Đạo diễn-nhà văn Nguyễn Anh Tuấn ; Hình minh họa: Trần Quang Trung
Tôi trở lại Sơn La vào lúc những cánh hoa ban đang lấp ló qua song sắt nhà ngục cũ.
Đã từng có một thời, chưa thật xa lắm, có một câu hát nặng trĩu tâm tư của của không ít thế hệ người Việt Nam yêu nước: "Sơn La âm u núi khuất trong sương mù..." Nhưng cái ấn tượng hãi hùng của một vùng đất từng được coi là "Vương quốc của sự tù đày" đó đã vĩnh viễn lùi sâu trong dĩ vãng! Và cái thị xã phố núi đơn điệu nghèo nàn in hằn trong tuổi trẻ của tôi giờ cũng chẳng còn mấy dấu tích trọn vẹn...
Ngày hôm nay, nếu ai có dịp đến lần đầu, hoặc người quay trở lại với thành phố Sơn La sau khoảng chục năm- sẽ phải ngẩn người sững sờ trước những vẻ đẹp kỳ diệu của một đô thị giữa vùng núi non Tây Bắc hiểm trở- cái vẻ đẹp do thiên nhiên tạo ra, lại được bàn tay con người tô đắp trên cơ sở của những huyền thoại và xương máu của lịch sử... Nằm ở trung tâm tỉnh Sơn La, địa hình thành phố có nét đặc trưng của miền phố núi: đồng ruộng, phố phường và làng bản xen kẽ nhau ẩn khuất giữa núi non hùng vĩ. Không phải ngẫu nhiên mà thị xã Sơn La từng được mệnh danh là "Thị -xã- nhà- sàn"... Những dãy núi đá vôi nối tiếp nhau trùng điệp, nhiều ngọn cao vút sừng sững, có nhiều hang động với thạch nhũ kỳ diệu... Những dãy núi đất xen kẽ với đồng ruộng, phiêng bãi thận tiện cho việc phát triển chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, lương thực... Dòng suối Nậm La bắt nguồn từ xã Mường Chanh huyện Mai Sơn chảy giữa thành phố tựa một dải lụa mềm tạo cho thành phố phong cảnh sơn thủy hữu tình, đồng thời là nguồn nước chính tưới tiêu cho đồng ruộng. Suối Bản Cá và các mó nước nằm rải rác trong các bản là nguồn nước cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho cả thành phố.
Thành phố Sơn La từ xa xưa là mường phìa Mường La, là mường trong của Châu Mường La (bốn mường ngoài là: Mường Bú, Mường Chùm, Mường Trai, Mường Bằng). Cái tên Mường La đã có từ ngàn năm nay, từ thời cụ Lạng Chượng đem quân đi mở mang bờ cõi. Khi ông vượt qua đèo Khâu Pha, ngược theo con suối, thấy một vùng đất rộng và tươi đẹp, ông cho xây bản lập mường ở đây. Nhưng không thấy một người bản địa nào sống ở đây cả, nên ông mới gọi mường này là Mường Lạ - tức mường trống không, người đời sau gọi chệch thành Mường La. Sau này ông mới biết những người dân bản địa đã trốn vào một khu rừng rậm rạp gọi là Đông Mệt (gần nghĩa với rừng bí mật, nay vẫn còn địa danh này). Ông cho đặt chiềng_ nghĩa là trung tâm của một mường tại khu đất có núi đá bao quanh, có ao nước trước mặt gọi là Chiềng An. Tương truyền rằng, từ thời Ải Lậc Cậc - tức Ông Khổng Lồ đi cày, ông thấy hai sái cày to và cứng quá liền lấy đòn càn (đòn nhọn hai đầu) chọc vào để nhấc chuyển đi, không may chiếc đòn bị gẫy, ông ngã bệt xuống nên mới có cái ao này; hai dãy núi là núi Hài và núi Cá có hai cái hang to giữa vách đá, là lỗ do Ải Lậc Cậc chọc từ đó. Ông Lạng Chượng cho khai phá đất làm ruộng, lập nên Viềng Hài và Viềng Giảng là các lũy quân sự. Sau đó ông tiếp tục dẫn đoàn quân lên Mường Muổi (Châu Thuận), giao cho Khun Dãng làm chủ Mường La. Trải qua hơn bốn mươi thế hệ, các chúa đất Mường La luôn đặt trung tâm tại Chiềng An này. Đất Chiềng An ngày xưa gồm khu Viện Điều dưỡng, Bệnh viện Y học dân tộc và khu vực lân cận ngày nay.
Như vậy là, Mường La ngày xưa ( tức Thành phố Sơn La nay) có trung hành chính là Chiềng An. Khi thương mại phát triển, nhu cầu trao đổi sản phẩm hàng hoá tăng lên thì mới hình thành nên một trung tâm mới về buôn bán là Chiềng Lề (tiếng Thái vẫn gọi Chiềng Le- nghĩa là trung tâm nhìn, nhưng sang tiếng Việt lại thành Chiềng Lề). Trung tâm này là khu vực Rặng Tếch này nay. Viện sĩ sử học Trần Huy Liệu, một cựu tù chính trị đeo số vuông ở ngục Sơn La đã có mấy câu thơ độc đáo về thị xã Sơn La ngày ấy: "Bản Giảng gió trăng chừng cũng thú/ Chiềng Lề phố xá có gì vui ?"
Chiềng Lề có ngọn đồi Khau Cả mà ở trên đó, thực dân Pháp đã dựng nên một nhà ngục khét tiếng khắp ba Kỳ nhằm đàn áp phong trào cách mạng và thủ tiêu lòng yêu nước. Di tích lịch sử ngục Sơn La hiện giờ đã trở thành một địa điểm tham quan hấp dẫn, với những câu chuyện kể ly kỳ quanh cây đào mang tên Tô Hiệu... Đã biết bao lần tôi tha thẩn trong khu ngục đá này, quanh ngọn đồi Khau Cả này, để hình dung ra cảnh kéo xe nước ngược dốc cùng những cảnh lao động khổ sai trong sương mù hoặc trong nắng gắt của các tù nhân chính trị- những "phần tử nguy hiểm" đối với thực dân Pháp song lại là niềm tin yêu và nguồn thương mến vô hạn của những người dân nghèo quanh phố Chiềng Lề và các bản năm xưa... Những người cầm quyền hôm nay, dù bận bịu nhiều thứ việc cũng nên bỏ chút ít thời gian để ngẫm lại về mối quan hệ đẹp đẽ giữa Quần chúng và Cách mạng từ những bậc tiền bối của mình- những điều đã được bộc lộ một cách thực sáng rõ và cảm động ở ngục đá Sơn La hơn hai phần ba thế kỷ trước...
Tôi lại vào thăm Bản Cọ- quê hương của người thanh niên yêu nước Lò Văn Giá đã dẫn 4 tù chính trị thoát khỏi ngục Sơn La rồi sau đó bị giặc giết hại dã man... Người bạn dạy văn thân thiết cũ của tôi- nhà thơ Dương Tam Kha đã biết bao lần vào ngôi nhà hiện đã trở thành một phần của Khu Lưu niệm, đi khắp bản Cọ gặp gỡ con cháu, xóm giềng người anh hùng trẻ tuổi để hỏi han, để sống lại tuổi thơ của Lò Văn Giá rồi xây dựng nên một trường ca tâm huyết mang tên Anh...
Mấy chục năm trước, tôi đã nhiều lần ngẩn ngơ đi trên con đường mang tên Lò Văn Giá dẫn vào Tạ Bú- nơi năm xưa những người tù vẫn phải cõng gạo từ bến Tạ Bú- sông Đà về tới ngục Sơn La. Không chỉ một lần tôi phải đứng lặng ngắm nhìn cái ráng vàng rực chan hòa cả dải núi phía Mường La lúc chiều về, bên dưới là dòng suối thơ mộng có những cô gái váy áo cóm khăn piêu duyên dáng múc nước vào ống bương gánh về những mảnh vườn xinh xẻo- một hình ảnh quá thân thương thi vị đã hiển hiện trong nhiều tấm ảnh nghệ thuật, nhiều bản nhạc, nhiều bức tranh- trong đó có một bức tranh lụa của bố tôi- cố họa sĩ Nguyễn Quảng... Cái khung cảnh "Có nàng sơn nữ ngây thơ" ấy cũng đã hiển hiện trong bài thơ "Chiều về Mường Bú" của một người tù chính trị đeo số vuông mà tôi đã từng viết một truyện ngắn cùng tên kể lại hoàn cảnh ra đời của nó...
Trên đường đi Tạ Bú, gần lối vào bản Cọ là Công ty Môi trường Đô thị- một cơ quan mà khi tôi bước vào phải ngỡ ngàng như lạc trong động Thiên Thai xưa! Óc thẩm mỹ của những chủ nhân ở đây thật không chê vào đâu được! Và công sức họ bỏ ra cũng thực đáng nể vì! Nhiều loại cây hoa lạ, nhiều tảng đá muôn hình dáng vẻ... đã được sưu tầm từ khắp các địa phương trong tỉnh, để trang hoàng cho một công ty đẹp hơn công viên! Anh Trần Mạnh Hồng, giám đốc Cty nhiệt tình dắt tay tôi tới đầu hồi nhà và chỉ lên những ống tre tạo ra để cho chim én tới cư trú... Chưa kịp tìm hiểu thành tích mà Cty này đối với Thành phố ra sao, nhưng chỉ với tình yêu thiên nhiên, sự chăm chút đối với khuôn viên nơi làm việc, sự thân ái tôn trọng lẫn nhau giữa thủ trưởng với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên, tôi cũng đã có thể hình dung được uy tín lẫn thành công của họ trong sự nghiệp Môi trường Đô thị của một Thành phố trẻ...
Đêm xuống, những người làm Môi trường Đô thị đã dẫn chúng tôi lên tháp truyền hình tỉnh Sơn La để nhìn xuống toàn cảnh Thành phố...
Bên dưới kia, trong những ngôi nhà ấm cúng ngập tràn ánh điện, có biết bao con người đang âm thầm làm việc cho tương lai, và có biết bao gia đình miền xuôi - miền ngược đang xây đắp hạnh phúc từ mồ hôi của hiện tại và từ máu xương của quá khứ...
Trong số những gia đình như thế, tôi rất thân thiết với gia đình bà quả phụ Lò Văn Mười. Hồi dạy học ở Châu Thuận, bên bếp lửa sàn của gia đình ông bà, tôi thường được ông Mười kể lại cho nghe nhiều chuyện cũ... Ông Mười vốn là phó quản trại lính khố xanh trên nhà ngục Sơn La, được tù chính trị số vuông cảm hóa, giúp tù nhân liên hệ với các tổ chức cách mạng bên ngoài, và sau đó, ông trở thành một trong những nhân tố cốt cán của Cách mạng và Kháng chiến tại Sơn La. Ông còn là một nhà thơ dân tộc Thái nổi tiếng, một cán bộ lãnh đạo ngành giáo dục khu tự trị Tây Bắc cũ. Con cháu ông đều đi theo con đường trí thức, làm thầy giáo hoặc làm cán bộ các ban ngành của tỉnh, thành phố... Một người con gái "rượu" của ông, học trò quý của tôi- cô giáo Lò Mai Cương dạy ở trường Cao đẳng Sơn La đã có một công trình khoa học đáng chú ý, thừa hưởng được một cách xuất sắc di sản tinh thần của người cha, đó là công trình mã hóa chữ Thái mang một ý nghĩa sâu xa: làm giàu có bền chắc thêm cho đời sống văn hóa của thành phố và cho cả vùng Tây Bắc!
Cũng ở phía đi Mường La, đối diện với bệnh viện tỉnh, ngược lên một con dốc, có một ngôi nhà thân quen đối với hầu hết những người có dính dáng đến văn chương chữ nghĩa của Sơn La: ngôi nhà của ông Phan Bá- biên tập viên tạp chí Văn nghệ tỉnh, người Nghệ An. Những giáo viên văn sống tập thể của thị xã hay các huyện có tí toáy viết văn làm thơ mà đói ăn đều có thể coi nhà ông như "kho lương thực" của mình. Và ông thường lim dim mắt nhìn vẻ thương cảm, có chút mãn nguyện khi vườn rau, nồi cơm nguội, bát nước mắm, đĩa thịt kho nhà mình bị "càn quét" một cách đáng yêu như thế! Trong số những tác giả trẻ cộng tác với tạp chí, chẳng hiểu sao tôi là người được ông chân tình mắng mỏ, dạy bảo nhiều hơn cả... Đã nhiều năm nay, tuy chỉ thỉnh thoảng được thấy ánh mắt ông qua hương khói bàn thờ, song người anh lớn có bản tính giản dị giàu tình thương người đó vẫn luôn sống tận đáy hồn tôi tựa một bài thơ đẹp mà buồn...
Tôi thơ thẩn đi qua những chợ dân dã ven đường vẫn giữ được khi Thị xã Sơn la lên Thành phố, nơi tiêu thụ sản phẩm từ vườn ruộng của bà con dân tộc ở các bản xung quanh Thành phố, vừa giúp đồng bào có thêm thu nhập vừa giúp cán bộ công nhân viên chức cải thiện bữa ăn tươi một cách giản dị... Biết bao mảnh vườn, mảnh ruộng nước nho nhỏ nằm giữa Thành phố cũng tạo cho không gian một màu xanh thích mắt và giúp những công trình xây dựng hiện đại có thêm sự duyên dáng... Sản xuất nông nghiệp của các làng bản quanh thành phố Sơn la hôm nay tuy đã bước đầu vươn tới nền kinh tế thị trường, song chủ yếu vẫn là tự cung tự cấp. Cảnh đốt nương tra hạt trồng màu vẫn đang còn diễn ra trên các sườn núi trọc lóc của thành phố như một nỗi day dứt ám ảnh của quá khứ nghèo đói! Những cánh rừng thiêng đầu nguồn phía Hua La của dòng Nậm La vẫn đang tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo và kêu gọi các thế hệ người thành phố cần biết giữ gìn sự thâm nghiêm của rừng- đó là một cách giữ gìn sự sống cũng như vẻ đẹp lâu dài cho thành phố, để cái cảnh cơn lũ kinh hoàng tàn phá thị xã Sơn La vào tháng 7 năm 1991 sẽ không bao giờ tái diễn! Những luật tục bảo vệ rừng ngàn đời của đồng bào dân tộc gắn liền với những cánh rừng thiêng của thành phố đang được nhà nghiên cứu Cà Chung, cùng những cán bộ có tâm huyết của Sở khoa học công nghệ Sơn La tìm hiểu, khôi phục lại... Anh Cà Chung cho tôi biết: người Thái nói riêng và người miền núi nói chung quan niệm khu rừng thiêng là nơi ngự trị của thần linh, là nơi che chở cho muông thú mà con người không được động đến. Nếu ai xúc phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Bao đời rồi, người Thái vẫn sống bình yên như vậy và truyền nhau lưu giữ những điều cấm kỵ, để họ còn có được một cánh rừng già hiếm hoi, quý giá như chính sự sùng kính tổ tông và những điều thiêng liêng nhất... Tiếc thay, giờ đây nhiều cánh rừng đã bị “giải thiêng”. Nhiều luật tục, trong đó có luật tục đầy tính nhân văn, khoa học đã bị rơi rụng theo năm tháng, nhiều quy định đã bị bãi bỏ!
Và rồi cũng tới lúc, vẻ đẹp thi vị nhưng chậm chạp của chiếc cọn nước bên dòng Nậm La sẽ được trưng bày trong các nhà bảo tàng; nhưng ngày hôm nay, vẻ đẹp của nó vẫn làm chúng ta băn khoăn ngẫm ngợi về một nền nông nghiệp lạc hậu của miền núi từ hàng ngàn năm qua - giữa một thành phố trẻ trung năng động...
Thành phố Sơn La hôm nay đã hiện ra trước du khách bốn phương như một vương quốc của những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, của những điệu xòe duyên dáng, của những phong tục tập quán đáng yêu nhiều dân tộc làm say lòng người... Quanh thành phố Sơn La có tới hàng chục đội văn nghệ quần chúng của bản với những tiết mục văn nghệ truyền thống đặc sắc không thua kém văn công chuyên nghiệp- ví như các đội bản Cá, bản Chiềng Xôm, bản Cọ, bản Hìn, v.v.
Thành phố Sơn La, con người Sơn La - dù có trải qua những biến thiên nào của đất trời, của lịch sử thì bao giờ cũng vẫn giữ trọn vẹn lòng mến khách hồn hậu riêng biệt mà bất kỳ ai đã từng đến đều có thể trải nghiệm... Điệu múa xòe giữa bản hay trên nhà sàn thường diễn ra sau mỗi cuộc gặp gỡ thân mật nồng ấm tình người sẽ còn để lại bao ấn tượng khó quên cho mỗi con người dù mới đến thành phố Sơn La lần đầu hoặc đã từng coi Sơn la là quê hương thứ hai của mình... Tôi tin là có thể nói hộ được tâm tư khá nhiều người sau những cuộc giao lưu như thế bằng mấy vần thơ vụng:
Về Thị-xã-nhà-sàn
Chẳng ngờ em vẫn đợi
Tối giao lưu bập bùng...
Đôi má hừng hực lửa
Rượu uống vòng chưa say
Nhịp chân hoà tay nắm
Đêm ngập đốm sao bay!
Đôi mắt em hoang dại
Tóc cuộn đỉnh bời bời *
Như ngày xưa lỡ hẹn
Tìm cuối đất cuối trời..
Thành phố Sơn La - thành phố của truyền thuyết và huyền thoại mà vẻ đẹp hoang sơ cùng với nỗi buồn đến xao lòng vẫn còn long lanh trên những cánh hoa ban, hoa mạ... Phố Núi của những làng bản ruộng vườn yên bình, đẹp và mộng mị như tranh vẽ, như thơ nhạc... Thành phố Sơn La hôm nay còn là thành phố của niềm khát khao khám phá những chân trời mới của văn hóa, của khoa học kỹ thuật... Thành phố Sơn La đang cố gắng để thực sự xứng đáng là một thành phố trung tâm của cả vùng Tây Bắc; và cái tiêu chí, cái đích đến vạch ra tự năm nào: Sơn La trở thành một hòn ngọc thực sự của miền Tây Tổ quốc, tôi hy vọng sẽ không phải là một khẩu hiệu suông, hão huyền ...
Tháng 3- 2012
* Phụ nữ Thái đen khi có chồng thì búi tóc lên thành cuộn trên đỉnh đầu (tằng cẩu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét