của Tam cũng không giúp gì nhiều cho phim khi phim đã không có cái cột trụ vững chắc là một tư tưởng nghệ thuật sâu sắc.
Hay như phim “Đất nước đứng lên” (đạo diễn Lê Đức Tiến). Phụ nữ Tây Nguyên thời đó thường ở trần, theo phong tục, và cũng bởi nghèo túng; nhưng ở trong bộ phim này, những phụ nữ trẻ để trần lộ cả hai bầu vú đầy đặn lại được mặc những chiếc váy mới có thêu hoa văn rất đẹp. Dân tộc tính quá chứ gì? Bộ phim còn đầy ắp những chi tiết phong tục, thừa thãi những cảnh quay về sinh hoạt văn hóa dân gian; song chúng ít được gắn với những tâm trạng, những cảnh huống kịch tính, những số phận cụ thể, và chính vì thế cái ấn tượng ôm đồm, tham lam, phô bày một cách cố tình lại càng nổi cộm trong khán  giả (Ví dụ tiêu biểu nhất là đoạn những bức tượng nhà mồ được gom lại và được ống kính máy quay miêu tả như một cuộc triển lãm tượng!) Khi người xem được thông tin rằng (chỉ bằng một lời thoại): địch có âm mưu sẽ lấy hết dụng cụ lao động bằng sắt của nguời Kông Hoa, thì liền sau đó được xem những cảnh chặt cây cổ thụ bằng đá sắc cạnh! Địch có phép thần thông biến hóa hay sao mà người dân Kông Hoa di chuyển lên núi đựợc an toàn kể cả mọi vật dụng gia đình nhưng lại không giữ nổi các đồ dùng lao động bằng sắt- vật dụng có ý nghĩa sống còn đối với người dân miền núi?! Nếu các nhà làm phim có ý định thần thánh hóa kẻ địch thì cũng nên dành vài mét phim để thỏa mãn óc tò mò của khán giả và tăng thêm yếu tố ly kỳ bên cạnh tính dân tộc đã đậm đà sẵn (ví như cho tên quan ba Pháp đọc câu thần chú chẳng hạn!!!) Ngay sau những cảnh quay mô tả kỹ lưỡng việc chặt cây rừng bằng đá với những bàn tay bật máu ra sao, người xem thấy xuất hiện lừng lững một ngôi nhà rông khổng lồ với những tấm ván xẻ cỡ lớn- có quay đặc tả. Điều phi lý như vậy cũng xảy ra khi người làm phim cho các diễn viên đóng lính Tây cứ tập trung vào một chỗ để dân làng Kông Hoa tha hồ bắn, giết cho hả dạ. Đánh Tây, giết Tây ở một vùng Tây Nguyên thời ấy dễ như thế sao? Hay người làm phim cho rằng để xây dựng lên một huyền thoại về những người dân Tây Nguyên anh hùng thì chẳng cần đếm xỉa đến tính hợp lý, đến sự thật, kể cả sự cảm thụ của người xem bình thường, và như vậy mới làm tăng thêm tính dân tộc? Giữa núi rừng Tây Nguyên trùng điệp và âm thanh của cồng chiêng, giai điệu trữ tình mang bóng dáng đồng bằng Bắc Bộ của một bài hát rất hay như “Bộ đội về làng” (nhạc sĩ Lê Yên) bỗng trở nên vá víu, lạc lõng đến tội nghiệp! Ai dám bảo hai bộ phim kể trên thiếu “Tính Dân tộc”? Thế nhưng sự thừa thãi dân tộc tính kiểu như thế, theo thiển ý của tôi, thì tính dân tộc đúng là một thứ xa xỉ phẩm của Điện ảnh!
Vấn đề “Tính dân tộc trong ĐẢ” qua việc làm phim ( và các hội thảo về phim) của ta lâu nay thường vẫn cứ bị đánh lộn sòng, bị thả hỏa mù như vậy; trong khi đó, cái người xem cần không phải là những cuộc trưng bày “mãn nhãn” về dân tộc, mà là một cái nhìn mới, một cảm xúc mới sau khi màn hình hiện lên chữ Hết phim. Như thế, yếu tố dân tộc trong phim thể hiện qua bối cảnh, phục trang, hóa trang, lễ hội… xét cho cùng chỉ góp phần vào chất “kỳ” (ésotique), chỉ là yếu tố phụ trợ, đứng sau những yếu tố nội dung- tư tưởng của phim, chúng được nhà làm phim xử lý một cách nghệ thuật- qua cấu trúc phim, lý giải nhân vật, chi tiết đời sống chắt lọc, v.v. Hay nói chính xác hơn, cái được gọi là “tính dân tộc” đó phải chìm lặn tự nhiên trong tâm lý tính cách nhân vật có sức thuyết phục, trong các tình huống phim được thiết kế hợp lý. Một cảnh phim, chứ chưa nói đến cả một bộ phim, để người xem có thể chấp nhận, ít nhất phải chứa đựng tính chân thực của đời sống; còn tính dân tộc – nếu có, thì cũng bắt buộc phải mang yếu tố phổ quát có tính nhân loại. Những bộ phim kinh điển thế giới như: Chiến hạm Pachômkin, Người thứ bốn mốt, Đàn sếu bay (Nga), Kẻ cắp xe đạp, Rôm lúc 11 giờ, Anh em nhà Rôccô (Ý), Sự ra đời của một quốc gia, Cuốn theo chiều gió, Công dân Kên (Mỹ), Ratsômông, Đảo trụi (Nhật), Cái sừng dê (Bungari), Nhạc trưởng (Ba Lan)…; hoặc gần đây nhất là những phim được trao giải thưởng Oscar của Viện Hàn lâm Khoa học-Nghệ thuật ĐẢ Hoa Kỳ, Cành Cọ Vàng của LHP Cannes như: The King’s Speech (Diễn văn của nhà vua), The Artist (Nghệ sĩ ), The Tree of Life (Cây đời), v.v. khi làm ra đâu có cần đến khẩu hiệu “Nâng cao tính dân tộc trong phim” để có thể chinh phục hàng bao thế hệ khán giả khắp thế giới ?!

Hà Nội, tháng 8-2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét