Bộ phim do nữ đạo diễn Jane Campion sản xuất đã thành công khi dành được rất nhiều đề cử trong Oscar năm 1993 và chính thức đoạt được giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (Holly Hunter), nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Anna Paquin) và kịch bản gốc hay nhất, Giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993 cùng với rất nhiều những giải thưởng quốc tế khác.
Câu chuyện phim diễn ra vào khoảng giữa thế kỉ 19, kể về một người phụ nữ bị câm từ nhiều năm tên là Ada ( Holly Hunter thủ vai), cô đến một vùng núi hẻo lánh của xứ New Zealand cùng đứa con gái nhỏ Flora (Anna Paquin thủ vai) để bắt đầu cuộc cuộc hôn nhân sắp đặt của người cha với một địa chủ giàu có trong vùng. Trong chuyến đi ấy, hai mẹ con Ada đã cố gắng mang theo cây đàn piano yêu quý nhưng đến vùng đất của người chồng mới thì anh ta đã bỏ lại cây đàn ngay ở bờ biển. Ada hằng ngày nhìn ngắm cây đàn qua khung cửa sổ mà lòng tê dại.
Người chồng của cô là một người đàn ông lạnh lùng, cứng nhắc, anh ta luôn muốn phá vỡ mối liên hệ giữa Ada và cây đàn. Còn Baines (Harvey Keitel thủ vai) là một người đàn ông mang trên mình những hình xăm lạ lại muốn mua cây đàn đó, muốn được Ada dạy đàn cho anh ta. Cho đến khi quá tuyệt vọng về người chồng, tình yêu của cô đã trỗi dậy với Baines, Baines đã khuấy động tâm hồn vốn câm lặng của người đàn bà câm. Trong cô tình yêu trào lên như sóng, cô gửi lời yêu thương đến Baines qua một phím của cây đàn piano nhưng bị chồng phát hiện ra, hắn như một con thú dữ chặt đứt một ngón tay của Ada.
Với một tình yêu chân thành, Baines đã đón hai mẹ con cô cùng cây đàn ấy trở về với đất liền. Đó là một câu chuyện phim mang đến không khí mặn mòi của mùi biển, vị chát của rừng núi hoang sơ cùng những âm thanh hỗn loạn của nhịp sống. Những nhân vật trong phim là những số phận mang bi kịch, họ trầm lặng, nhỏ bé trước chính cuộc đời mình.
Và chiếc đàn piano – nhân vật xuyên suốt chiều dài bộ phim cũng mang một số phận riêng. Tiếng đàn vang lên, nhả những âm thanh trầm lắng như khoảng không rộng lớn cho những suy ngẫm của con người. Trên nền nhạc lãng đãng, trên nền của tiếng sóng biển dịu êm và những con sóng dội vào bờ, hình ảnh chiếc đàn piano như một dấu chấm nhỏ. Đôi mắt buồn xa xăm của người đàn bà trong câm lặng ẩn chứa những nỗi đau đến tột cùng. Trong không gian lạnh ngắt và xanh xám của rừng già và bùn đất ấy vẫn văng vẳng những khúc nhạc xao xuyến, thổn thức lòng người.
Trái tim lạnh lùng của một người đàn ông đã bị chinh phục bởi tiếng đàn, và trái tim hoá đá của người đàn bà câm đã thực sự rung động bởi sự đồng cảm từ phía người đàn ông đó. Không thể nói thành lời, Ada đã đàn, tiếng đàn như tiếng nói của Ada, là tiếng lòng của trái tim cô. Cây đàn piano đã trở thành nhân vật thứ 3 trong câu chuyện tình yêu. Từng phím đàn, tiếng đàn là vật kết nối tình yêu khiến nó bùng lên và cháy mãnh liệt. Cây đàn đi theo người phụ nữ bất hạnh ấy suốt cả chặng đường phiêu lưu của cuộc đời cô, cùng cô lênh đênh trên biển cả dạt dào sóng vỗ, cùng thổn thức nỗi lòng yêu đương với người phụ nữ ấy, cùng cô nếm vị mặn mòi, chua chát đến đau đớn tột cùng của vùng đất lạnh. Ada bên ngoài là một người phụ nữ an phận, cam chịu nhưng bên trong lại là một người phụ nữ khao khát, sẵn sàng đốt cháy mình cho những đam mê và nổi loạn đến bất ngờ. Chính tính cách này của người phụ nữ câm đã tạo nên những tình huống, tình tiết phim đầy kịch tính, tăng thêm sức hấp dẫn cho bộ phim. Trong phim có những cảnh quay rất ấn tượng như những đại cảnh về biển, hình ảnh biển cả rộng lớn mênh mông ôm trọn khuôn hình và hình ảnh cây đàn, hình ảnh con người trở nên nhỏ bé vô cùng. Sống lại với tiếng đàn và âm nhạc, người phụ nữ ấy như tìm lại được chính mình. Cô say sưa độc tấu cùng chiếc đàn trên biển, cô con gái nhỏ cũng mở rộng lòng cùng những điệu múa uyển chuyển trước đại dương mênh mang.
Cái kết của bộ phim là một cái kết tạo được nhiều kịch tính và sự bất ngờ. Ada đã từ bỏ người chồng độc ác đó để trở lại đất liền cùng người cô yêu. Trên chuyến đi cùng với con gái và Baines, tưởng chừng hạnh phúc đã mỉm cười với người phụ nữ câm. Nhưng có lẽ cô đã quá đau khổ trước cuộc sống nên trong chuyến trở lại đất liền đó, Ada đã buộc dây thừng vào đôi giày của mình và chiếc đàn piano để trẫm mình xuống lòng biển. Nhưng Ada đã không chết, chỉ có cây đàn chìm sâu dưới đáy biển như một quá khứ đau buồn sẽ được gói kín và chôn chặt. Ở những cảnh quay này, bộ phim đã thực sự chinh phục được khán giả. Những cảnh quay chậm Ada và cây đàn chìm nổi dưới nước, âm nhạc vang lên sâu lắng khiến cho cảnh phim đạt đến độ tinh tế và tuyệt mỹ. Dưới lòng biển sâu ấy, tiếng nói từ trái tim của người phụ nữ câm vọng lên vang xa “Có một sự tĩnh lặng ở một nơi không có âm thanh, ở trong một nấm mồ lạnh lẽo dưới đáy biển sâu”, “Tiếng nói mà bạn nghe được không phải là tiếng nói của tôi mà là tiếng nói của nội tâm tôi. Tôi chưa từng nghĩ mình câm lặng vì bên cạnh có cây đàn piano, tôi sẽ nhớ nó lắm”. Đó là những cảm xúc lãng đãng của người phụ nữ câm về quá khứ, biển cả, âm nhạc và cuộc sống. Bộ phim đã chứa những thông đẹp đầy tính nhân văn về con người và cuộc sống. Ada đã không chết, ngược lại Ada với một ngón tay giả mạ vàng vẫn ngồi bên chiếc đàn piano, những âm thanh réo rắt lại vang lên. Âm nhạc và cuộc sống đã níu giữ cuộc đời ấy lại, tiếng đàn không còn u buồn mà là nét nhạc vui, nét nhạc mà cuộc sống tươi đẹp phía trước đã ban tặng cho những con người sống chết vì âm nhạc.
Âm nhạc khi đóng vai trò là một nhân vật kết nối đã làm tròn chức năng của nó. Cây đàn đã được nhân cách hoá như một con người biết nói lên tiếng nói của chính trái tim mình. Tiếng đàn piano vang lên đã nói hộ tiếng nói của Ada. Michael Nyman là nhạc sỹ viết nên những ca khúc trong bộ phim “The Piano”. Ông đã dùng “âm nhạc tối giản” để thể hiện thành công và tinh tế tư tưởng, chủ đề bộ phim. Những bản nhạc piano của nhạc sỹ Michael Nyman là âm nhạc một mô tuýp, gồm 3 hoặc 4 nốt và 2 hợp âm cho một đoạn nhạc, là những cấu trúc âm nhạc thật đơn giản nhưng lại truyền tải rất đắt ý đồ của tác giả. Các soundtracks nhạc trong phim có tên “All perfect things”, “Big my secret”, “Here to there”, “Little impulse”, “Lost and found”, “The embrace”, “The fling”, “The promise”, “The Sacrifice”, “The wounded” là những soundtracks nhạc nền giàu cảm xúc. Đó là những tiếng khóc vỡ oà trong đêm, là những lớp nhạc đuổi bắt nhau đầy ám ảnh, là tiếng đàn điêu luyện và khoáng đạt, trong lành khi con người gối đầu lên thiên nhiên, là sự muốn bứt phá ra khỏi cuộc sống tù túng...“The Piano” thật xứng đáng có được một chỗ đứng trong lòng của khán giả yêu điện ảnh, mãi mãi. (theo Thảo Vi )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét