Tôi nhớ
không nhiều những kỷ niệm mỗi lần theo bố mẹ đi sơ tán , vì tôi còn nhỏ,
theo mẹ tôi kể lại thì chúng tôi đã theo bố mẹ đi nhiều nơi: Bưởi, Cổ nhuế,
làng Trích sài, Quốc oai, Đ. yên và đợt bom B52 năm 1972 là ở Tiên Sơn - Bắc
Ninh.
Làng Đ. Yên là quê ngoại tôi,
một vùng quê nghèo, thanh bình, yên ả, cách Hà nội chỉ hơn 30km, thời kỳ sơ tán
ở Đ.Yên là thời kỳ có nhiều dấu ấn sâu đậm trong ký ức một đứa bé
chuẩn bị vào lớp 1 như tôi.
Ấn tượng khó quên nhất của tôi là những
nụ cười thân thiện, hồn hậu chất phác của các cô , các bác trong thôn với lời chào mẹ tôi "Chào cô N, cô về quê ạ" cứ râm ran suốt từ ngoài cổng làng…khi cả nhà tôi lếch thếch kéo nhau về quê, lủng củng đồ đạc, tay nải quần áo nhếch nhác, tôi và chị gái nắm chặt tay nhau ngơ ngác nhìn hai bên đường làng...Tôi ngắm nhìn họ,
những gương mặt hiền lành, chân chất , dễ
mến làm tôi bất giác cười theo, mệt mỏi tan biến, và thế là tôi cùng
chị tôi, 3 anh trai bắt đầu chạy tung tăng trên con đường làng vương đầy rơm,
phân bò, vảng vất mùi khói rạ cay cay, man mác khó tả…
“Ngôi nhà” chúng tôi ở là Nhà thờ tổ,
nằm lọt thỏm giữa những cây nhãn cổ thụ, trông âm u, tịch mịch, tiêu điều
làm tôi bỗng dưng liên tưởng tới trang trại Fơcdin của ông Rochexto trong
cuốn tiểu thuyết Jane Eyre của Charlotte Brotee mà mẹ và anh trai cả của
tôi thường xuyên đọc và thảo luận. Những con đường nho nhỏ quanh làng, lúc nắng
thì bụi, mưa thì bùn nhão nhoét, cây đa cổ thụ, cao, thân chắc cong queo như một
con rắn khổng lồ hiên ngang đứng ngay bên dốc ngã ba, một bên ra cánh đồng mênh
mông toàn sắn, một bên ra Quáng hùm – nghĩa trang của dòng họ Lê…. Mẹ tôi vốn
là cháu cụ Án – địa chủ làng Đ.Yên, một địa chủ có lòng nhân ái, có công với
cách mạng, năm 1945 cụ đã cứu sống nhiều người qua khỏi nạn đói... Mãi sau này,
khi lớn lên, tìm hiểu về gia phả bên ngoại, cùng với những câu chuyện kể về bà
ngoại tôi - một nàng dâu hiền lành nhưng vô cùng bất hạnh vì bị bà Trẻ (mẹ kế của chồng) hành hạ, cuối cùng chết trong cô đơn, bệnh tật sau khi sinh mẹ
tôi chưa đầy 6 tháng...bà Trẻ đã sai người chôn bà ngoại tôi giữa
cánh đồng trũng cách xa làng, không cho chôn trong khu nghĩa địa của dòng
họ... tôi mới hiểu vì sao mẹ
chúng tôi lại được mọi người thương yêu đến vậy…
Thời đó dân làng Đ.Yên nghèo đói lắm,
người ta phải lấy lá sắn muối chua rồi ăn với những củ sắn …cánh đồng làng xanh một màu sắn, khoai, lác đác mới có ít lúa tô điểm thêm để hoàn thiện bức ký họa tổng quát về sự ảm đạm, gian khổ, thiếu thốn trăm bề của làng quê miền bắc trong thời kỳ chiến tranh.
Chúng tôi là dân sơ tán, nên các chế
độ có đầy đủ theo tiêu chuẩn tem phiếu…Nhưng cái cảm giác không bao giờ quên
trong đời tôi suốt thời gian đó là cảm giác ĐÓI, luôn luôn đói, mặc dù bố
mẹ chúng tôi thường xuyên tiếp tế gạo và thức ăn từ Hà nội.
Bố mẹ chúng tôi sau khi đưa các con
về quê, đã quay lại Hà nội, bà nội tôi về chăm sóc 5 anh em. Bà nội tôi là điển
hình của một phụ nữ thời phong kiến: rất khó tính và nghiêm khắc , trước khi ăn
cơm phải khoanh tay mời hết mọi người mới được cầm bát lên ăn, tôi bé nhất, nên
phải mời nhiều nhất…và đến khi mời xong xuôi thì bữa cơm đã gần xong, nên hầu như chẳng bao giờ tôi có cảm
giác no trong bụng cả.
Tôi và chị gái được bà nội phân công đi nhặt lá về nấu
cơm. Sáng sáng, hai chị em tha thẩn quanh khu vực Quáng hùm – lúc đó bạt ngàn
cây trẩu, những cây trẩu không cao lắm, những chiếc lá đủ hình dạng, cái hình
trái tim, cái thì có nhánh chĩa làm ba, và,
khi đã lọt vào khu “rừng” trẩu đó thì dường như lạc vào một khung cảnh thiên nhiên huyền ảo
mê hoặc , không một ánh nắng mặt trời nào chiếu qua , thật kỳ bí và hùng vĩ
trong con mắt trẻ con của tôi lúc đó…hai chị em vừa nhặt lá trẩu, vừa tưởng tượng
những câu chuyện “ma” mà các anh trai hay kể dọa hai chị em mỗi khi không nghe
lời…
Một hôm, lớp tôi được nghỉ học (tôi mới vào lớp 1, cô Hội
chủ nhiệm bị ốm), tôi lững thững về nhà, cất cặp sách vào ngăn kéo, tôi chợt
nhìn thấy nồi cơm trong góc nhà, nhìn quanh không có ai…cơn Đói của tôi bỗng
dưng làm tôi chạy đến mở ngay nắp…và bốc vội những miếng cơm nguội ăn lấy ăn để…Ôi,
lúc đó tôi thấy thỏa mãn đến thế, sung sướng đến thế…Bỗng, một tiếng nói
cất lên: “ Ai cho ăn vụng? ngày mai bà mách cô Hội đấy!...”
Tôi giật mình, miếng cơm nguội rơi lả tả xuống đất, và thế là tôi khóc, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc vì tủi thân, vì oan ức, vì chẳng có bố mẹ ở bên cạnh …Nhưng, cũng kể từ khi đó bà tôi đã thay đổi…
Tôi giật mình, miếng cơm nguội rơi lả tả xuống đất, và thế là tôi khóc, tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc vì tủi thân, vì oan ức, vì chẳng có bố mẹ ở bên cạnh …Nhưng, cũng kể từ khi đó bà tôi đã thay đổi…
Chiến tranh, chiến tranh đã làm đảo lộn tất cả, những nếp sống hàng
ngày, những thưởng thức vô cùng đơn giản của
một bữa ăn no bụng, thay vào đó là những cuộc chạy xuống hầm trú ẩn
tránh bom…
Nhưng, gia đình tôi vẫn may
mắn vì cả nhà đều bình an trong cuộc chiến này….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét