Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014

Barcarolle in F sharp major (Fa thăng trưởng), Op. 60 của frédéric Chopin (1810-1849)

Barcarolle của Chopin không phải là một  khúc nhạc chèo thuyền điển hình của thành Venice, nó cũng mang những đặc tính chung về các chiếc thuyền thành Venice, tiếng mái chèo khua nước cùng với những bản tình ca, nhưng điểm nổi bật của khúc chèo thuyền này đó là nó đã trở thành một tác phẩm lớn độc lập và đạt những tiêu chuẩn mẫu mực nhất về cấu trúc và hòa âm, và đặc biệt hơn cả là Chopin chỉ sáng tác duy nhất một bản barcarolle vào lúc gần cuối đời, đậm chất thơ, chất nhạc, và nó là bản nhạc vô cùng quí giá, rất nhiều nghệ sĩ lấy nó làm nguồn cảm hứng thể hiện

Thể loại "Barcarolle", tạm dịch là khúc nhạc chèo thuyền, được khá nhiều nhà soạn nhạc thế kỷ thứ 19 như Mendelssohn, Chopin, Tchaikovsky, Fauré, Rachmaninov... sáng tác. Đề tựa "Barcarolle" hầu như đã thể hiện rõ nội dung chính của tác phẩm là những khúc hát, những bản tình ca trên các dòng sông thành Venice. Chopin sáng tác bản barcarolle vào năm 1846 và đề tặng cho Madame Stockhausen. Cũng như các bản nocturne, cấu trúc bản barcarolle có dạng A-B-A. Phần dẫn nhập bắt đầu bởi một nốt trầm Đô thăng và loạt chuyển âm giảm dần theo từng nốt của khóa chính Fa thăng trưởng, tạo nên một cảm giác lâng lâng mờ ảo. Sau một khoảng lặng, giai điệu chính bắt đầu với tiếng mái chèo ở bè đệm với cùng một nhịp điệu xuyên suốt phần thứ nhất của tác phẩm. Giai điệu chính bắt nhịp vào tiếng mái chèo và cất tiếng hát thật trong trẻo tươi đẹp như những bản dạ khúc tình yêu. Giai điệu chính được lặp lại bằng những hơp âm quãng ba và quãng sáu, và kết thúc phần thứ nhất với loạt hợp âm bổng và nhạt dần trong nốt chuyển âm từ Fa thăng trưởng sang Fa thăng thứ.


Một khúc độc thoại chuyển điệu Fa thăng thứ sang điệu La trưởng ở phần thứ hai. Nhịp điệu của tiếng mái chèo trở nên rõ hơn và đều đặn hơn với giai điệu chuyển từ Sol thăng sang Fa thăng. Không gì đẹp hơn những hợp âm rải trên các nốt Sol thăng và Fa thăng như những giọt nước lìa khỏi mái chèo bay vào khoảng không và cất lên tiếng hát trong trẻo. Nhịp chèo trở nên hối hả, dồn dập hơn với nhưng hợp âm quãng tám mạnh mẽ. Cao trào dâng lên cao nhất cũng với hai hợp âm Sol thăng và Fa thăng. Kịch tính tan dần đi cùng với sự chuyển sang hợp âm Fa thăng thứ nhẹ nhàng, ẩn chứa đâu đây một niềm tiếc nuối. Tiếp theo đó là giai điệu ở giọng La trưởng thanh bình và cũng không kém phần êm đẹp, như một lời đáp lại chủ đề chính ở phần thứ nhất và giai đoạn kịch tính ở phần thứ hai. Một khúc trầm lắng với những hợp âm giảm, chậm rãi, mái chèo dường như dừng hẳn để mặc chiếc thuyền nhẹ trôi theo dòng nước, con người như chìm vào những giấc mơ. Những cơn gió cùng làn sóng nhẹ nhàng lan tỏa vào mạn thuyền và vạn vật dường như thức tỉnh để trở về với giai điệu chính ở giọng Fa thăng trưởng.


Phần thứ ba bắt đầu với  giai điệu chính  được lặp lại mạnh mẽ hơn, dồn dập hơn phần thứ nhất. Những hợp âm dâng lên đến đỉnh điểm và chuyển sang khúc lặp của phần thứ hai, nhưng vẫn ở giọng Fa thăng  trưởng thay vì La trưởng, cao hơn một quãng tám, dữ dội hơn, kịch tính hơn để giải quyết những uẩn khúc xuyên suốt tác phẩm. Khúc coda (phần cuối mỗi đoạn) sử dụng hàng loạt những kỹ thuật hòa âm phức tạp, bay bổng, dường như mái chèo không còn khua trên dòng nước nữa mà là trên những tầng mây. Chính những tầng mây này đưa chiếc thuyền trở về với dòng sông quen thuộc bằng nốt trầm Fa thăng và con người cũng trở về với thực tại, kết thúc bản tình ca với hai quãng tám ngân vang, mạnh mẽ.
(Theo Trần Lương Anh- edited by Nhã Lan)


Có rất nhiều nghẹ sĩ danh tiếng trình bày tác phẩm này : như Cortot (1933) , Rubinstein (1928 & 1962), Marguerite Long, Kempff , Gieseking (1938) , Lipatti , Stanislav Neuhaus , Marcelle Meyer, Idil Biret , Rafal Blechacz , và Ashkenazy …nhưng tôi thích  phần trình diễn của Martha Argerich (năm 1960)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét