Bố tôi từng là học sinh trường Bưởi (nay là
trường THPT Chu Văn An – Hà nội). Ông nội tôi (mà tôi chưa biết mặt vì đã mất trước khi tôi ra đời) luôn mong muốn bố sẽ đi
theo con đường kinh doanh…nhưng bố tôi thì lại thiên hướng hội họa, ngoại ngữ…Ông
vẽ suốt ngày, và tiếng Pháp ông nói chuẩn tới mức mọi người tưởng ông là … người
Pháp.
Tôi là con út nên được cả nhà chiều chuộng,
nhất là bố tôi.
Tôi thuộc lòng một triết lý cuộc sống của bố
bằng tiếng la tinh mà ông luôn luôn nhắn nhủ các con, các cháu :“Shiva piano,
va sano; shiva sano, va long tano”
nghĩa là “Ai đi một cách nhẹ nhàng như tiếng
đàn dương cầm, sẽ đi được tốt, ai đi được tốt, sẽ đi được xa” , triết lý này đã
theo tôi cả cuộc đời , đã giúp tôi đứng dậy sau những lần vấp ngã.
Hồi đó, trước cửa nhà tôi là chậu hoa quỳnh
rất đẹp, bố tôi thường bón cây bằng bã trà…bạn thân của bố tôi là bác BXP (một
họa sĩ nổi tiếng về phố cổ Hà nội) sáng sáng lại đến rủ bố đi uống cà phê ở góc
phố Nguyễn Thái Học và Cửa nam. Mỗi lần bác đến là mỗi lần lại băn khoăn hỏi
bố tôi: Toa* ơi, moa* không hiểu tại sao toa không trồng thêm cành giao? moa sẽ
kiếm cho toa một cây cành giao nhé.
Bố tôi rất thích tranh của Pierre-Auguste
Renoir (1841 - 1919) - một họa sĩ người Pháp, ông đã họa lại bức tranh về một cô bé ngồi bên dương cầm cùng người mẹ*,
và trân trọng treo trên tường nhìn ra cửa sổ… Bác P. rất thích bức tranh này, cứ
bảo bố tôi tặng lại…và bố tôi cũng im lặng cười mà không nói một câu.
Thế rồi hai ông lại đi bộ ra quán cà phê quen thuộc.
Tôi lẽo đẽo đòi theo sau, bố tôi nói: con ở
nhà, lát nữa về bố con mình đọc lại bài
thơ học tiếng pháp nhé…bài thơ đó viết phiên âm dạng bồi như sau mà tôi vẫn còn
nhớ như in từ khi mới 4 tuổi:
Mông ta như núi, pho rê - rừng
Rut xô là suối
Cooc thừng- lên dây
Manh xơ- mỏng, ê pe- dầy
Luếch din là sự đi đày phương xa
Cana - vịt, la pun- gà
Em mê - yêu mến thưa bà - ma đam…
Giờ đây bố
đã là người thiên cổ , chắc hàng ngày vẫn cùng với ông bạn thân của mình
lang thang những góc phố vô hình, cùng thưởng thức những ly cà phê đen pha đúng
kiểu, đúng vị, và nói chuyện về thơ, về hội họa, về cuộc đời…những tâm sự muôn
thuở của con người kể cả trên trần thế cũng như dưới cõi âm.
Nhưng mỗi khi nói đến bố, tôi lại mỉm cười
và hãnh diện, tự hào vì tôi là con của bố..
* Toi, moi (toa, moa): ông, tôi – cách xưng hô thường dùng của bố
và các bạn (tiếng pháp)
* Đó là bức tranh Two young gilrs at the piano (hai thiếu nữ bên cây đàn piano), Renoir sáng tác vào khoảng 1891-1892. Ký ức hồi nhỏ của tôi là mẹ và cô bé, nên tôi ghi lại theo ký ức
* Đó là bức tranh Two young gilrs at the piano (hai thiếu nữ bên cây đàn piano), Renoir sáng tác vào khoảng 1891-1892. Ký ức hồi nhỏ của tôi là mẹ và cô bé, nên tôi ghi lại theo ký ức
Một lần về Sầm Sơn nhớ bố, không hiểu Trinh còn nhớ ngày đó không?
Trả lờiXóaVỀ SẦM SƠN NHỚ BỐ
Mấy chục năm rồi, hôm nay con trở lại
Hoằng Hoá, Sầm Sơn, bãi cát, rặng dừa
Con ngẩn ngơ tìm rẻo đường đất mấp mô
Chuyến xe ngựa chở niềm vui con trẻ
Như bố vẫn còn đây, mải mê bên giá vẽ
Nhìn ngắm lũ con thơ nghịch đùa trên bãi cát tinh khôi
Đâu con thuyền ngày xưa, đâu bến lở bến bồi
Cả bóng mây in hằn trong nét hoạ?
Bố đã từng nói gì với biển trời Thanh Hoá
Để chiều nay con sóng cứ miên man…
Sầm Sơn , 20-11-2004
Những ngày làm phim BLNĐ
NAT
@unknown: Anh Tuấn à, Lúc đó em còn bé quá, em không nhớ, chỉ nghe các anh và chị nói lại....
Trả lờiXóaNhững ký ức về Sầm sơn nắng chói chang
Trả lờiXóatiếng vó ngựa nhịp nhàng trên con đường nhỏ
bãi cát, rặng dừa, con thuyền và những bức họa của bố
con chẳng thể hình dung ra nổi bố ơi
Hồi đó con mới ba hay bốn tuổi thôi
còn quá nhỏ để ghi sâu vào tâm trí
nhưng qua những vần thơ của anh con
cùng tâm hồn thi sĩ
con đã nhìn thấy tất cả rồi
thật tuyệt vời bố ơi!