Thứ Ba, 11 tháng 2, 2014

Paroles Paroles (Những lời mê hoặc)

Nhạc: Gianni Ferrio; Lời: Leo Chiosso và Giancarlo Del Re
Bài hát Parole Parole là bài hát Ý đã được phát hành vào năm 1972, nhưng giới yêu nhạc trên thế giới chủ yếu biết bài này qua tiếng Pháp (Paroles Paroles), qua phần diễn đạt của ngôi sao ca nhạc Dalida với thần tượng điện ảnh Alain Delon.
Nhạc sĩ Gianni Ferrio là người đã soạn ra giai điệu bài hát, còn lời ca là của hai tác giả Leo Chiosso và Giancarlo Del Re. Cả ba gương mặt này làm việc chung với nhau, hợp tác sản xuất chương trình ca nhạc nổi truyền hình quốc gia Ý (RAI). Được phát sóng lần đầu tiên vào năm 1964, nhưng Teatro Dieci không đủ ăn khách để trở thành một điểm hẹn hàng tuần với khán thính giả.
Sau nhiều lần bị gián đoạn, chương trình này chính thức kết thúc vào tháng Tư năm 1972. Chính trong cái bối cảnh đó mà nhóm sáng tác Ferrio – Chiosso – Del Re mới soạn nhạc phẩm Parole Parole cho nữ danh ca Mina và Alberto Lupo, một nam diễn viên nổi tiếng của làng điện ảnh truyền hình thời bấy giờ. Nhờ vào bản song ca mà chương trình Teatro Dieci kết thúc một cách rực rỡ, sự nghiệp ca hát của Mina cũng tăng thêm một bậc. Bản song ca trở thành tình khúc ăn khách nhất nước Ý mùa hè năm 1972.

Đến tháng 10 năm 1972, Dalida quyết định ghi âm bài này trong tiếng Pháp. Tác giả Jacqueline Misrahi, cũng xuất thân từ một gia đình gốc Ý sinh trưởng tại Ai Cập như Dalida, mới chấp bút soạn lời gần sát với nguyên tác tiếng Ý. Câu hỏi đặt ra vào lúc đó là người đàn ông nào sẽ ghi âm bài hát tiếng Pháp với Dalida ?
Các nhà sản xuất mới nghĩ tới một số nam diễn viên trứ danh. Dalida thì nhất quyết muốn ghi âm bài này với Alain Delon, ngôi sao màn bạc Pháp nổi tiếng nhất trên thế giới thời bấy giờ. Trong giới sản xuất, không ai tin rằng Alain Delon sẽ nhận lời, trước hết là vấn đề thù lao, kế đến nữa là lịch làm việc.
Cùng với Jean Paul Belmondo, Alain Delon là diễn viên ăn khách và sáng giá nhất từ thập niên 1960, cứ mỗi năm là có đến ít nhất bốn dự án quay phim. Vào đầu mùa thu năm 1972, Alain Delon đang bận đóng phim bên Ý (cuộn phim La Prima Notte di Quiete – Đêm yên tĩnh đầu tiên của đạo diễn Valerio Zurlini). Do vậy mà các nhà sản xuất nghĩ rằng dự án ghi âm của Dalida với thần tượng điện ảnh này sẽ khó mà hoàn thành.
Điều mà không ai biết được là Dalida và Alain Delon đã quen nhau từ gần 20 năm về trước. Lần đầu tiên hai người gặp nhau là vào năm 1955. Vào thời đó, Dalida chân ướt chân ráo đến Paris lập nghiệp sau khi đoạt chiếc vương miện hoa hậu Ai Cập năm 1954.
Dalida từng cho biết là cô mướn một căn hộ nhỏ bé trên con đường Jean Mermoz ở Paris quận 8, và anh bạn hàng xóm ở ngay bên cạnh không ai nào khác là Alain Delon. Dalida thành danh từ năm 1956 nhờ một loạt ca khúc ăn khách, còn Alain Delon đóng bộ phim đầu tay vào năm 1957, và chỉ thật sự nổi tiếng hai năm sau.

Theo lời kể của nhà sản xuất Eddie Barclay, người đã sáng lập hãng đĩa Barclay, thì Dalida và Alain Delon rất quý mến nhau. Một điều cũng khá dễ hiểu, vì cả hai khởi đầu sự nghiệp trong cùng một hoàn cảnh : diễn viên hay ca sĩ mới vào nghề đều khổ nhọc kiếm đồng lương, vất vả chạy show trả tiền nhà. Vì thế cho nên khi nhận được cú điện thoại của Dalida mời anh hợp tác ghi âm, Alain Delon liền nhận lời ngay.
Buổi ghi âm diễn ra trong bầu không khí ấm cúng thân tình, cả hai ngôi sao ít nói đến chuyện làm việc mà chủ yếu nhắc tới cái thuở hàn vi ban đầu. Tuy mỗi người sau đó đã chọn cho mình một hướng đi khác nhau, nhưng do từng trải cùng một hoàn cảnh, cho nên cả hai vẫn có cảm tưởng ngồi cùng một ghe, chèo cùng một thuyền.
Sau buổi ghi âm trong phòng thu vào tháng Mười năm 1972, Alain Delon chỉ có đủ thời gian để thực hiện các bức ảnh chụp với Dalida để làm hình bìa cho đĩa nhựa. Dự án quay một bộ phim ngắn với hai ngôi sao để minh họa cho ca khúc này rốt cuộc không thành. Nhưng sự hiện diện của Alain Delon, dù là ngắn ngủi chớp nhoáng, phủ lên trên ca khúc một lớp hào quang lộng lẫy.
Có nhân vật nào thời đó mà lịch lãm đào hoa hơn Alain Delon, hình tượng của người đàn ông đa tình lại càng nhấn mạnh cái ý tứ của tình nhân không chung thủy. Thời nay, việc hội tụ hai ngôi sao trên cùng một ca khúc thường là do quảng cáo tiếp thị tài tình. Thời của Dalida, đằng sau chuyện ghi âm với Alain Delon, lại có nhiều giai thoại đáng kể.
Được phát hành vào đầu năm 1973, làm ca khúc trích đoạn đầu tiên từ album thứ sáu của Dalida, nhạc phẩm Paroles Paroles phá kỷ lục số bán tại châu Âu do Giọng ca vàng Frank Sinatra nắm giữ từ năm 1966 nhờ ca khúc Strangers in the Night. Bài hát này cũng chiếm hạng đầu thị trường Nhật Bản và phá luôn kỷ lục của bài Tombe la Neige (Tuyết rơi) của Adamo.
Hàng loạt phiên bản trong nhiều thứ tiếng khác nhau lần lượt ra đời không lâu sau đó, kể cả tiếng Nhật, tiếng Đức, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Ba Tư hay Thổ Nhĩ Kỳ. Một số phiên bản dịch thẳng từ nguyên tác tiếng Ý. Một số khác chuyển dịch từ phiên bản tiếng Pháp và đôi khi có đến hai hoặc ba lời khác nhau như trường hợp của phiên bản tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Việt (khác biệt trong tiếng Việt không nằm trong câu hát mà chủ yếu ở trong lời thoại).




Nếu như trong nguyên tác, bản nhạc tiếng Ý Parole Parole đã được viết với những ý tứ hóm hĩnh hài hước, thì phiên bản tiếng Pháp lại khai thác tâm trạng mất mát buồn bã của người đàn bà, khi họ bị lừa dối đến đỗi phải đột qụy vấp ngã.
Bản song ca tiếng Ý ban đầu được viết một tiết mục sân khấu truyền hình, qua đó, một người đàn ông đào hoa nói dối một cách trơ trẽn, tìm cách dỗ ngọt người yêu với bao lời thề thốt muôn đời chung thủy, nhưng người đàn bà ở đây không hề nhẹ dạ cả tin.
Về hoàn cảnh đời tư, thì vào đầu những năm 1970, Dalida yêu nhà văn nổi tiếng Arnaud Desjardins, ông là người đã giúp phổ biến ở Pháp triết học Ấn Độ và thuyết Phật giáo Tây Tạng. Sau ba năm quan hệ tình cảm từ năm 1969 đến năm 1972, hai người rốt cuộc đành phải chia tay nhau.
Mối bất đồng đến từ việc Arnaud Desjardins đã có gia đình và ông không chịu ly hôn với vợ để sống chung với Dalida. Một thời gian sau đó, Dalida làm quen với một người đàn ông khác là nam ca sĩ trẻ tuổi Richard Stivell. Sau vài tháng quen biết lui tới, Dalida tưởng rằng cô có thể làm lại cuộc đời, nhưng để rồi khám phá ra là tình nhân của mình (Richard Stivell) cũng là một người đàn ông đã có vợ. Buồn tình, chán nản, thất vọng, Dalida vùi đầu vào công việc. Không phải ngẫu nhiên mà trên cùng một album phát hành vào năm 1973, Dalida ghi âm nhiều ca khúc nói về nỗi sầu tương tư hay tình buồn đơn phương là nhạc phẩm Je suis malade của Serge Lama, Il venait d’avoir 18 ans cũng như bài Rien qu’un home de plus với gợi ý là Dalida lại có thêm một người đàn ông bạc nghĩa trong đời.
Còn trong nhạc phẩm Paroles Paroles (Những lời mê hoặc), Dalida hóa thân vào vai một người đàn bà bị phản bội bỏ rơi, diễn đạt ca khúc với tâm trạng cay đắng bồi hồi, lời giả dối càng ngọt bùi, nỗi ngậm ngùi càng làm cho đau nhói. Số phận oan nghiệt đang đẩy dần người đàn bà đến sát gần bờ vực thẳm tội lỗi. Cho đến cái ngày định mệnh khi Dalida tự kết liễu cuộc đời để lại một lời di chúc, một bức tâm thư : “Hãy tha thứ cho tôi, cô đơn, tôi không còn chịu đựng nổi”. Một lời tạ tội nhức nhối cho bao mất mát thiệt thòi.

(Theo Tuấn Thảo - Tạp chí Văn hóa)
Và bây giờ nghe bằng tiếng việt

Còn tha thiết chi lời yêu dấu cũ, những tiếng yêu đầu
Những gian dối mà thôi
Từng câu đắm say, từng câu ấm áp, những tiếng êm đềm
Những gian dối dịu êm
Ngày vui đã qua, mộng mơ cất cánh bay
Từng kỷ niệm giờ đây đã phai
Trôi nhanh tựa giấc mộng.

Ôi! Ngày xưa,
Lòng ta như là nắng ấm
Người cho ta tình yêu
Và những câu thề ngỡ mãi mãi không hề phôi phai
Giấc mơ ban đầu đã vỗ cánh theo ngàn mây bay
Hết rồi lời thề, lời hứa ước nguyện một đời
Ấm áp thật nồng nàn
Mà lòng em từng say đắm.

ĐK:
Người ơi đừng van xin lời êm ái nào
Người ơi đừng yêu thương lời gian dối đầu
Ôi bao mộng mơ xưa giờ đã xa rồi
Quên đi ngày xa xưa tình đã hết lòng đã chết
Giờ đôi lứa đã cách xa muôn nghìn trùng
Lời nói còn nghĩa chi!

Lời việt:  Phạm Duy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét